Nguyễn Nam
(VNTB) – Cuối giờ chiều ngày 2-5-2024, báo chí nhà nước đã ‘đồng phục’ đưa tin với nội dung như nhau về kỳ họp bất thường lần thứ 7 Quốc hội khóa XV.
Theo đó, thông cáo của tổng thư ký Quốc hội, ông Bùi Văn Cường cho biết chiều 2-5, kỳ họp bất thường lần thứ 7 Quốc hội khóa XV đã họp xem xét việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 – 2026, phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Vương Đình Huệ thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng.
Sau khi nghe trình bày các tờ trình, ý kiến phát biểu của ông Vương Đình Huệ, Quốc hội đã tiến hành thảo luận, bỏ phiếu kín và thông qua nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 – 2026, phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Vương Đình Huệ.
Ông Bùi Văn Cường không cho biết cụ thể các nội dung về ý kiến phát biểu của ông Vương Đình Huệ, không cụ thể kỳ họp bất thường lần này có mặt bao nhiêu đại biểu, kết quả của việc bỏ phiếu kín có tỷ lệ đồng ý/ không đồng ý, hay phiếu trắng ra sao?
Tiếp sau thông tin trên là tin tổng thư ký Quốc hội ban hành Thông báo số 3568/TB-TTKQH thông báo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Theo đó, “Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho đến khi kiện toàn được chức danh Chủ tịch Quốc hội khóa XV theo quy định”.
Về lý lịch, đường hoạn lộ của ông Vương Đình Huệ ghi nhận bài bản quy hoạch: 67 tuổi, từng là giảng viên Đại học Tài chính-Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính) rồi Trưởng khoa Kế toán, Phó Hiệu trưởng; Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Từ tháng 4-2006: Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, ông Vương Đình Huệ được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng. Từ 7-2006 đến 7-2011: Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, ông tiếp tục được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng; Đại biểu Quốc hội khóa XIII.
Từ 8-2011 đến tháng 12-2012, ông Vương Đình Huệ là Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước; Đại biểu Quốc hội khóa XIII.
Từ tháng 12-2012 đến tháng 4-2016 là Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Đại biểu Quốc hội khóa XIII.
4-2016 đến 2-2020: Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ông tiếp tục được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị. Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Ủy viên Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (6-2016). Đại biểu Quốc hội khóa XIV.
7-2-2020: Bộ Chính trị điều động, phân công tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020.
Từ ngày 11-6-2020: Quốc hội thông qua nghị quyết phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Vương Đình Huệ.
Từ ngày 12-10-2020: Tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội, ông tái đắc cử Bí thư Thành ủy Hà Nội khóa XVII nhiệm kỳ 2020-2025.
Từ ngày 30-1-2021: Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ông tiếp tục được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026
Từ ngày 31-1-2021: Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ông được Ban Chấp hành bầu vào Bộ Chính trị khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026.
Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV vào tháng 3-2021, ông Vương Đình Huệ được bầu làm Chủ tịch Quốc hội khóa XIV.
Và rồi bất ngờ chiều 2-5, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV đã miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.
Một ông vua chính thức mất ngôi. Không rõ ông Huệ có chấp nhận làm ‘người tử tế’ hay không?