Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đảng viên ở các doanh nghiệp không được phép tham gia công đoàn độc lập

Trần Dzạ Dzũng

 

(VNTB) – Đảng viên không được ‘đòi’ thực hiện “xã hội dân sự”…

 

Ngày 29-11, ông Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ký ban hành hướng dẫn số 02-HD/UBKTTW về thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm.

Những đảng viên có biểu hiện phai nhạt lý tưởng cách mạng, dao động, hoài nghi; phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái, đòi thực hiện “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự”, “đa nguyên, đa đảng”, đòi “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang”…; giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội cũng được nhắc đến trong hướng dẫn như hành vi vi phạm quy định.

Với riêng điều cấm đảng viên không được đòi hỏi về “xã hội dân sự” khả năng đưa đến hệ lụy cản trở việc phát triển tổ chức đảng và đảng viên tại Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 23-11-1996, của Bộ Chính trị, về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân (gọi tắt là doanh nghiệp tư nhân) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”.

Quy định mới của Bộ luật Lao động (sửa đổi) cho phép người lao động được thành lập, gia nhập tổ chức đại diện của mình, có thể ngoài hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

Bà Andrea Prince, Cố vấn trưởng dự án của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nhìn nhận Việt Nam đã sửa đổi, bổ sung pháp luật về lao động trước hết là bởi yêu cầu thực hiện các cam kết quốc tế, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do CPTPP và EVFTA mà Việt Nam vừa ký kết. Đây là các hiệp định thương mại thế hệ mới đòi hỏi cao về tiêu chuẩn lao động. Theo đó người lao động có quyền được thành lập hoặc gia nhập tổ chức đại diện của người lao động theo lựa chọn tự nguyện của họ.

Câu hỏi đặt ra: những tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp là loại hình gì, nếu không cho đó là thuộc nhóm “xã hội dân sự”?

Từ góc độ người nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Hữu Chí, Trường đại học Luật Hà Nội, cho biết vấn đề tự do công đoàn hay đại diện ngoài công đoàn không phải là chưa có quy định. Từ năm 2008, trong nghị định về cổ phần hóa đã có quy định nếu người lao động muốn thì có thể thành lập, trong những đơn vị chưa có công đoàn thì người lao động có thể bầu tổ chức đại diện cho mình. Tuy vậy, trong thực tế thì chưa thực hiện được.

“Việc quy định tiến bộ theo xu hướng quốc tế, trước hết là đáp ứng các cam kết, nhưng về bản chất là vì sự phát triển của đất nước vì nhu cầu nội bộ của chúng ta. EVFTA chỉ mới được ký kết thôi, tới đây còn phải phê chuẩn nữa, trong đó có việc chúng ta phải nội luật hóa và thực thi các cam kết quốc tế” – ông Chí nói.

Ông Chí thừa nhận có những ý kiến lo ngại rằng nếu cho phép thành lập tổ chức đại diện người lao động ngoài công đoàn thì có dẫn đến hình thành đa công đoàn, phức tạp về chính trị. Nhưng đây có lẽ là một lo ngại thái quá, bởi thể chế pháp lý của Việt Nam đã quy định rõ là Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo toàn diện, trong khi luật chỉ cho phép thành lập tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở, gắn với môi trường làm việc và quan hệ lao động rất cụ thể.

Dĩ nhiên ở đây các nhà lập pháp cần phải cụ thể hóa trình tự, thủ tục thành lập, gia nhập tổ chức công đoàn theo nguyên tắc tự nguyện của người lao động, và cũng xác định rõ luôn những tổ chức đại diện này có phải là “xã hội dân sự” hay không để người lao động là đảng viên biết để chọn lựa tham gia.

“Không loại trừ người lao động là đảng viên sẽ trả lại thẻ đảng để được quyền tham gia vào vị trí nào đó của đa công đoàn này!” – một nhà báo chuyên mảng công đoàn, nhận xét.


Tin bài liên quan:

VNTB – Bệnh viện vẫn tiếp tục thiếu thuốc

Do Van Tien

VNTB – Nhà báo bị kết án 15 năm tù vì chỉ trích thỏa thuận thương mại EVFTA.

Phan Thanh Hung

VNTB – Xã hội dân sự Việt Nam và các hoạt động về dân tộc thiểu số

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo