Triệu Tử Long
(VNTB) – Quyền chính trị của người dân nằm trong nhóm quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do tụ họp hoà bình.
Những quyền tự do cơ bản ấy không có gì xa lạ, mà chính là những quyền con người được công nhận tại Thoả ước quốc tế về các Quyền dân sự và Quyền chính trị của Liên hiệp quốc có hiệu lực từ năm 1976 mà Việt Nam đã tham gia từ 24/9/1982.
Có lập luận vì ở Việt Nam chỉ một đảng phái chính trị, cho nên người dân buộc phải làm chủ một cách hình thức, không thực chất, vì thiếu một cơ chế bảo hiến tương ứng.
Vì sao lại có yêu cầu bảo hiến? Hiến pháp vẫn bị vi phạm bằng nhiều cách, dưới nhiều hình thức khác nhau. Có những đạo luật chứa những quy định vi hiến. Có những hành vi, quyết định của cơ quan hành pháp hay tư pháp trái với Hiến pháp. Do tầm quan trọng của Hiến pháp, và do tình trạng vi hiến vẫn tồn tại, mỗi quốc gia đều quan tâm xây dựng một cơ chế bảo vệ hiến pháp hữu hiệu, với những công cụ và phương pháp thích hợp tuỳ hoàn cảnh mỗi nước.
Nếu được quyền xem xét điều 4, Hiến pháp 2013 về cả 3 nội dung mang tính hiến định, sẽ thấy đảng chính trị hiện tại đã có tình trạng vi hiến: “1. Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.
3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Người dân Việt Nam có quyền chính trị gì khi điều 4 của Hiến pháp đã mặc định về vai trò độc quyền chính trị trong “lãnh đạo Nhà nước và xã hội”? Một cơ chế bảo hiến thực sự dân chủ, ngoài những công cụ bảo hiến của nhà nước, phải tạo điều kiện cho đa số nhân dân lao động, trí óc cũng như chân tay, tuỳ hoàn cảnh và năng lực của mình, được quyền trực tiếp giám sát việc tuân thủ hiến pháp, và được quyền tố giác, yêu cầu chấm dứt những hành vi vi hiến của của các “công bộc”, nhất là khi các quyền tự do cơ bản của mình bị xâm phạm.
Đơn cử về một hành vi cụ thể trong hành động liên quan đến nội dung ở điều 4.1, Hiến pháp, khi ghi rằng Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Bộ Chính trị là cơ quan quyền lực tối cao của Đảng. Vậy trong suốt thời gian diễn ra việc phòng, chống dịch virus Vũ Hán tại Việt Nam, cơ quan quyền lực tối cao Bộ Chính trị đã đưa ra những quyết sách gì để đáp ứng chức trách “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”?
Chỉ xét riêng về sự lúng túng trong việc đóng cửa/ mở cửa học đường, đóng cửa/ mở cửa biên giới đường bộ với Trung Quốc đã cho thấy trách nhiệm đầu tiên cần truy cứu là Bộ Chính trị.
Thế nhưng trên thực tế, ngay cả các quan chức, viên chức chính quyền địa phương vẫn không trực diện đề cập đến vai trò của Bộ Chính trị trong chuyện chống dịch bệnh đang lan rộng phạm vi toàn cầu này.
Ngay cả ông Nguyễn Thiện Nhân, bí thư Thành ủy TP.HCM, người nằm trong Bộ Chính trị, dường như cũng đã không có tiếng nói trọng lượng trong Bộ Chính trị, về yêu cầu tầm nhìn quản lý chung.
Ông Nguyễn Thiện Nhân đã làm một phép tính trong cuộc họp về chống dịch ở ngày 25/2: “Mỗi ngày chia làm 3 ca. Mỗi ca phải huy động cả một đội ngũ hùng hậu các bác sĩ, điều dưỡng, y tá. Nếu phải chăm sóc cho cỡ khoảng 1.000 người bệnh như vậy thì thật sự là gánh nặng quá sức. Chữa hết bệnh cho một vài người so với chuyện phải chữa bệnh cho cả nghìn người không giống nhau, không thể đánh đồng được”.
Bí thư thành ủy TPHCM cho biết ngoài việc huy động đội ngũ y bác sỹ, nhân viên y tế thì tổng số giường bệnh tại các khoa cách ly của tất cả bệnh viện ở TP.HCM chỉ khoảng 1.000 giường. Nếu tình huống xấu nhất xảy ra là dịch bệnh lan rộng, bằng mọi giá TP.HCM phải ngăn không cho vượt quá 1.000 ca bệnh. Đây cũng chính là một trong số nguyên do nếu cho gần 2 triệu học sinh TP.HCM đi học trở lại, sẽ có khả năng và nguy cơ lây nhiễm cao nên đã đề xuất trung ương cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 3.
Tuy nhiên dường như Bộ Chính trị đã không ‘tiếp thu’ các thông tin khuyến cáo của Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 12, Bí thư Thành ủy TP.HCM, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội Việt Nam khóa 14 TP.HCM, đại biểu Quốc hội Việt nam khóa XIV nhiệm kỳ 2016-2021 thuộc đoàn Đại biểu TP.HCM.
Ông quan to nhất TP.HCM đã tình cảnh như vậy, thì nói gì đến ý kiến của người dân trong vai trò được tuyên truyền là ‘làm chủ’.