Việt Nam Thời Báo

VNTB – ‘Diễn nôm’ những ‘phát biểu chỉ đạo’ của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính

Nguyễn Nam

 

(VNTB) – Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các thành viên Chính phủ khẩn trương xử lý công việc, bảo đảm thông suốt; hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, không phô trương, hình thức và “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”.

 

Tường thuật về phiên họp Chính phủ đầu tiên trên cương vị Thủ tướng, ông Phạm Minh Chính đã đưa ra yêu cầu cụ thể cho nội các, đó là “Cái gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; cái gì chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn nhưng không nóng vội”.

Với tinh thần “suy nghĩ phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn”, tân Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành “làm việc nào dứt điểm việc đó, trước hết giải quyết những vấn đề mà người dân, doanh nghiệp đang trông chờ, những vướng mắc, tồn đọng kéo dài từ lâu”.

Với những văn bản mới ban hành “nhưng không đi vào thực tiễn cuộc sống”, tân Thủ tướng yêu cầu đề xuất tháo gỡ, không để ách tắc, “Bám sát thực tiễn, lấy hiệu quả làm thước đo”.

Tân Thủ tướng yêu cầu chủ động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp 2021 – 2026.

Giờ đến phần tạm gọi ‘diễn nôm’ trong tinh thần “Dân biết – dân bàn – dân làm – dân kiểm tra – dân giám sát và dân hưởng thụ”.

Một.

“Làm việc nào dứt điểm việc đó, trước hết giải quyết những vấn đề mà người dân, doanh nghiệp đang trông chờ, những vướng mắc, tồn đọng kéo dài từ lâu”.

Nếu nội dung ghi ở trên qua phát biểu, được hiểu là cam kết của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính, thì có thể hiểu diễn biến tình hình sắp tới sẽ có nhiều nội dung mà dân tình nóng lòng chờ đợi cho hồi kết – tạm nói với riêng về lãnh vực đất đai tại TP.HCM:

Thứ nhất, với người ở TP.HCM thì vụ bê bối kéo quá dài xảy ra tại dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, sẽ được giải quyết dứt điểm về những bức xúc của dân chúng nơi đây suốt mấy chục năm qua.

Thứ hai, vụ chính quyền đưa lực lượng vũ trang cưỡng chế đất đai ở khu vườn rau Lộc Hưng, bất chấp các quy định về pháp luật đất đai, đặc biệt là sát tuần lễ chuẩn bị đón tết cổ truyền của dân tộc. Các luật sư đã vào cuộc rất nhanh theo trình tự luật định, song vẫn nhận được sự im lặng từ chính quyền.

Hai.

“Những văn bản mới ban hành nhưng không đi vào thực tiễn cuộc sống, thì cần tháo gỡ, không để ách tắc. Bám sát thực tiễn, lấy hiệu quả làm thước đo”.

Yêu cầu này của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính xem ra hy vọng những câu chuyện buồn cười sau đây sẽ hạ màn:

Gần đây, thấy rõ nhất là những quy định trong Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2020: Phạt tiền khi trưng bày quá một bao hoặc một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá tại đại lý bán lẻ, điểm bán lẻ thuốc lá; vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá; ép, xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia; phạt tiền tới 5 triệu đối với thủ trưởng cơ quan để nhân viên của mình uống rượu vào buổi trưa…

Về nguyên tắc, chứng cứ thu thập để xử phạt hành chính phải được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, trong khi luật pháp Việt Nam có quy định người đủ 18 tuổi có đủ năng lực hành vi dân sự thì phải chịu trách nhiệm về năng lực hành vi dân sự của mình, vì vậy không thể tố cáo rằng “tôi bị người này xúi giục, người kia lôi kéo hút thuốc lá, kích động uống rượu bia…” rồi buộc cơ quan chức năng phải xác minh, làm rõ.

Còn với “sếp” thì ai dám tố cáo, và tố cáo với ai việc sếp để nhân viên uống rượu, bia trong thời gian làm việc, tại nơi làm việc? Vì vậy, cái quy định này chỉ đặt ra cho vui và có tính chất “ngăn ngừa, cảnh báo” nhưng chẳng tác động được đến ai cả.

Còn với Nghị định 119/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, thì từ ngày 01/12/2020, những hành vi xâm hại đến hoạt động báo chí hoặc xúc phạm đến nhà báo có thể bị phạt đến 60 triệu đồng.

Các nhà báo chưa kịp vui khi biết trong Nghị định này còn cho phép cấp xã cũng phạt được nhà báo đến 100 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.

Ba.

“Chủ động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp 2021 – 2026”.

Xin hỏi tân Thủ tướng một câu thôi: ngài là Thủ tướng của Quốc hội khóa XV do các đại biểu Quốc hội khóa XIV bầu theo đề nghị của Chủ tịch nước thuộc khóa XV của Quốc hội.

Vậy lá phiếu mà cử tri sẽ bỏ vào thùng phiếu vào Chủ nhật 23/5 tới đây, giả dụ ứng viên đại biểu Quốc hội Phạm Minh Chính không đạt tỷ lệ cho trúng cử, ông có phải rời chức vụ Thủ tướng không?


Tin bài liên quan:

VNTB – Ai đã cố tình “làm cùn” báo chí?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Tự ý đứng ra thành lập hội, có phạm luật?

Phan Thanh Hung

VNTB – Liệu ông Phạm Minh Chính có bị “hồi tố kỷ luật” thời làm quan đầu tỉnh?

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo