VNTB – Đồng đô-la Mỹ tăng giá và nợ công của Việt Nam

VNTB – Đồng đô-la Mỹ tăng giá và nợ công của Việt Nam

Trần Dzạ Dzũng

 

(VNTB) – Các chính phủ phải trả nợ bằng USD cũng có thể gặp khó khăn…

 

Sau khi dữ liệu việc làm tăng mạnh ở Mỹ, giới đầu tư tăng kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ. Giá USD tăng cao hơn 0,31% so với đồng yên, đánh dấu mức tăng cao nhất kể từ ngày 28-7. Giới đầu tư dự báo xác suất 73,5% Fed sẽ tiếp tục tốc độ tăng lãi suất 75 điểm cơ bản trong tháng 9.

Giá đồng euro giảm 0,35% xuống 1,01595 USD trong khi đồng bảng Anh giảm 0,19% xuống 1,2050 USD.

Đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất là 1.2004 USD, một ngày sau khi Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất lên nửa điểm như dự kiến ​​cùng lúc với cảnh báo về một cuộc suy thoái kéo dài.

Chiến lược gia FX cấp cao của Rabobank, Jane Foley dự đoán đồng bảng Anh có thể giảm xuống 1,14 USD trong vòng ba tháng. Trong khi đó, đồng đô la Úc giảm 0,06% xuống 0,6907 đô la, trong khi đô la New Zealand giảm 0,19% xuống 0,62315 đô la.

Đà tăng giá của đồng USD chủ yếu do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tăng lãi suất mạnh hơn so với các ngân hàng trung ương khác, với mục tiêu “hạ nhiệt” lạm phát vốn đã quanh mức cao nhất trong bốn thập niên. Việc Fed nâng lãi suất khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng, qua đó thu hút các nhà đầu tư muốn tìm kiếm lợi nhuận cao hơn những kênh khác trên thế giới. Điều này làm tăng nhu cầu đối với chứng khoán định giá bằng đồng USD, rồi từ đó giúp đẩy giá trị của đồng USD lên cao.

Tâm lý tin tưởng của nhà đầu tư cũng góp phần tạo nên sự hấp dẫn của đồng bạc xanh. Theo giới quan sát, mặc dù có những lo ngại về một cuộc suy thoái tiềm ẩn, nhà đầu tư vẫn nhận định nền kinh tế Mỹ đang vững chắc hơn so với châu Âu.

Ở chiều ngược lại, đồng euro đã đi xuống phần lớn do nỗi lo ngày càng tăng rằng khu vực 19 quốc gia sử dụng đồng tiền này sẽ chìm vào suy thoái. Càng khiến tình hình tồi tệ hơn là cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine  đã làm tăng giá dầu và khí đốt, qua đó gia tăng tổn thương đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp châu Âu.

Diễn biến về điều hành tỷ giá là điều đau đầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, vì việc đồng USD tăng giá có thể giúp doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi, trong bối cảnh nhiều nước đang hạ giá đồng tiền của họ như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan… Tuy nhiên, việc đồng tiền Việt Nam neo giá cao có thể thiếu sức cạnh tranh vào Mỹ hoặc các thị trường khác.

Bên cạnh đó, vấn đề thao túng, phá giá đồng tiền cũng có thể bị Mỹ suy xét ở các nước có thặng dư thương mại lớn vào nước này, trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, rất cần chính sách điều hành tỷ giá luôn linh hoạt nhằm cân bằng lợi ích và tránh những cú sốc do độ mở nền kinh tế đang rất lớn.

Đồng USD mạnh hơn cũng gây ra những vấn đề khó khăn cho các nền kinh tế có những khoản nợ bằng đồng USD lớn. Cả mức độ nợ công lẫn tư nhân đã tăng mạnh trong thời kỳ lãi suất gần như bằng 0 từ năm 2008 đến năm 2021. Khi lãi suất tăng, gánh nặng trả nợ cũng tăng theo.

Theo Ngân hàng Thanh toán quốc tế, đến cuối năm 2021, dư nợ USD của các tập đoàn phi tài chính của các nước đang phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là 909,4 tỷ USD, trong đó 139,3 tỷ USD đến hạn thanh toán trong vòng một năm.

Ngoài các chính phủ – trong đó có nợ công của Việt Nam, thì rất nhiều công ty mắc nợ ở châu Á có khả năng phải đối mặt với một số căng thẳng tài chính phát sinh từ sự mạnh lên của đồng bạc xanh và lãi suất của Mỹ cao hơn.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)