Việt Nam Thời Báo

VNTB – Hồn Nước

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến 

 

 

 

Nhạc phẩm Bên Bờ Đại Dương là sáng tác chung của Hoàng Trọng và Hồ Đình Phương, do nhà xuất bản Tinh Hoa ấn hành vào năm 1957 (khi đất nước đã bị cắt chia) nên có thể là nhiều người chưa từng nghe đến lần nào: 

Đất nước tôi màu thắm bên bờ đại dương
Bắc với Nam, tình nối qua lòng miền Trung
Đất nước tôi từ mái tranh nghèo Bắc Giang
Vượt núi rừng già Trường Sơn
Vào tới ruộng ngọt phương Nam

Dân nước tôi từng đấu tranh diệt ngoại xâm
Trong máu xương từng hát ca bài thành công
Dân nước tôi nòi giống hùng cường Lạc Long
Làm gái toàn là Trưng Vương
Làm trai rạng hồn Quang Trung …

 

Nếu được hân hạnh ngồi chung bàn với nhị vị tác giả của tác phẩm thượng dẫn (và nếu uống đủ nhiều) tôi “dám” sẽ đề nghị hai ông sửa đổi lại đôi câu:

Làm trai toàn là Quang Trung
Làm gái rạng hồn Trưng Vương …

Chả hiểu tại sao nhưng tôi cứ đinh ninh rằng hồn thiêng sông núi luôn luôn tiềm ẩn trong tim của những người phụ nữ, chứ không phải là nam giới. Sự chủ quan này –  phần nào – là do kinh nghiệm cá nhân vì tôi đã may mắn gặp được cái hồn của dân tộc mình rồi, và không chỉ một lần. 

Lần đầu tiên tôi gặp “nó” trong hẻm Ánh Hồng (Hà Nội) cạnh một nhà xí công cộng, nơi cư trú của một kẻ bần cùng: chị Sợi. Chị có một mẹt hàng ở đầu ngõ, bầy bán các thứ linh tinh: ấm nước chè, gói thuốc lào, bao thuốc lá, lọ ô mai, gói bánh bích qui. Vì không có vốn nên hàng hoá lèo tèo, thảm hại.

Chị ấy bán hàng không đủ thu nhập để nuôi mình, và nuôi người mẹ bệnh đang nằm chờ chết nên (đôi lúc) còn buộc phải bán thân. Mẹt hàng, cũng như thân xác “xuống cấp” của người đàn bà đã quá thời xuân sắc này, chỉ hấp dẫn được một loại khách hàng duy nhất: đám ăn mày.

“Trong số những người chồng hờ ấy, chị đặc biệt yêu quý một anh ăn mày trẻ, còn ít tuổi hơn chị. Anh ta đến với chị không như người đến với gái làng chơi.

Anh đã kể cho chị nghe chuyện chân anh. Còn chị kể cho anh chuyện mẹ chị. Khi bị ngã gẫy xương hông, nằm liệt, ba năm đầu cụ hát. Ba năm sau cụ chửi. Và một năm nay cụ yên lặng. Mỗi khi có khách lên gác lửng cùng chị, cụ nhắm mắt giả cách ngủ.

Anh thương chị. Chị thương anh. Chính anh đã mượn cưa, bào ở đâu về cưa, bào, đo, cắt mộng mấy tấm gỗ cốp pha, ráp thành cái áo quan cho cụ. Và cũng chính anh, dù què một chân cũng đã bắc ghế trèo lên, xây thêm hai hàng gạch quanh tường bao cho nó cao thêm, chắn bớt cái hơi nhà xí tạt vào.

Người thứ hai chị Sợi yêu quý là một phụ nữ… một bà già thấp bé, lại còng, mặt chằng chịt vết nhăn, chẳng biết bao nhiêu tuổi nữa … Bà ở vùng Hà Nam, Phong Cốc. Anh con trai duy nhất của bà a dua với bọn xấu trong làng đi ăn trộm lợn. Án xử hai năm. Trong tù bị bọn đầu gấu đánh chết. Người con dâu bỏ đi lấy chồng, để lại cho bà hai đứa cháu gái, đứa chín tuổi, đứa bảy tuổi.

Một lần bà Mít đến, nắm lấy bàn tay chị:

– Em ơi. Chị nhờ em một cái này được không.

Bà ngập ngừng. Chị Sợi không hiểu chuyện gì. Nhưng rõ ràng là một việc hệ trọng, rất hệ trọng đối với bà… Thì ra bà muốn gửi chị tiền. 

Tiền là vàng, là cuộc sống của hai đứa cháu côi cút của bà ở quê. Để nhiều tiền trong người, bà sợ. Suốt ngày đi bộ rạc cẳng mà đêm cứ ngủ chập chờn. Nên nghe chừng thấy nằng nặng hầu bao, bà phải mang tiền về quê … Chị nắm chặt tay bà: Bà yên tâm. Tiền bà gửi con không suy suyển một xu.

Nhưng cả tháng sau bà Mít vẫn không quay lại…  Chị Sợi kiểm lại số tiền bà Mít gửi một lần nữa. Cho tất cả vào một cái túi xách. Bây giờ chị không chờ bà Mít nữa. Chị chờ anh què đến. Chị bảo anh:

– Bà Mít chết thật rồi. Anh phải giúp em. Ở đây trông nom, cơm nước, rửa ráy cho mẹ em vài ngày. Em phải đi đây.

