VNTB – Tự ý đứng ra thành lập hội, có phạm luật?

VNTB – Tự ý đứng ra thành lập hội, có phạm luật?

Nguyễn Nam

(VNTB) – Tự ý thành lập hội, cụ thể, như trong trường hợp của Hội nhà báo độc lập Việt Nam, thì đó là vi phạm luật gì?

Luật Xử lý vi phạm hành chính (!?)

Câu trả lời từ ý kiến tham vấn của một luật gia hiện sống ở Sài Gòn, thì rất có thể ở việc tự ý đứng ra thành lập hội, trước tiên là vi phạm Luật Xử lý vi phạm hành chính (*).

“Điều 25, Hiến pháp nói rằng công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định. Như vậy, khi chưa có luật về lập hội, thì việc thành lập hội nếu không theo trình tự quy định của các văn bản nghị định, thông tư thì đó là vi phạm hành chính.

Lưu ý, nghị định là hình thức văn bản do chính phủ ban hành và dùng để hướng dẫn luật, hoặc quy định những việc phát sinh mà chưa có luật, hoặc pháp lệnh nào điều chỉnh. Mặt khác, nghị định do chính phủ ban hành để quy định những quyền lợi và nghĩa vụ của người dân theo Hiến pháp và Luật do Quốc hội ban hành.

Còn thông tư là văn bản giải thích, hướng dẫn thực hiện những văn bản của nhà nước ban hành, thuộc phạm vi quản lý của một ngành nhất định. Đơn giản hơn, có thể nói thông tư dùng để hướng dẫn nghị định, do cấp bộ, bộ trưởng ký ban hành.

Từ góc nhìn văn bản như trên, việc tự ý lập hội không qua các trình tự về thủ tục hành chính, cho thấy sẽ chịu sự điều chỉnh của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Và trong quá trình xử lý vi phạm hành chính đó, nếu nhà chức trách phát hiện ra tổ chức hội này có những tiêu chí, hành động mang dấu hiệu vi phạm luật hình sự, thì sẽ chuyển cho cơ quan hữu trách”. Vị luật gia từng là nhà báo mảng nội chính, đã cho biết sơ lược như vậy qua email trao đổi.

Cũng theo vị luật gia này, qua theo dõi các bài viết trên trang web mang tên Việt Nam Thời Báo với tiêu chí ghi rõ “Diễn đàn tự do ngôn luận của Hội nhà báo độc lập Việt Nam”, thì các bài viết mà các hội viên đóng góp cho thấy không bị gò bó tư tưởng ý thức hệ.

Hội viên góp bài vở có thể thích đảng dân chủ hay đảng cộng hòa, hay đảng cộng sản…, nhưng khi viết là viết đúng theo tinh thần phản biện mà Điều 25, Hiến pháp bảo hộ; đặc biệt là đáp ứng Điều 28, Hiến pháp là công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.

Vạ lây?

Câu hỏi ‘nhạy cảm’ tiếp theo được đặt ra: trong trường hợp chủ tịch và phó chủ tịch Hội nhà báo độc lập Việt Nam vướng vòng lao lý ở cáo buộc Điều 117 Bộ Luật hình sự, “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, thì liệu các hội viên, người tham gia viết bài trên trang Việt Nam Thời Báo có sẽ vạ lây?

“Tôi cho rằng nếu như người phụ trách trang Việt Nam Thời Báo có nêu định hướng cụ thể với người tham gia viết bài, là cần ‘đánh’ chính khách này, chính khách khác; hay ‘đánh’ chứ không cần phải phản biện khách quan về các chính sách, quyết sách nào đó, nhằm hướng đến chủ đích riêng tư, và người viết bài tuân thủ theo ‘định hướng tuyên truyền’ này như cơ quan tuyên giáo vẫn thường định hướng với báo chí, thì trong trường hợp đó, người ấy có thể sẽ là vạ lây.

Còn ở đây, việc tổ chức Hội nhà báo độc lập và trang web gọi là “Diễn đàn tự do ngôn luận của Hội nhà báo độc lập Việt Nam” không chịu bất kỳ định hướng tuyên truyền nào ngoài yêu cầu phải tôn trọng quyền dân sự và chính trị theo Công ước quốc tế (**), cho thấy sẽ chỉ chịu các điều chỉnh về pháp luật dân sự.

Điều 40 của Nghị định 45/2010/NĐ-CP nói rằng: “Người nào vi phạm quyền lập hội, lợi dụng danh nghĩa hội để hoạt động trái pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; trường hợp gây thiệt hại về vật chất thì phải bồi thường theo quy định”.

Rõ ràng là chủ tịch Hội nhà báo độc lập Việt Nam không có các hành vi như quy định ở Điều 40 của Nghị định 45/2010/NĐ-CP”. Vị luật gia đề nghị không dẫn tên, đã có nhận xét như vậy; và có chia sẻ thêm rằng lâu nay nhà chức trách có những suy nghĩ thành lập hội một cách tự do và tự nguyện, không khác nào việc các cá nhân muốn liên kết và tập hợp lực lượng để tạo sức mạnh chính trị riêng, nhằm đi chệch hướng lãnh đạo của nhà nước, hay gây sức ép, thách thức quyền lực với chính quyền nhân dân.

Bản thân cuộc sống xã hội luôn luôn vận động một cách tự nhiên, phong phú và đa dạng hơn nhiều so với góc nhìn và năng lực bao quát của các nhà làm luật. Ngay trong lòng của chế độ bao cấp, các tổ chức tự nguyện phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của đời sống dân sự, từ hội đồng hương đến hội nuôi ong, hội chim cảnh, cá cảnh, vẫn cứ ra đời hoặc mặc nhiên tồn tại, cho dù không bao giờ được cấp phép hay đăng ký hoạt động.

“Tôi cho rằng trong nhiệm kỳ mới của đảng chính trị, cần cởi mở về cách nhìn tổ chức hội đoàn dân sự. Bởi về bản chất đây là sự liên kết giữa của một cá nhân với người khác, để cùng nhau hay phối hợp thực hiện các quyền dân sự của mình đã được pháp luật thừa nhận, với mục tiêu căn bản là hỗ trợ lẫn nhau hoặc hỗ trợ người khác, đặc biệt là các nhóm yếu thế, trong đời sống và sinh hoạt hàng ngày mà không cần đến sự bao cấp hay can thiệp của nhà nước” – vị luật gia góp ý, trong một trao đổi ở chủ đề “Những yêu cầu của người dân với đảng chính trị” trên trang Việt Nam Thời Báo (***).

__________________

Chú thích:

(*) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Vi-pham-hanh-chinh/Cong-van-09-VBHN-VPQH-2017-hop-nhat-Luat-Xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-377801.aspx

Tham khảo thủ tục hành chính về thành lập hội tại: https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-tthc-thu-tuc-hanh-chinh-chi-tiet.html?ma_thu_tuc=5647&open_popup=1

(**) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/linh-vuc-khac/Cong-uoc-quoc-te-ve-quyen-dan-su-va-chinh-tri-270274.aspx

(***) https://vietnamthoibao.org/vntb-nhung-yeu-cau-cua-nguoi-dan-voi-dang-chinh-tri/;

 https://vietnamthoibao.org/vntb-y-chi-hcm-khong-dung-o-khau-hieu/

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)