Việt Nam Thời Báo

VNTB – Án liên quan điều luật 117 – Án văn tự của nhà nước cộng sản Việt Nam ( Bài 2)

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Trong các bản án liên quan điều luật 117 của Bộ luật hình sự, phía đưa ra kết luận buộc tội không bao giờ ‘hầu tòa’ để trả lời các câu hỏi chất vấn liên quan về việc buộc tội đó.

 

Ở các vụ án theo cáo buộc điều luật hình sự 117, giám định viên của Sở Thông tin và Truyền thông nêu trong bản án luôn luôn vắng mặt tại phiên toà trong phần xét hỏi, dẫn đến phía bị buộc tội và luật sư bào chữa không thể làm rõ những điều vô lý hoặc mâu thuẫn nhau mà các giám định viên này nêu ra trong bản kết luận giám định dẫn đến kết quả cáo buộc tội danh.

Bài 2: Án văn tự của nhà nước cộng sản Việt Nam

Trong một tuyên bố của trang Luật Khoa tạp chí (một dự án của tổ chức phi lợi nhuận Sáng kiến Pháp lý Việt Nam – Legal Initiatives for Vietnam) về việc bắt giữ và xét xử ba nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn về tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Khoản 2, Điều 117, Bộ luật hình sự, có đoạn viết:

Ba nhà báo nêu trên bị truy tố và xét xử chỉ vì họ thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hiệp hội, những quyền con người căn bản nhất mà Hiến pháp Việt Nam lẫn luật pháp quốc tế đều ghi nhận.

Chính quyền Việt Nam có thể biện minh cho việc này bằng mọi cách và mọi phương tiện tuyên truyền mà họ có. Điều đó không làm thay đổi thực tế rằng bằng cách truy bức và bỏ tù các nhà báo, họ đang tự đặt bản thân vào cùng vị trí trong lịch sử với các triều đại quân chủ và những vụ án văn tự ngục.

Chúng tôi tuyên bố đứng cùng với ba nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn và Hội Nhà báo Độc lập trong sự nghiệp xây dựng một nền báo chí tự do cho Việt Nam, và yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ba nhà báo” (dừng trích).

Rất rõ ở vụ án “văn tự ngục” Hội Nhà báo độc lập Việt Nam

 vụ án trên, cáo trạng buộc tội nói rằng qua giám định, cơ quan chức năng xác định có 25 bài viết của Phạm Chí Dũng, 5 bài viết của Nguyễn Tường Thụy và 6 bài viết của Lê Hữu Minh Tuấn có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, bịa đặt, xâm phạm uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam, chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Phía giám định viên đưa ra kết luận như nêu trong cáo trạng đã không có mặt tại phiên xét xử để trả lời các chất vấn cũng như ‘đối chất’ về những nhận định mà họ đưa ra để cáo buộc hành vi kiểu “án văn tự” đối với các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn.

“Tôi tin rằng cả ba người, ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn đã phải chịu một bản án hết sức bất công. Các ông ấy chỉ thực hiện những quyền do Hiến pháp Việt Nam quy định : quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội. Nhưng rất tiếc là những điều đó bị đẩy đi quá xa, đến mức ba ông phải ra tòa như những người vi phạm pháp luật Việt Nam.

Chúng tôi có nhận xét chung là cả ba người có tinh thần rất vững vàng. Họ rất biết điều họ làm, và có thể họ cũng biết trước khả năng sẽ phải gánh những hậu quả, mặc dù họ tin rằng mình làm đúng. Tại tòa, hầu như họ thừa nhận tất cả những việc mà cơ quan tố tụng Việt Nam cho rằng họ làm. Tuy nhiên bên cạnh đó họ vẫn khẳng định những việc làm của mình không vi phạm pháp luật Việt Nam. Đây là điều hết sức đáng lưu ý trong vụ án này” – luật sư Đặng Đình Mạnh, người tham gia bào chữa, có nhận xét như vậy.

Vẫn theo luật sư Đặng Đình Mạnh, thì dường như ông Phạm Chí Dũng với hình phạt được tuyên là 15 năm tù, có vẻ ông là người đang nắm giữ kỷ lục mức hình phạt cao nhất đối với tội danh theo Điều 117 Bộ luật hình sự. Những hình phạt phải nói là hết sức nặng nề, khắc nghiệt liên quan đến quyền tự do tư tưởng và quyền tự do biểu đạt về chuyện tự do tư tưởng đó.

Thay lời kết

Văn tự án (hay còn được biết tới với tên “văn tự ngục”) là khái niệm để chỉ các vụ án ở những mức khác nhau liên quan đến các sản phẩm của văn tự (thơ, phú, văn xuôi…) trái với quy chế hoặc ý chí chủ quan của lực lượng đứng đầu nhà nước cai trị. Từ đó dẫn đến, các cá nhân, tổ chức liên quan một cách gián tiếp hay trực tiếp (tác giả, độc giả…), phải chịu sự trừng phạt về vật chất, tinh thần…tùy mức của các đối tượng, nhưng chủ yếu đến từ nhà nước cai trị.

Văn tự ngục từ lâu đã bị xem như “hình phạt đặc biệt” dành cho giới văn nhân, trí thức, là thủ đoạn trấn áp của triều đình phong kiến nhằm kiềm chế những tư tưởng đối nghịch để củng cố nền chính trị độc tài của mình.

Nhà nước cộng sản Việt Nam cũng đã áp dụng triệt để từ những học hỏi của tiền nhân về “văn tự ngục”.

Luật sư – nhà báo Phạm Văn Thọ đưa ra “ý kiến tư pháp” rất đáng quan tâm, đó là với những tội phạm vi phạm vào điều 117 và 331 của Bộ luật hình sự 2015 tu chỉnh 2017, thì chẳng những xét xử công khai, mà còn phải đặt nhiều màn hình ở trước sân tòa để người dân dự khán. Theo đó, phiên xét xử sẽ để giới luật sư tranh luận thoải mái, cho truyền hình trực tiếp, qua đó sẽ giúp giảm đáng kể loại tội phạm này!

Bởi lẽ, trong suốt quá trình diễn ra tranh tụng, các luật sư tranh luật cùng đại diện viện công tố, người dân theo dõi trực tiếp sẽ hiểu sâu sắc “nội hàm” của điều luật, nên sẽ ít phạm tội hơn!


Tin bài liên quan:

VNTB – Vì sao lại trưng cầu giám định tâm thần đối với người bị buộc tội?

Phan Thanh Hung

VNTB – Lại nói về quyền tự do ngôn luận

Phan Thanh Hung

VNTB – Nồi lẩu chính trị mang tên “Hoàng đế Đào Minh Quân”

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo