VNTB – Đất không lành, chim phải bay qua Campuchia?

VNTB – Đất không lành, chim phải bay qua Campuchia?

Châu Nam Việt

 

(VNTB) – Tin lời hứa có mức “lương 1000$”, hàng trăm người Việt đã bị lừa bán sang Campuchia.

 

Những năm gần đây, chuyện người Việt bị lừa đi làm tại Campuchia đặt ra một câu hỏi đáng suy ngẫm về năng lực quản lý lao động cũng như trách nhiệm của nhà cầm quyền Việt Nam. 

Dưới sự lãnh đạo tài tình sáng suốt của đảng cộng sản, nên Việt Nam “chưa bao giờ có được cơ đồ như hôm nay”. Với một đất nước đầy rừng vàng biển bạc như vậy, sao người lao động Việt vẫn bị lừa sang Campuchia để làm việc chui hay bị bị cưỡng bức lao động, trở thành nạn nhân của nạn buôn người?

“Đất lành” sao chim không đậu?

Một trong những cáo buộc thường thấy là người lao động do “nhẹ dạ cả tin” lời hứa việc nhẹ lương cao mà bị lừa. Trong những vụ người Việt bi sa bẫy việc làm ở Campuchia thường bị đổ bể đều thấy đề cập đến việc nạn nhân được hứa hẹn mức lương 1.000 đô la hoặc hơn nếu qua Campuchia làm việc. Đây đúng là mức lương mơ ước vì với nhiều người nông dân miền tây đây là số tiền họ phải làm nguyên năm khi lúa khi trúng mùa mới kiếm được. 

Những nạn nhân bị lừa bán qua Campuchia đều thừa nhận vì cảm thấy tiền lương cao và việc làm nhẹ nhàng nên đã bị sập bẫy của các nhóm buôn người. Báo chí đưa tin đều sử dụng chi tiết này để làm tiền đề cho việc người lao động bị lừa gạt. Lập luận như vậy nghe có vẻ hợp lý và dễ dàng vì đã giúp cho nhà nước phủi sạch trách nhiệm và đổ hết trách nhiệm lên đầu nạn nhân.

Nếu cuộc sống của người dân được bảo đảm, không có nạn thất nghiệp, an sinh xã hội tốt thì không ai muốn rời bỏ quê hương để bôn ba xứ người. Nhà nước không thể tạo ra đủ việc làm cho người dân trong độ tuổi lao động khi đất đai nông nghiệp dần bị thu hẹp, nhường chỗ cho các khu công nghiệp và dự án bất động sản. Người trong độ tuổi lao động cũng không được ưu tiên đào tạo nghề để có thể đáp ứng với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

Những người trong độ tuổi lao động có việc làm tại các hãng xưởng gia công nhận mức lương  không đủ nuôi sống cả gia đình khi Việt Nam vẫn muốn duy trì lợi thể tiền lương thấp trong chuỗi cung ứng  nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, làm phát tăng cao, kéo theo giá cả tăng phi mã khiến đời sống người lao động càng thêm khốn khó. Kết quả khảo sát của Liên đoàn Lao động Việt Nam trong năm 2024 khảo sát cho thấy, phần lớn thu nhập của công nhân chỉ đáp ứng 45% nhu cầu.

Trong khi đó người dân đành chấp nhận rủi ro khi qua Campuchia làm việc khi không có tay nghề, hay kỹ năng cần thiết để có thể tham gia thị trường lao động trong nước. Những người bị lừa thường là là dân từ các tỉnh kinh tế khó khăn, như biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, Tây Nguyên…, người dân tộc ít người hay người trẻ tuổi nên dễ trở thành đối tượng bị lợi dụng. 

Mặc dù có nhiều tổ chức bảo vệ lao động lẫn thanh niên, phụ nữ như: Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội, Hội Phụ Nữ, Đoàn Thanh Niên… hoạt động nhờ Ngân sách Nhà nước, nhưng vẫn không giúp gì được cho những người yếm thế.

Bộ công an với một lực lượng hùng hậu, được hậu thuẫn bởi rất nhiều tổ chức ngoại vi cùng ngân sách hoạt động khổng lồ. Công an Việt Nam không để lọt được một tên phản động, vậy mà lại để cho các băng đảng lừa đảo tiếp cận người lao động một cách dễ dàng và công khai trên mạng xã hội như Facebook. 

Làm sao để dân không tiếp tục bị lừa?

Làm thế nào để có thể giảm hoặc chấm dứt trình trạng người dân Việt Nam vẫn tự đưa mình vào tình thế nguy hiểm khi mưu sinh?

Phần lớn nạn nhân bị lừa sang Campuchia đều tiếp cận với “người tuyển dụng” qua Facebook, Chỉ cần nhập từ khóa “việc làm Campuchia” trên Facebook có rất nhiều hội, nhóm hiện ra. Nạn nhân thường trong độ tuổi 18-35 tuổi. Chính phủ Việt Nam đã có thể kiểm soát gần như triệt để mạng xã hội lớn nhất toàn cầu này dưới sự thoả hiệp của Facebook khi đối phó với các đối tượng ” phản động, chống phá nhà nước hay tổ chức khủng bố.”

Vậy thì lẽ nào công an lại không thể làm gì được những tổ chức buôn người của Trung Quốc muốn huỷ hoại lực lượng lao động trong độ tuổi vàng của Việt Nam? Chỉ kêu gọi người dân không nên nghe theo những thông tin tuyển dụng việc làm trên các trang mạng xã hội không rõ nguồn gốc để tránh bị lừa đảo là không đủ, mà phải cứng rắn hơn như: gắn nhãn vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, xoá bài, xoá nick, xoá luôn page.

Bộ Công an, báo chí liên tục nói về việc bị lừa đảo này và kêu gọi người dân cảnh giác với chiêu bài “việc nhẹ, lương cao ở Campuchia” từ vài năm nay nhưng có vẻ vẫn không ăn thua. Cơ quan chức năng khuyên người lao động nên liên hệ với các trung tâm giới thiệu việc làm hợp pháp để được hướng dẫn cụ thể nếu muốn đi xuất khẩu lao động. Nhưng những người bị lừa đi Campuchia lại không thể trả nổi chi phí môi giới đi lao động ở Châu Âu, Hàn Quốc hay Đài Loan, thậm chí người được đưa đi chính thức cũng còn bị lừa, bị mang con bỏ chợ.

Để cho người dân không ham ăn bánh vẽ ở Campuchia thì phải cho người dân ăn bánh thật ở trong nước. Giải pháp tận gốc và hiệu quả nhất chắc chắn là tạo ra cơ hội việc làm đủ thu hút lao động trong nước, đảm bảo cho người lao động sống được bằng lương. Ngoài ra cần có chính sách an sinh xã hội tốt, để người dân cảm thấy an toàn, ổn định ngay trên chính quê hương mình. 

Các tổ chức nhà nước sử dụng ngân sách không hiệu quả trong việc tư vấn và giúp đỡ người yếm thế  cần phải được giải tán; cho phép các tổ chức xã hội dân sự phát triển để hỗ trợ, tư vấn, bảo vệ quyền lợi người lao động thiết thực và hiệu quả nhất.

 

_______________

Tham khảo :

https://tienphong.vn/tiep-nhan-15-cong-dan-bi-cuong-buc-lao-dong-tai-campuchia-post1619631.tpo

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)