Việt Nam Thời Báo

VNTB – Hà Nội đang khắc phục việc lơ là phòng dịch Covid-19

Đông Đô

 

(VNTB) – Giờ là lúc đang phải sửa sai cho phút cao hứng của lãnh đạo vi phạm các quy định phòng chống dich Covid-19.

 

Hình ảnh người đứng đầu đảng và người đứng đầu chính phủ đã không khẩu trang, không giữ khoản cách khi tiếp xúc cộng đồng trong mấy ngày Tết Tân Sửu vừa qua cho thấy chính khách Việt Nam đã lơ là phòng dịch. Giờ là lúc đang phải sửa sai cho phút cao hứng của lãnh đạo.

Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Chử Xuân Dũng đã quyết định đóng cửa quán ăn đường phố, cà phê, trà đá… từ 0g ngày 16-2, tức mồng 5 Tết Tân Sửu. Chính quyền Hà Nội cũng khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài khi không có việc thực sự cần thiết. Ông Dũng nói đây là biện pháp cấp bách phòng chống dịch và đề nghị người dân chia sẻ, thông cảm.

“Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, nguy cơ bệnh nhân người Nhật có thể phát bệnh từ ngày 2-2 nên nguy cơ với cộng đồng rất cao” – ông Chử Xuân Dũng cảnh báo.

“Bệnh nhân người Nhật có thể nhiễm Covid-19 tại Hà Nội và không phải là F0” – người đứng đầu Bộ Y tế đã cho biết như vậy hôm chiều mồng 4 Tết tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với các địa phương về phòng, chống dịch Covid-19.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, bệnh nhân người Nhật đã qua thời gian cách ly tại TP.HCM từ 17-1 đến 31-1, tức là đã qua 14 ngày. Bệnh nhân được cách ly cùng 34 người nữa ở khách sạn. Qua trích xuất camera của nơi cách ly cho thấy trong 14 ngày cách ly, bệnh nhân đã tuân thủ nghiêm túc, hầu như không có tiếp xúc với bên ngoài.

Sau khi bệnh nhân tử vong, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã xét nghiệm và kết quả cho thấy nồng độ virus của trường hợp này khá cao, nên Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế  đang đưa ra 2 giả thiết, trong đó các chuyên gia nghiêng hơn về giả thiết thứ nhất. Đó là giả thiết bệnh nhân mới lây nhiễm, có thể lây nhiễm ở Hà Nội và không phải là F0, vì lượng virus rất cao nên rất khó có khả năng lây từ khu cách ly ra.

Ngoài ra, trong hôm mồng 4 Tết, Hà Nội đã phát hiện ra 2 người nữa là F1 của bệnh nhân người Nhật vừa tử vong nói trên, cũng có nồng độ virus cao, mà Bộ Y tế nhận định thời gian nhiễm có thể là từ 5 – 7 ngày trở lại đây. Đây là phương án thứ nhất mà Bộ Y tế nghiêng về, nhưng cần cho giải trình tự gien để có kết luận về chủng và nguồn gốc virus của ca bệnh này.

Phương án thứ 2 là bệnh nhân người Nhật lây ở khu cách ly tại Sài Gòn, nhưng khả năng rất thấp, vì 34 người cách ly cùng đều âm tính, và khả năng tái dương tính sau 14 ngày cách ly thì cả ở thế giới ghi nhận cũng thấp, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long.

Do đó, Bộ trưởng Y tế khuyến cáo Hà Nội coi đây là 1 trường hợp lây nhiễm ở cộng đồng của thành phố, cần đề cao cảnh giác, giám sát chặt chẽ các khu vực bệnh nhân từng đến, các trường hợp là người nước ngoài nhập cảnh từ ngày 15-1 trở lại đây.

Và như vậy, cùng với nhận định về nguy cơ bệnh nhân người Nhật có thể phát bệnh từ ngày 2-2, xem ra Bộ Y tế đang đặt toàn bộ các quan chức cùng đi với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trong sự kiện chúc Tết Tân Sửu ở Hồ Gươm tối 30 Tết, tức tối 11-2-2021, vào nhóm nguy cơ bị đe dọa lây nhiễm, bởi vì tất cả đều nằm trong khoản thời gian được nghi ngờ lại có các nguồn lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cộng đồng Hà Nội, trong đó có 2 ca F1 của bệnh nhân người Nhật vừa tử vong.


Tin bài liên quan:

VNTB – Quy hoạch báo chí ở Việt Nam đang lỗi thời

Phan Thanh Hung

VNTB – Cần loại bỏ khái niệm ” nghi nhiễm Covid-19″

Phan Thanh Hung

VNTB – Một luật sư ở Bihar khởi kiện Tập Cận Bình và đại sứ Sun Weidong vì đại dịch

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo