Ghi nhanh Hàn Lam
Nhiều doanh nghiệp thép tiếp tục chìm trong thua lỗ và dự báo càng ảm đạm hơn khi giá điện vừa điều chỉnh tăng.
Mùa báo cáo tài chính quý III vừa mới bắt đầu đã ghi nhận hàng loạt các doanh nghiệp ngành thép đua nhau báo lỗ. Hàng loạt doanh nghiệp phải chật vật tìm cách xoay sở trong bối cảnh nhu cầu của thị trường suy yếu, giá bán đầu ra giảm mạnh trong khi giá nguyên liệu đầu vào lại đắt đỏ, đặc biệt là giá điện vừa được điều chỉnh tăng.
Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên – Tisco (mã chứng khoán TIS) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3-2023 với doanh thu ở mức 2.414 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu giảm trong khi chi phí tài chính và chi phí doanh nghiệp đều tăng ở mức lần lượt là 13% và 36% so với cùng kỳ đã khiến tổng lỗ sau thuế của doanh nghiệp là 59 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ thứ 5 liên tiếp của Tisco.
Bên cạnh TIS, Công ty cổ phần Thép Vicasa – VnSteel cũng ghi nhận thua lỗ trong quý 3 vừa qua. Theo đó, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 390 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước và ghi nhận mức lỗ khoảng 3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, con số này được cho là khả quan vì đã giảm nhiều so với số lỗ 22 tỷ đồng mà công ty này ghi nhận trong quý II vừa qua. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, lũy kế của Thép Vicasa đạt doanh thu 1.256 tỷ đồng và vẫn có lãi sau thuế hơn 3,5 tỷ đồng do kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm tăng cao, trong khi cùng kỳ lỗ 12,5 tỷ đồng.
Một loạt doanh nghiệp họ VNSteel khác là Thép Thủ Đức – VNSteel (TDS), Thép Nhà Bè – VNSteel (TNB) cũng lần lượt báo lỗ sau thuế 491 triệu đồng, 2,7 tỷ đồng, 58,5 tỷ đồng trong quý III/2023. Kim khí TP. Hồ Chí Minh – VNSteel (HMC) là doanh nghiệp hiếm hoi trong nhóm báo lãi quý III dù mức lãi sau thuế chỉ vỏn vẹn 2 tỷ đồng.
Hòa Phát dù báo lãi quý III tăng mạnh so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận 9 tháng vẫn ở vùng đáy 8 năm. Theo đó, lũy kế 9 tháng, Hòa Phát đạt 85.430 tỷ đồng doanh thu, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 3.830 tỷ đồng, giảm hơn 60% và tương đương 48% kế hoạch năm.
Trong một báo cáo gần đây Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) cho rằng ngành thép sẽ chưa thể trở lại đà tăng trưởng từ cuối năm nay. Theo PSI, thị trường bất động sản chưa thể có sự sôi động đủ mạnh để kích cầu cho thép xây dựng, dẫn đến khả năng tiêu thụ thép sẽ phụ thuộc nhiều vào việc triển khai các dự án đầu tư công trọng điểm của cả nước. Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công sẽ là rủi ro lớn cho ngành thép về cuối năm 2023.
Bên cạnh đó, việc xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong quý IV/2023. Thị trường EU đang trở nên dè dặt hơn với những đơn đặt hàng mới trong tháng 9. PSI nhận định điều này sẽ tiếp diễn trong quý IV khi nhu cầu tiêu thụ là tương đối thấp.
Đồng thời, giá bán thép cũng đang thiếu những động lực hỗ trợ. Nhu cầu yếu là lý do chính khiến cho giá thép giảm liên tục trong 2 quý vừa qua. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp diễn trong quý cuối năm.
Lãnh đạo nhiều công ty thép đều cho rằng chưa thể dự báo được khi nào sẽ bớt khó khi các vấn đề của thị trường bất động sản nói chung vẫn chưa có dấu hiệu sáng hơn. Trong bối cảnh đó thì mới đây, Bộ Công thương đã quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ 1.920,37 đồng/kWh lên 2.006,79 đồng/kWh, tương đương tăng 4,5% (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Đây là lần tăng giá điện thứ hai trong năm nay.
Chi phí giá điện đối với các công ty thép là một gánh nặng và tác động này sẽ gia tăng. Cụ thể, trong báo cáo phân tích mới đây của Công ty chứng khoán MiraeAsset, trong thời gian tới, một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện có thể ảnh hưởng tiêu cực như xi măng, hóa chất, luyện kim (thép), giấy.
Với toàn cảnh chung đó của kinh tế công nghiệp Việt Nam, cho thấy viễn cảnh của đời sống ở thời gian còn lại ở nhiệm kỳ thứ ba của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày càng đậm gam màu xám xịt của khủng hoảng niềm tin trong tìm kiếm con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.