VNTB – Hoang tàn ở Hãng phim truyện Việt Nam: truy cứu trách nhiệm của ai?

VNTB – Hoang tàn ở Hãng phim truyện Việt Nam: truy cứu trách nhiệm của ai?

Đông Đô

 

(VNTB) – “Tự lòng tôi chẳng thấy có gì vui khi dự một lễ kỷ niệm trên sự đau thương, tan nát của Hãng phim truyện Việt Nam.”

 

Hãng phim truyện Việt Nam có tên đầy đủ là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hãng phim truyện Việt Nam, tên giao dịch tiếng Anh: Vietnam Feature film Studio, viết tắt là VFS. Đây là hãng phim nhà nước lớn nhất Việt Nam được thành lập năm 1953, hiện thuộc sở hữu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tiền thân của VFS qua các thời kỳ là Xưởng phim Hà Nội, Xí nghiệp phim truyện Việt Nam.

Ngày 29-6-2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định số 2238/QĐ-BVHTTDL phê duyệt phương án chuyển đổi Hãng phim truyện Việt Nam thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hãng phim truyện Việt Nam.

Tháng 6-2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam thay thế cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hãng phim truyện Việt Nam.

Từ khi không còn được hưởng chế độ bao cấp của Nhà nước và chuyển sang mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn, Hãng phim truyện Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng.

Ngoài ra, những khuất tất trong quá trình cổ phần hóa hãng phim dưới tên “Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam” đang dấy lên những nghi ngờ và tạo ra làn sóng phản đối từ các nghệ sĩ, diễn viên có tên tuổi.

Tháng 9-2017 xảy ra vụ ‘đấu khẩu’ giữa ông Nguyễn Thủy Nguyên – Chủ tịch VIVASO, cổ đông chiến lược của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam, với một số nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam.

“Nhiều nghệ sĩ cứ ngộ nhận nhưng thực chất không làm gì cả. Các anh chị gọi đây là đền đài nhưng hãng rất bẩn và không ai dọn” – ông Thủy Nguyên lên tiếng trước thông tin rằng ông mua hãng phim với mục đích nhằm đến các khu đất vàng. Ông Nguyên cũng nhắc lại việc phim “Sống cùng lịch sử” của Nghệ sĩ nhân dân Thanh Vân không bán được vé khi ra rạp, và tuyên bố “Công ty mà có 4 người như anh Thanh Vân thì đúng là phá sản”.

Đáp trả lời của chủ tịch VIVASO, Nghệ sĩ nhân dân Thanh Vân cho biết “Sống cùng lịch sử” đã mang lại cho Hãng phim truyện Việt Nam 70 tỷ đồng và “nuôi sống Hãng cho đến khi các ông nhảy vào”.

Đạo diễn Quốc Tuấn đề cập đến việc công ty tự ý dọn phòng đạo cụ mà không có người kiểm kê. “Có thông tin là các anh dọn phòng để cho quán phở, chân gà nướng thuê nhưng vì dư luận ầm ĩ nên mới rút đi”, nam nghệ sĩ nói.

Về chuyện trả lương cho các nghệ sĩ, ông Nguyễn Thủy Nguyên thẳng thừng “Tôi chưa bao giờ có ý định không trả lương và cũng không thiếu tiền để trả. Nhưng tôi sẽ không bao giờ trả lương cho người 3 năm không lên cơ quan hoặc tôi không biết là đang làm cái gì”.

Sau cuộc đối thoại ngày 19-9-2017, ông Nguyễn Thủy Nguyên và các nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam vẫn không tìm được tiếng nói chung. Sáng 21-9-2017, các nghệ sĩ và Hội Điện ảnh Việt Nam tiếp tục gặp báo chí. Trong cuộc gặp này, đạo diễn Quốc Tuấn tiếp tục lên tiếng phản đối quá trình cổ phần hóa. Ông cho rằng việc định giá Hãng không ổn khi 5.000 m2 đất vàng ở Thụy Khuê chỉ có giá chưa bằng một căn hộ chung cư cao cấp ở Vinhomes. Hãng đã bị bán với giá quá rẻ.

Theo dõi diễn biến cổ phần hóa suốt một thời gian dài, đạo diễn Quốc Trọng đồng cảm với các nghệ sĩ, nhưng ông cho rằng “Những phát biểu của các nghệ sĩ chỉ là tâm huyết, khóc than. Khóc quá nhiều”. Theo đạo diễn Quốc Trọng, điều cần thiết nhất lúc này phải là giải pháp, là một kế hoạch hành động cụ thể.

Thế nhưng trên thực tế thì tất cả không ai làm gì cả.

Mới đây nhất, vẫn là câu chuyện của “khóc quá nhiều”. Số là vào trung tuần tháng 3 năm nay, nghệ sĩ điện ảnh nhiều thế hệ của hai miền Nam – Bắc đã có dịp hội ngộ ở Nhà hát Lớn Hà Nội nhân kỷ niệm 70 Điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Nghệ sĩ nhân dân Thanh Vân phát biểu với báo chí rằng, “Tự lòng tôi chẳng thấy có gì vui khi dự một lễ kỷ niệm trên sự đau thương, tan nát của Hãng phim truyện Việt Nam mà tôi đang là thành viên. Tôi vẫn còn một chút thời gian ở Hãng nữa mới về hưu”.

Ông Thanh Vân than vãn: “Chúng tôi hay ngồi nói với nhau rằng đến người chết còn có ngày giỗ, có mộ để viếng thăm. Tại sao để một hãng phim có bao nhiêu số phận con người, bao nhiêu linh hồn nằm trong từng thước phim, có cả máu và nước mắt của bao thế hệ mà để nó chết vật vã, ngắc ngoải và kéo dài đến gần 10 năm như vậy?”.

“Thỉnh thoảng tôi có lên và anh em nghệ sĩ vẫn gặp nhau ở Hãng. Tuy vậy, từ năm ngoái, người của phòng tài vụ đã rút hết, vì Hãng không hoạt động gì cả, giờ chỉ là chỗ giữ đất…” – ông Thanh Vân cho hay như vậy, và cũng không quên kèm theo lời trách móc: “Tôi vừa rồi ốm đi nằm viện vẫn phải trả 100% viện phí. Rất cay đắng là hơn 30 năm cống hiến, đáng lẽ phải được hưởng chế độ bảo hiểm y tế vài chục phần trăm thì giờ không còn gì. Người ta vẫn tổ chức lễ kỷ niệm tưng bừng khi bao nhiêu số phận con người bị bỏ rơi không thương tiếc”.

Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang thẳng thắn nói với báo chí: “Cách đây vài ngày, tôi từ TP.HCM ra Hà Nội và đã đến Hãng phim. Nơi đây từng có 600 anh chị em nghệ sĩ cùng công nhân, cán bộ mỗi năm đã làm chục bộ phim nhưng giờ hoang tàn, đổ nát tới không thể tưởng tượng nổi. Tôi thấy sự quan tâm của các lãnh đạo đối với văn hóa nói chung và các nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam nói riêng dường như chỉ thể hiện trên văn bản, các hội nghị, lễ kỷ niệm chứ chưa có những hành động thiết thực”.

Bộ phim cuối cùng Hãng sản xuất là “Cuộc đời của Yến” vào năm 2015. Kể từ thời điểm cổ phần hóa, Hãng phim truyện Việt Nam không sản xuất thêm được bộ phim nào từ năm 2016 đến nay.

Nếu đúng như lời của nghệ sĩ Trà Giang, thì trách nhiệm tối cao cần phải truy ở đây, có lẽ không ai khác hơn chính là người được giữ chức Tổng bí thư gần 3 nhiệm kỳ liên tục…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)