VNTB: Ngày 28-11-2009, báo Thể thao và Văn hóa, có bài “Tự hào Abêxê”, tác giả Đinh Trần Toán (1). Theo tác giả bài viết này, chữ quốc ngữ, được sáng tạo ra bởi các giáo sĩ thực dân với ý đồ làm công cụ xâm lược.Ý kiến của tác giả Đinh Trần Toán, gợi nhớ đến tờ nhật báo “Tiếng Dội” số 462, năm thứ 3, 1951, Âm lịch 22 tháng Bảy năm Tân Mão, giá bán 1 đồng, của Chủ nhiệm Trần Chí Thành tự Trần Tấn Quốc, Tòa soạn, Quản lý 216 đường Gia Long Sài Gòn, có bài mang tựa đề “Việt Minh vận động cho Việt Nam làm chư hầu Trung Quốc”, cho in nguyên văn một tờ truyền đơn, có đoạn viết (trích): “Tại sao ta lại truyền bá trong dân chúng từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, cách viết chữ dị kỳ của tên thực dân Alexandre de Rhodes đã đem qua xứ mình như thế? Không, đồng bào của ta nên loại hẳn cách viết theo lối Âu Tây ấy – một cách viết rõ ràng có mau thật đấy – và ta hãy trở về với thứ chữ của ông bà ta ngày trước, là thứ chữ nho của Trung Quốc”.Mới đây, trong một trả lời phỏng vấn của Việt Nam Thời Báo, một nhà nghiên cứu cũng cho rằng “Theo tôi, đáng lẽ phải dạy chữ Hán ngay từ bậc tiểu học. Chữ Hán và bản Việt Hóa của nó – chữ Nôm là thành phần quan trọng”. Ông cũng phê phán: “mấy ông quản lý giáo dục như ở trường Nhân văn của anh, cho học Hán văn học 1 kỳ là cưỡi ngựa xem hoa, vẫn biết chữ này chữ kia đủ cả nhưng xong là thôi, học xong quên hết”.Ý kiến “đáng lẽ phải dạy chữ Hán ngay từ bậc tiểu học”, vấp nhiều phản ứng. Người chịu trách nhiệm biên tập bài viết này, cũng đồng tính với phản bác là không thể dạy chữ Hán ngay bậc tiểu học ở Việt Nam (2).Xin được giới thiệu ý kiến của hai tác giả Minh Trí và Ngọc Thịnh, tốt nghiệp khoa Văn học và Ngôn ngữ của trường đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn TP.HCM.Rất mong nhận được sự góp ý của quý bạn đọc, quý học giả.
Bên cạnh những di sản khác, thì bộ phận Hán – Nôm cũng là một trong các nét văn hóa của người Việt Nam.
Nhắc đến Hán Nôm, có lẽ hầu như nhiều người sẽ nghĩ đến ngay cái tên trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (tiền thân là đại học Văn Khoa, đại học Tổng Hợp). Bởi đó là nơi có truyền thống lâu đời dạy và học Hán – Nôm.
Đầu thập niên 1960, trường Đại học Văn khoa Sài Gòn thiết lập các văn bằng Cử nhân Giáo khoa. Đồng thời, do nhu cầu đào tạo, trường đã thành lập các Ban (tương đương với các Khoa sau này), trong đó có ban Hán văn là tiền thân của tổ bộ môn Hán – Nôm. Ban Hán – Nôm đào tạo và cấp chứng chỉ Cử nhân Giáo khoa Hán – Nôm. Và bộ môn ấy vẫn còn tồn tại cho đến ngày hôm nay…
Ở trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, khoa Văn học và Ngôn Ngữ là khoa chuyên dạy về Hán – Nôm (có hẳn một chuyên ngành Hán – Nôm). Bên cạnh đó, cũng có những khoa khác học về những kiểu chữ cổ này như Lịch sử, Triết học….
Chúng tôi nhớ, khi còn là một sinh viên của Văn học và Ngôn Ngữ, năm nhất chúng tôi đã được học môn Hán văn cơ bản với những cái nền tảng nhất trong tiếng Hán. Lên năm hai, chúng tôi được học chữ Nôm (giáo trình của thầy Nguyễn Khuê). Học kỳ hai của năm hai, chúng tôi được học Hán Nôm nâng cao. Tuy quỹ thời gian sinh viên chúng tôi học không nhiều, nhưng nhìn chung, cũng có khái niệm về tiếng Hán, chữ Nôm. Nói vui vui là vào đền, chùa, miếu cũng có thể đọc được… vài chữ quen thuộc.
Năm thứ hai cũng là năm chia chuyên ngành: Văn học, Ngôn Ngữ, Hán -Nôm. Nói tiếng là chia chuyên ngành, phải học theo các môn của chuyên ngành, tuy nhiên, sinh viên cũng có thể đăng ký môn học ở chuyên ngành khác (nếu nhắm học nổi).
Chúng tôi nhớ, có thằng bạn học Văn học nhưng lại rất say mê Hán Nôm (vì lý do cá nhân nên không thể đăng ký chuyên ngành Hán Nôm), nó vừa học Văn vừa luyện chữ Hán, vừa đi học thêm các tín chỉ bên chuyên ngành Hán Nôm. Như vậy, có thể nói, nếu ai yêu thích Hán – Nôm thì cứ việc đăng ký học, chứ không có giới hạn hay bắt buộc sinh viên chỉ học trong một hay hai học kỳ hoặc một hay hai năm.
Một nhà nghiên cứu cho rằng đáng lẽ phải dạy chữ Hán ngay từ bậc tiểu học, không biết chữ Nôm là nguy hiểm. Đồng ý Hán Nôm là một trong những nét văn hóa của dân tộc Việt; nhất là chữ Nôm khẳng định cho bản sắc dân tộc, không chấp nhận sự đồng hóa. Tuy nhiên, dạy chữ Hán ngay từ bậc tiểu học là một điều… không tưởng.
Nền tảng của chữ Hán là các nét, muốn viết các nét sao cho đúng đã là một vấn đề; viết đẹp như thầy Trần Trọng San lại là một câu chuyện rồi đếm được nét, viết đúng thứ tự các nét…. Và cuối cùng học và nhớ một chữ Hán là hoàn toàn không dễ.
Sang chữ Nôm, thứ chữ của người Việt, để học lại càng khó hơn nữa. Với các chữ Nôm lấy âm lẫn nghĩa của chữ Hán (A1) thì chỉ cần nhớ tiếng Hán là cũng có thể biết chữ đó là gì. Thế nhưng với những dạng thức như mượn âm chữ Nôm (sáng tạo) có sẵn đọc chệch + không mượn nghĩa (B5); một chữ Hán biểu ý với một chữ Hán biểu âm (B8)… thì ít nhiều phải rành chữ Hán mới có thể nhớ và biết kha khá lượng chữ Nôm. Nếu học cả Hán, Nôm trong bậc tiểu học thì liệu có phải tội cho các em quá hay chăng?
Tựu trung lại, không thể phủ nhận văn hóa, những luân lý chữ Hán cũng như chữ Nôm có nhiều cái hay để học. Tuy nhiên, để áp dụng nó vào nhà trường, nhất là ở cấp 1, có lẽ nên… xem xét lại.
Minh Trí – Ngọc Thịnh
(2) Biên tập viên Minh Tâm, Cử nhân Văn chương – Đại học Tổng hợp TP.HCM, điểm ưu môn Hán – Nôm, Khóa 1985.