(VNTB) – Mục tiêu của nhiều trường không còn là nâng cao tri thức và kỹ năng cho sinh viên, mà là tối đa hóa lượng tuyển sinh để tăng doanh thu.
Học đại học ngày càng trở nên đắt đỏ, nhưng chất lượng lại không tương xứng với số tiền bỏ ra. Hiện nay học phí các trường đại học liên tục tăng mạnh, nhưng sinh viên sau khi ra trường vẫn không tìm được việc làm phù hợp hoặc thậm chí phải chấp nhận những công việc thu nhập thấp, trái ngành. Thực trạng này phản ánh rõ ràng sự mất giá của bằng đại học và đặt ra nhiều câu hỏi về chất lượng của hệ thống giáo dục.
Nhiều trường đại học công lập, học phí đã tăng từ 30% đến 50% chỉ trong vòng vài năm gần đây. Cụ thể, năm 2024 trần học phí (mức cao nhất được thu) ở các đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học này là 1,2-2,45 triệu đồng/tháng, tùy khối ngành. So với mức thu cũ, trần học phí năm học 2023-2024 ở nhóm ngành nghệ thuật tăng không đáng kể (0.02%), khối ngành Y – Dược tăng mạnh nhất (71,3%).
Trần học phí các khối ngành khác tăng dao động 20-30%. Riêng nhóm khoa học sự sống, khoa học tự nhiên, mức tăng là 15,8%. Đến năm học 2026-2027, mức trần tăng lên 1,7-3,5 triệu đồng/tháng (1). Học phí các trường đại học liên tục leo thang, tuy nhiên chất lượng giáo dục gần như không thấy rõ, thậm chí ở nhiều nơi, còn giảm sút.
Có thể thấy, chất lượng đào tạo hệ đại học sau khi được cải cách ở nước ta đã thay đổi quá nhiều. Việc đi học ở đại học đang càng lúc càng dễ dàng với người học chứ không còn cạnh tranh khốc liệt như những năm trước. Như vậy, một mặt tích cực thì là tạo điều kiện để học viên có cơ hội học lên cao hơn, nhưng mặt khác, nó cũng tạo ra một hệ lụy vô cùng to lớn về chất lượng của tấm bằng cử nhân.
Các nhà tuyển dụng hiện nay cũng đánh giá rằng chất lượng giảng dạy vẫn như dậm chân tại chỗ, sinh viên tốt nghiệp không đáp ứng được năng lực cần thiết cho công việc. Các lớp học vẫn quá đông đúc, giáo viên thiếu sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy và cơ sở vật chất chưa đạt chuẩn. Nhiều trường đào tạo tràn lan các ngành học mà không có sự đầu tư thực sự vào chương trình giảng dạy, dẫn đến tình trạng như “nồi lẩu thập cẩm” trong giáo dục. Điều này làm giảm đi giá trị của bằng cấp và ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của sinh viên trên thị trường lao động.
Thực trạng sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng không tìm được việc làm hoặc phải chấp nhận những công việc trái ngành, thu nhập thấp là vấn đề nghiêm trọng của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Theo thống kê năm 2022 tại TP HCM cho thấy trong số gần 150.000 người mất việc, thì người có trình độ đại học trở lên là 45.543 trường hợp (chiếm 31,14%). Người có trình độ cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp là 8.218 người (chiếm 5,62%) (2). Đây là con số đáng báo động và cho thấy sự mất kết nối giữa giáo dục và thị trường lao động, không chỉ gây lãng phí nguồn nhân lực mà còn làm giảm giá trị của nền giáo dục.
“Bây giờ phải tạm thời ngừng ngay việc cấp mới trường đại học tư thục, nâng cao chất lượng đầu vào tuyển sinh, giảng viên chuyên môn, quản lý, củng cố lại những trường đại học công lập yếu kém. Đồng thời hạn chế tuyển sinh đa ngành vì trường nào cũng đào tạo như vậy thì lấy đâu chất lượng chuyên môn? Theo số liệu thống kê của bộ giáo dục năm 2021-2022 cả nước có tới 242 cơ sở giáo dục đại học, 568,856 sinh viên mới nhập học, 245,173 sinh viên tốt nghiệp. Như vậy là trong hơn 1 triệu thí sinh thi tốt nghiệp THPT thì có khoảng 50% đỗ đại học thì bảo sao thừa thầy thiếu thợ”, chị N.B nói với phóng viên VNTB.
Hiện rất nhiều trường đại học đang chuyển mình thành các doanh nghiệp giáo dục, nơi mục tiêu tối ưu hóa lợi nhuận được đặt lên hàng đầu. Đào tạo đại trà, mở rộng các chương trình liên kết trong và ngoài nước, cùng các chương trình học từ xa với chất lượng kém là những hiện tượng phổ biến. Mục tiêu của nhiều trường không còn là nâng cao tri thức và kỹ năng cho sinh viên, mà là tối đa hóa lượng tuyển sinh để tăng doanh thu.
Không chỉ bậc đại học, mà cả cao học cũng đang rơi vào tình trạng “học đại”. Nhiều chương trình cao học, đặc biệt là các chương trình liên kết, đã giảm chuẩn đầu vào và hạ thấp tiêu chuẩn đánh giá. Sinh viên tham gia các chương trình này thường chỉ cần “có mặt”, thi cử qua loa và không hề phải đối mặt với những thử thách trí tuệ thực sự. Điều này làm dấy lên câu hỏi: liệu giá trị của tấm bằng trong hệ thống giáo dục xã hội chủ nghĩa còn lại gì ngoài một mảnh giấy vô nghĩa?
Anh T.N. nêu quan điểm với phóng viên VNTB: “Trường đại học bây giờ như một doanh nghiệp đặc biệt vì họ tạo ra sản phẩm cho xã hội mà không có trách nhiệm gì với sản phẩm đó. Các trường đua nhau tuyển sinh, học sinh rất dễ học đại học, lấy được tấm bằng rồi là đủ thứ nghề không dính dáng với ngành học. Thôi thì cũng tốt, một người giao hàng có bằng đại học thì sẽ dễ áp dụng công nghệ hơn!”
Có thể nói rằng hiện nay chúng ta đang bị lạm phát rất cao về bằng cấp đại học. Học thì tốn kém rất nhiều tiền bạc, nhưng chất lượng đào tạo của các trường thì ngày càng đi xuống, nặng về hình thức, nhưng chất lượng thì kém, đào tạo không gắn liền với thực tế, nên khi sinh viên khi tốt nghiệp ra trường không theo kịp với thực tiễn, nên thất nghiệp và làm trái nghề đào tạo là chính. Đây là hậu quả của việc phát triển các trường đại học một cách ồ ạt không kiểm soát.
Nói đi nói lại thì cũng tại nhà cầm quyền cho phép trường đại học mọc lên như nấm, Bộ nào cũng có trường, địa phương nào cũng có vài trường…nên các trường không có tên tuổi thiếu sinh viên trầm trọng và đã đẻ ra nhiều hình thức đào tạo từ xa đến gần; ai đăng ký theo học cũng được mà không cần quan tâm đến việc đào tạo sinh viên. Do đó Bộ GD&ĐT cần siết lại việc mở các trường đại học, cả nước nên chỉ phân bố trường đại học ở Hà Nội, Tp.HCM và Huế như thời trước là hợp lý. Quan trọng nhất là phải siết đầu ra như thế thì may ra mới cải thiện được tình hình.
“Ngày xưa vào được đại học là cả một quá trình khổ luyện, từ tri thức (luyện thi) đến vốn sống (phải chung sống hòa thuận, thích nghi với các bạn cùng trọ học đủ mọi tính cách, vùng miền, gia cảnh) và là một vinh dự lớn lao. Bây giờ thì ra ngõ là gặp trường đại học, thậm chí không cần ra ngõ mà ngồi nhà học online cũng đỗ đại học”, anh T.N. chia sẻ.
Giáo dục, vốn được xem là công cụ để phát triển xã hội và nâng cao đời sống, giờ đây lại trở thành một ngành kinh doanh, nơi giá trị tri thức bị bỏ quên. Chúng ta cần những cải cách mạnh mẽ và sâu rộng để lấy lại giá trị thực sự của giáo dục, và đảm bảo rằng nó phục vụ cho sự phát triển của xã hội, chứ không phải vì lợi nhuận của một số ít người.
______________________
Tham khảo:
(1) https://vnexpress.net/tra-cuu-hoc-phi-tat-ca-dai-hoc-nam-2024-4770899.html