Nguyễn Nam
(VNTB) – Hòa thượng Thích Quảng Độ được nhắc đến nhiều như một nhân vật chính trị, nhưng ít người để ý rằng ông cũng là một nhà nghiên cứu Phật học xuất sắc, như những người cùng thời với ông – thế hệ vàng của Phật học với những tên tuổi có thể vĩnh viễn nằm trên bảng vàng được xác chứng qua những tác phẩm họ để lại hậu thế.
Những tác phẩm đã xuất bản của tác giả Thích Quảng Độ (27 tháng 11 năm 1928 – 22 tháng 2 năm 2020), cựu giảng sư Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn: Kinh Mục Liên sám Pháp; Kinh Đại Phương tiện Phật Báo Ân; Thoát vòng tục lụy, Sài Gòn 1962 (truyện dịch từ Hán văn của Tinh Vân); Dưới mái chùa hoang, Sài Gòn 1962 (truyện); Truyện cổ Phật giáo, Sài Gòn 1964; Ðại thừa Phật giáo tư tưởng luận; Tiểu thừa Phật giáo tư tưởng luận; Nguyên thủy Phật giáo tư tưởng luận; Từ điển Phật học Hán Việt (2 tập); Phật Quang Đại Từ điển (9 tập); Chiến tranh và bất bạo động; Thơ trong tù 06/04/1977 – 10/12/1978 (tháng 3 năm Đinh Tỵ đến tháng 11 năm Mậu Ngọ); Thơ lưu đày 25/02/1982 – 22/03/1992 (tháng 2 năm Nhâm Tuất đến tháng 2 năm Nhâm Thân)…
Hiện tại, trên trang https://thuvienhoasen.org/, có đưa lên mạng một số tác phẩm của Hòa thượng Thích Quảng Độ: Đại Thừa Phật Giáo tư tưởng luận; Tiểu Thừa Phật Giáo tư tưởng luận; Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân; Phật Quang Đại từ điển; Chân Như Quang của Phật Giáo; Chiến tranh và bất bạo động; Nguyên thủy Phật Giáo tư tưởng luận… Đa số tác phẩm đều do Viện Đại học Vạn Hạnh xuất bản.
Nhà văn Trần Trung Đạo, cựu sinh viên Đại học Vạn Hạnh, hồi tưởng: “Trước ngày Thầy bị bắt và tôi chưa rời Việt Nam, mỗi tuần tôi thường gặp Hòa thượng đi bộ từ chùa Giác Minh trên đường Lý Thái Tổ xuống ngã sáu Trần Quốc Toản, để từ đó đón xe Lam qua Thanh Minh Thiền Viện giảng thiền học. Dáng Thầy thanh cao, vầng tráng rộng, miệng Thầy luôn mỉm cười như chúng tôi thường bắt gặp trong những ngày trước 30-4-1975 ở Đại Học Vạn Hạnh. Phải chăng ngay cả trong lúc mang nặng ưu tư về tiền đồ dân tộc và đạo pháp, tâm Hòa thượng Quảng Độ vẫn an nhiên, tự tại.
Thầy dạy Triết Đông và tư tưởng Phật Giáo cho sinh viên các khoa Khoa Học Nhân Văn và Phật Khoa. Tôi không trực tiếp được học Thầy. Nhưng những buổi giảng chuyên đề của các thầy thường mở rộng cho sinh viên các ban khác. Ngày đó tôi còn nhỏ nhưng may mắn được nhiều lần ngồi nghe các thầy dạy bảo. Hòa thượng Quảng Độ, Hòa thượng Minh Châu, Hòa thượng Mãn Giác, Hòa thượng Thuyền Ấn v.v.. Mỗi thầy một nét. Cao siêu nhưng gần gũi. Giản dị nhưng thâm trầm.
Những hạt giống nhân duyên các thầy gieo xuống tâm hồn tôi nay đã lớn lên. Kỷ niệm không bao giờ chết. Kỷ niệm lớn như cây. Nếu biết chăm sóc, kỷ niệm cũng nở hoa như những loài hoa tươi đẹp khác”.
Thời gian Hòa thượng Thích Quảng Độ ở chốn lao tù, ngài đã có nhiều thi phẩm được gọi là dòng thơ lưu đày, qua đó dân chúng phần nào hình dung ra những người ‘tù nhân lương tâm’/ ‘tù nhân chính trị’ như ngài ở quá khứ, và có thể là cả ở nhiều người hôm nay, mà người ta hay nhắc tới hai chữ “nhân quyền”:
Có nói rằng không, không: khỏi đấm
Đen làm ra trắng, trắng: ngon xôi
Cú kêu ta bảo là oanh hót
Cuội gọi thì thưa: “Dạ, Bố đòi!”
Như thế mới là người khôn đó
Đêm ngày tôi dạy cái thằng tôi
Đêm ngày tôi dạy cái thằng tôi
Đạo pháp suy vi : bởi lẽ trời
Thấy kẻ phá chùa: khoanh tay đứng
Nhìn người đập tượng: nhắm mắt ngồi
Bắt bớ Tăng Ni: thây mẹ nó
Giam cầm Phật tử: mặc cha đời
Miễn được yên thân là khôn đấy
Can chi ậm oẹ để thiệt thòi
(…)
Võ vẽ làm thơ cho nhớ chữ
Tập tò ngâm vịnh để quên đời
(Trích Liên ngâm dại khôn, Thơ lưu đày)
***
Trưởng lão Hòa thượng Thích Quảng Độ do niên cao lạp trưởng đã thu thần viên tịch vào lúc 21 giờ 30 phút ngày 22-2-2020 (nhằm ngày 29 tháng Giêng năm Canh Tý), tại chùa Từ Hiếu, quận 8, Sài Gòn, trụ thế 93 năm.
Theo di huấn để lại, tang sự của ngài được tổ chức đơn giản. Tăng Ni, Phật tử đến lễ bái, thọ tang miễn phúng điếu, kể cả vòng hoa, trướng liễn, không điếu văn, tiểu sử, cảm tưởng và mọi hình thức khác. Mọi người chỉ đến lễ bái, thọ tang trong mật niệm theo nghi thức tâm tang.
Lễ cung tiễn kim quan Trưởng lão Hòa thượng trà-tỳ vào 8 giờ sáng ngày 25-2-2020 (nhằm ngày 3-2-Canh Tý), tro cốt sau khi hỏa thiêu được quàn tại chùa Từ Hiếu trong 49 ngày, sau đó sẽ được rải xuống biển theo di huấn của ngài.