VNTB – Giải cứu tham quan: nhiệm vụ chính trị mới của giáo viên

VNTB – Giải cứu tham quan: nhiệm vụ chính trị mới của giáo viên

Trần Cảnh Chân

 

(VNTB) – 71 cán bộ giáo viên trường THPT Lê Lợi (Hà Nội) đang làm công tác chính trị khi ký đơn giải cứu cựu phó chủ tịch Hà Nội.


Đại án “Chuyến bay giải cứu” càng xử càng lộ ra nhiều bất ngờ khiến dư luận vô cùng phẫn nộ khi nhìn thấy cả một bộ máy suy đồi, tha hoá. Một trong những bất ngờ không tưởng nhất là việc 71 giáo viên, cán bộ của trường THPT Lê Lợi (Hà Nội) gửi đơn tới TAND Hà Nội xin giảm nhẹ hình phạt cho ông Chử Xuân Dũng – cựu phó chủ tịch Hà Nội.

 

Tâm thư giải cứu tham quan

Theo cáo trạng, lúc đang tại chức, phó chủ tịch Chử Xuân Dũng nhận hối lộ số tiền 2 tỷ đồng trong quá trình duyệt cách ly người hồi hương từ các “chuyến bay giải cứu”.  Ông Dũng bị đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án 3-4 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Bị cáo Chử Xuân Dũng và gia đình bị cáo đã nộp lại hết số tiền nhận hối lộ để khắc phục hậu quả.

Không biết là tự nguyện hay do bị áp lực làm theo chỉ đạo mà có tới 71 giáo viên và cán bộ phải ký tên vào tâm thư xin giảm án cho đại tham quan này. Trong thư, 71 người này nhận xét rằng khi còn làm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ông Chử Xuân Dũng đã dành nhiều tâm huyết giúp nhà trường xây dựng thành công mô hình THPT công lập, đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 vào cuối năm 2020; có đóng góp to lớn cho ngành giáo dục Hà Nội.

“Có thể nói, ở cương vị công tác nào, thầy giáo Chử Xuân Dũng luôn là một nhà giáo tâm huyết, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, do điều kiện khách quan, thầy đã vô tình vi phạm pháp luật khi giữ cương vị Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội trong vụ án “Chuyến bay giải cứu”.

Căn cứ vào bản chất và những đóng góp to lớn của ông Chử Xuân Dũng trong quá trình công tác, tập thể giáo viên, cán bộ Trường THPT Lê Lợi kiến nghị Hội đồng xét xử mở lượng khoan hồng, giảm nhẹ mức án cho ông Dũng, để ông Dũng sớm trở lại hòa nhập cộng đồng, sửa chữa sai lầm vi phạm, phấn đấu trở thành công dân tốt”, nội dung tâm thư của 71 công chức ngành giáo dục tại Hà Nội viết.


Nhiệm vụ chính trị mới của người giáo viên



Một nhà hoạt động xã hội giấu tên nêu quan điểm: “trước đây đã có nhiều bê bối liên quan tới việc lạm dụng giáo viên để làm công tác chính trị như phân công nữ giáo viên đi “tiếp khách” phục vụ bia rượu và hát hò cho các quan chức; hoặc chỉ đạo giáo viên làm “dư luận viên” để định hướng dư luận trên mạng xã hội. Và bây giờ không khó để suy luận rằng 71 cán bộ giáo viên này cũng đang làm công tác chính trị khi ký đơn giải cứu cựu phó chủ tịch Hà Nội”.

Nhà hoạt động này đánh giá rằng Chử Xuân Dũng không thể chỉ mới ăn hối lộ trong vụ “chuyến bay giải cứu” này mà đã “ăn” nhiều lần trước đó, ở những chức vụ khác chứ không phải tới khi lên làm phó chủ tịch mới “ăn”. Ở vai trò Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, đại tham quan này không thể thanh liêm mà luồn sâu leo cao được. Cho nên cần phải coi lại nguyên nhân nào khiến 71 cán bộ giáo viên này phải ký tâm thư. Nếu cần thiết thì phải công khai danh tính 71 người này để rộng đường dư luận.

Đánh giá về tâm thư này, võ sư Đoàn Bảo Châu cho rằng các cán bộ, giáo viên có trái tim nhưng quên mất não. Ông viết trên facebook cá nhân: “Qua đại dịch, những khuôn mặt ‘lưu manh giả danh cán bộ’ đã lộ diện. Thực ra thì không mấy người ngạc nhiên, bởi không có dịch thì tình trạng bắt chẹt doanh nghiệp, cố tình gây khó dễ để ăn tiền, khai khống hóa đơn để bòn rút tiền ngân sách, vòi vĩnh ‘quà’… đã xảy ra quá nhiều, quá thường xuyên và quen thuộc ở ‘thiên đường’ này“.

Theo ông Châu, các cán bộ đã rủ nhau hư hỏng hàng loạt và coi sự hư hỏng và ăn bẩn ấy như một sự thức thời, sự biết sống nhưng khẩu hiệu “do dân, vì dân” vẫn luôn được các cán bộ hô to, hát to như đúng rồi.

Các vị là cán bộ, giáo viên, các vị có trái tim nhưng các vị quên mất não khi viết tâm thư. Các vị không nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Các vị làm trong ngành giáo dục mà các vị lại mơ màng, cảm tính và vô lý như vậy thì các vị sẽ đào tạo ra những học sinh thành những con người như thế nào? Nếu học sinh hỏi tại sao các vị làm vậy, các vị sẽ trả lời sao cho thấu đáo để những người trẻ ấy thấy việc làm của các vị là đúng?

Tôi xin các vị hãy mang theo não, hãy dùng đến não của mình trước khi đặt bút viết tâm thứ. Tình cảm là cần nhưng không đủ để làm các cán bộ hay giáo viên trong ngành giáo dục. Các vị không thể chỉ dạy học sinh các dùng đến trái tim mà còn cần dạy chúng cách dùng đến não sao cho đúng đắn“. Võ sư Đoàn Bảo Châu viết trên trang cá nhân.


 

 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)