Tuấn Lê
Bạn đọc viết
(VNTB) – Ta còn em hàng phố cũ rêu phong/ Và từng mái ngói son nghiêng/ Nao nao kỷ niệm…
Nhạc sĩ Phú Quang giờ đã không còn trở về với một Hà Nội phố nữa rồi. Cuối buổi sáng 8-12, báo chí đưa tin Phú Quang từ trần sau hai năm chữa trị bệnh hiểm nghèo. Ông được trao Giải thưởng Lớn – Vì tình yêu Hà Nội năm 2020 khi đang nằm viện. Ông trở thành người trẻ nhất trong số những người được Giải thưởng Lớn nhưng không thể đến nhận giải.
Nhạc sĩ của những tình khúc lúc sinh thời từng chia sẻ, mối tình đầu của ông thuộc về Hà Nội và nơi đây cũng là nơi ông dừng bước trong hành trình tình ái, bởi ông đã có mùa thu của riêng mình mình: “Có phải mùa thu giấu em lâu đến thế. Để cuối con đường anh kịp nhận ra em…”.
Nếu được sống thêm dăm năm nữa, chắc hẳn lại thêm một lần ông sẽ phải thốt lên rằng chẳng còn con đường nào nữa để anh đến để kịp nhận ra em…
Vì sao có thể lại thế?
Tin tức mới đây cho hay chính quyền Hà Nội vừa quyết định đến năm 2025 khi hệ thống giao thông công cộng phát triển, hoàn chỉnh, đủ sức phục vụ cho nhu cầu đi lại của nhân dân thủ đô, khi ấy sẽ cấm phương tiện xe gắn máy đi lại trong nội đô thành phố.
Quyết định này của chính quyền Hà Nội gây bất ngờ đến mức hoang mang vì những lý do sau:
Một, đối với hàng triệu người nghèo ở thủ đô, xe gắn máy không chỉ là phương tiện đi lại mà còn là cần câu cơm kiếm sống, chuyên chở hàng hoá… Khi cấm xe gắn máy thì họ sống bằng gì để chờ đợi ngày được dẫn dắt lên con đường xã hội chủ nghĩa?
Hai, nhìn từ đại dịch Covid-19 cho thấy vai trò của đội ngũ ‘Shipper’ đối với nhu cầu của đại đa số người dân là rất lớn. Không những thế nó còn ảnh hưởng rất lớn đến các nhà sản xuất, bán hàng, quán ăn… Họ sẽ mưu sinh bằng gì trên con tàu lượn Cát Linh, hay buýt điện của ông chủ Vingroup?
Ba, cái này chính là nỗi lòng của “Em ơi Hà Nội phố” mà Phú Quang đã phổ nhạc từ thi phẩm của Phan Vũ (1926 – 2019). Hà Nội có những con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo hàng mấy cây số, phương tiện công cộng không thể tới. Người dân sau khi sử dụng phương tiện công cộng, sau đó di chuyển bằng gì để về lại nhà mình ở những ? Điều này làm mất thời gian và rất phiền toái cho Người dân. Chưa kể khi gặp công việc khẩn cấp hoặc người dân cần cấp cứu hoặc khám bệnh gấp.
Có lẽ mai này Hà Nội không còn hàng phố cũ rêu phong/ Và từng mái ngói son nghiêng bởi quy hoạch của những dự án đại đô thị?
Một nhà báo xuất thân từ nghề y nêu câu hỏi ‘rặt’ chuyên môn: “Dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, chưa có điểm dừng, ta cũng chưa dám khẳng định đến 2025 đã chấm dứt hoàn toàn hay chưa? Còn có thêm dịch bệnh nào khác nữa không? Nếu tập trung hết lên phương tiện công cộng, có khác nào biến những phương tiện này thành những ổ dịch di động khắp thủ đô?”.
Theo nhà báo này, thì đất nước ta còn nghèo, dân ta còn vất vả trong cuộc mưu sinh, còn phải vừa phát triển kinh tế, vừa vật vã chống dịch. Cho nên kinh phí hàng trăm ngàn tỷ đồng để thực hiện một dự án không thiết thực, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt của tất cả người dân thì cần phải hủy bỏ.
Cái cần làm và phải làm ngay đối với chính quyền Hà Nội là quan tâm hơn nữa đến đời sống nhân dân, nhất là người nghèo. Đầu tư nhiều hơn, thiết thực hơn cho y tế nhất là y tế cơ sở về phương tiện, máy móc, trang thiết bị và đời sống của họ một cách hiệu quả và thiết thực, trong tình hình dịch diễn biến phức tạp.
“Với dự án rất lớn trên, nếu không thành công, và tôi có thể khẳng định là không thành công, thì hàng trăm ngàn thậm chí hàng nhiều triệu tỷ đồng sẽ tan thành mây khói. Trong khi đất nước còn nghèo, người dân còn khổ. Ai sẽ phải chịu trách trước đất nước và nhân dân của mình?! Chỉ một dự án nhỏ xe buýt BRT thất bại đã làm mất đi hàng chục ngàn tỷ đồng rồi. Dự án này với rất nhiều nghi vấn mà mãi đến bây giờ vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng!” – vị nhà báo bác sĩ ấy ‘bắt bệnh’ lãnh đạo thủ đô.
Ta còn em một màu xanh thời gian
Một chiều phai tóc em bay
Chợt nhòa, chợt hiện
Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố
Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường…