Triệu Tử Long
(VNTB) – Chuyện quốc tịch Cyprus có giá 2,5 triệu Mỹ kim đang rộ lên trên các diễn đàn mạng xã hội ở Việt Nam. Sai phạm ở đây nếu có, chắc chỉ cao lắm là “khai trừ đảng”…
Trong quan hệ giao thương thì muôn đời nay vẫn là thuận mua vừa bán. Người nào đó nếu đáp ứng yêu cầu bỏ vốn làm ăn vào các dự án X.Y.Z. ở một quốc gia, thì đất nước sở tại ấy có thể xem xét để cấp cho nhà đầu tư ngoại quốc kia thêm quốc tịch bản địa nơi đang bỏ ra số tiền lớn làm ăn. Cứ nhìn vào một số cầu thủ châu Phi đã nhập tịch Việt Nam khi họ ký kết hợp đồng với đội Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức, sẽ thấy rõ điều ấy.
Tuy nhiên xét về các quy định trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam, thì rất có thể việc bỏ số bạc lớn của cá nhân đảng viên ra cho dự án “đầu tư ra nước ngoài”, và qua đó có một suất về quốc tịch, sẽ chịu mức kỷ luật cao nhất là “đuổi ra khỏi đảng”. Mà ở Việt Nam, thì khi đã bị khai trừ đảng, coi như sự nghiệp của vị đó trong bộ máy quyền lực, trong các doanh nghiệp/ tập đoàn nhà nước, coi như cũng ‘cáo chung’.
Trong chuyện nói trên, có thể xem xét từ Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15-11-2017 của Ban Chấp hành Trung ương “Quy định xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”. Cụ thể, Điều 26, Chương III, Quy định số 102-QĐ/TW nêu rõ:
“Điều 26. Vi phạm quy định về quan hệ với tổ chức, cá nhân người nước ngoài.
1- Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
a) Tự mình hoặc có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột đi du lịch, tham quan, học tập, chữa bệnh ở trong nước, ngoài nước bằng nguồn tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.
b) Nhận làm việc trong các cơ quan, tổ chức hoặc với cá nhân người nước ngoài mà không báo cáo với tổ chức đảng có thẩm quyền.
c) Có mối quan hệ mật thiết với người nước ngoài, nhưng không báo cáo theo quy định.
d) Tự ý ra nước ngoài mà không báo cáo hoặc chưa được sự đồng ý của cấp ủy trực tiếp quản lý và cấp ủy nơi sinh hoạt.
2- Trường hợp đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):
a) Có tiền, kim loại quý, đá quý, các giấy tờ có giá trị như tiền đang gửi ở ngân hàng nước ngoài trái quy định của Nhà nước.
b) Chuyển tiền, tài sản cho người nước ngoài ra nước ngoài trái quy định.
c) Làm tư vấn cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, dịch vụ và tổ chức, cá nhân nước ngoài gây hại đến lợi ích quốc gia.
d) Liên doanh, liên kết, đầu tư vốn dưới mọi hình thức với cá nhân, tổ chức nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà không báo cáo hoặc khi chưa được sự đồng ý của tổ chức đảng có thẩm quyền.
3- Trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:
a) Quan hệ với tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hành vi chống Đảng, Nhà nước, làm phương hại đến lợi ích quốc gia.
b) Biết nhưng vẫn nhận tài trợ của cá nhân, tổ chức có hoạt động chống Đảng và Nhà nước.
c) Đồng tình, bao che, tiếp tay cho hoạt động của người nước ngoài hoặc người Việt Nam ở nước ngoài chống Đảng và Nhà nước.
d) Cung cấp, tiết lộ thông tin, tài liệu, hiện vật thuộc phạm vi bí mật của Đảng và Nhà nước cho nước ngoài, cho cá nhân và tổ chức chính trị thù địch, phản động dưới mọi hình thức.
đ) Hoạt động trong các đảng phái, tổ chức chính trị thù địch, phản động nước ngoài”.
Trong các điều khoản chia nhỏ như kể trên, xin lưu ý ở cụm từ “không báo cáo hoặc khi chưa được sự đồng ý của tổ chức đảng có thẩm quyền”. Như vậy, nếu ở đây chỉ cần sự gật đầu của ‘bề trên’ nào đó trong Bộ Chính trị, thì những đảng viên “mua quốc tịch” ấy coi như “trắng án”.
Tuy nhiên cần sòng phẳng nhấn mạnh là đừng vội ngờ vực những đảng viên, những quan chức có song tịch là họ đang nhắm đến chuyện ‘hạ cánh an toàn nơi xứ người’. Nếu họ là những đảng viên am tường pháp luật, họ tất hiểu cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam được toàn quyền thực hiện quy định của pháp luật, mà không bị bất cứ trở ngại nào liên quan đến vấn đề quốc tịch thứ hai của người phạm tội. Và họ không có quyền lựa chọn quốc tịch áp dụng trong trường hợp liên quan đến vụ án hình sự tại Việt Nam.
Dĩ nhiên ở đây lại có yếu tố liên quan đến “cơ quan có thẩm quyền” muốn xử trí vấn đề đến mức độ nào – liệu có nên “cạn tàu ráo máng” không, khi đó có thể từng là những “bề trên mưa móc” của họ ở giai đoạn mà các vị này trên đỉnh cao quyền lực…