– Em biết quê bà ở đâu mà tìm?

– Cứ về Hà Nam, Phong Cốc hỏi. Thế nào cũng ra … Phải đem chỗ tiền này về cho hai đứa trẻ mồ côi. Phải thực hiện nguyện ước của bà cụ, kể cả việc mua hai bộ quần áo mới cho chúng nó… Phải đi ngay kẻo lỡ mất chuyến tàu”.  (Bùi Ngọc Tấn. “Truyện Không Tên.” 05/17/2009).

Sau khi đọc xong câu chuyện này, tôi viết thư cảm ơn tác giả vì đã giúp cho tôi cảm được cái hồn của dân tộc mình. Nhà văn hồi đáp rằng ông không viết truyện mà chỉ kể lại chuyện đời, theo đúng y như lời tâm sự của chị Sự chứ không thêm bớt chi cả.

Bùi Ngọc Tấn đã ra người thiên cổ nhưng chị Sợi, anh Què chắc vẫn quanh quẩn nơi những con hẻm tối tăm (nào đó) giữa lòng Hà Nội. Ở đây, không phải lúc nào ra ngõ cũng gặp anh hùng hay một vị tiến sỹ mà (đôi khi) chúng ta còn gặp được những mảnh hồn của đất nước nữa nhưng không có cơ duyên để nhận biết thôi.

Mới đây, tôi lại may mắn gặp cái hồn của đất nước mình tại một nơi chốn khác –qua câu chuyện kể của một người chủ tiệm cơm tấm ở Hóc Môn, Sài Gòn:

Cách đây không lâu, mình thấy hai bà cháu ngồi xin ăn bên đường nên đã đem làm 2 phần cơm qua ủng hộ. Mỗi phần cơm tấm quán bán trị giá 45 nghìn.

Lúc qua thì thấy bé cầm sẵn tiền lẻ, bà ngồi bên có nói là nó thèm cơm, đang định qua mua nhưng mà chỉ có tờ 1 nghìn, 2 nghìn, tiền cũng bị rách nữa, sợ qua chủ quán không chịu bán. 

Lần thứ 2, mình dặn nhân viên đem cơm qua, nói là quán tụi con cũng hay cho cơm vậy lắm, bà đừng ngại gì hết. 

Rồi lần thứ 3, hôm đó trời mưa, quán mình cũng vắng khách, em bé mới cầm tiền qua, nói hôm nay con mua ủng hộ chú, nay bà cháu con xin được nên có tiền rồi”. (Thủy Tiên. “Đem xấp tiền lẻ tới mua cơm, cậu bé bán vé số thuật lại lời dặn của bà khiến chủ tiệm bối rối.” Soha 24/09/2023).

“Lòng tự trọng của hai bà cháu” cũng khiến tôi bối rối theo, và bối rối lắm, khi liên tưởng vụ án VTP đang làm dậy sóng dư luận suốt mấy tuần qua. Nhân vật chính bị cáo buộc đã chiếm đoạt một số tiền kếch xù khiến nhiều người rất băn khoăn:

Trần Ngọc Tuấn: “Bạn nào giỏi toán tính hộ mình: số tiền của Vạn Thịnh Phát xây được bao nhiêu ngôi nhà, cho người cơ nhỡ, tàn tật không nơi nương tựa?”

Nguyễn Bước BD: “Con số 304 ngàn tỷ đồng rất lớn và lớn đến mức nào? Để dễ mường tượng, ta quy ra tương đương:

 Viết đầy đủ: 304.000.000.000.000 VND.

 Quy ra USD: 12 tỷ đô la Mỹ.

 Quy ra vàng 24K: 170 tấn.

 Quy ra lương tối thiểu 5 triệu đồng/người/tháng, mỗi lao động làm việc chừng 25 năm thì thu nhập của khoảng 200.000 đời người không tiêu xài…”

Nguyên Tống : “Để dễ hình dung 300,000 tỷ mà Vạn Thịnh Phát chiếm dụng lớn cỡ nào, ta cần chia nó ra tờ 500,000 để bớt các số 0 đi mới bấm được máy tính. Nó là 600 triệu tờ. Mỗi tờ tiền này có trọng lượng chính xác là 1g. Vậy là số tiền này sẽ nặng 600,000kg, hay 600 tấn… 

Nguyen Nhoc: “VTP nguyên dòng họ ăn cả đời ko hết, mà sao lấy chi mà lắm vậy.”

Vậy mà giữa cái ngõ Ánh Hồng Hà Nội vẫn có người phụ nữ tuy phải bán thân nuôi miệng (và nuôi mẹ) nhưng không tơ hào một đồng xu cắc bạc nào của tha nhân. Trong một con hẻm tăm tối ở Sài Gòn vẫn có người ăn mày đủ “tự trọng” để từ chối những phần ăn được trao tặng miễn phí (cho cả hai bà cháu) khi túi có đủ tiền để chi trả đàng hoàng, sòng phẳng. 

Bao giờ mà quê hương còn những tấm lòng thơm thảo như thế thì chúng ta vẫn còn có thể hy vọng vào hậu vận của dân tộc này, mặc cho bao bầu trời đã sụp và đang sụp! 


 



Tin bài liên quan:

VNTB – Bao Giờ “Chị Em” Ta Nổi Loạn (*)

Do Van Tien

VNTB – Ký túc xá

Do Van Tien

VNTB – Chiếc Cầu Qua Sông Hố Lương

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo