Việt Nam Thời Báo

VNTB – Hứa và hẹn của Tổng bí thư Đảng

Nguyễn Huỳnh

 

(VNTB) –  Không hiểu ý chính của những phát biểu vòng vo này nhằm muốn cụ thể điều gì?

 

“Đến năm 2045, vùng trung du và miền núi Bắc bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện; hình mẫu phát triển xanh của cả nước, trong đó có khoảng 50% số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá trong cả nước…”.

Trong một cam kết ở phát biểu hôm trung tuần tháng 4-2022, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng với tinh thần “cả nước vì trung du và miền núi Bắc bộ; Trung du và miền núi Bắc bộ vượt khó vươn lên cùng cả nước và vì cả nước”, thì với Nghị quyết 11 vừa được Bộ Chính trị ban hành, đã đưa ra nhiệm vụ cho nhiệm kỳ chính phủ là đến năm 2030, “vùng trung du và miền núi Bắc bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện”; một số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá của cả nước. Đến năm 2045, vùng trung du và miền núi Bắc bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện; hình mẫu phát triển xanh của cả nước, trong đó có khoảng 50% số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá trong cả nước…”.

Về nhiệm vụ, giải pháp, Tổng bí thư cho hay, nghị quyết mới đề ra nhiều nhóm giải pháp đồng bộ từ tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; về phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng; về phát triển văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân cũng như xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị…

Tuy nhiên, cũng theo xác nhận của Tổng bí thư thì hiện tại vẫn đang kêu gọi ưu tiên sớm hoàn thiện, ban hành Quy hoạch phát triển vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo cơ sở để các địa phương trong vùng xây dựng quy hoạch phát triển của địa phương mình.

“Vì sao lúc này Bộ Chính trị lại bàn và ra Nghị quyết về Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ?” – câu hỏi này được Tổng bí thư biện giải như sau (dẫn nguyên văn lời phát biểu tại hội nghị triển khai Nghị quyết số 11 – NQ/TW, diễn ra trực tuyến ngày 15-4-2022 tới cấp cơ sở quận, huyện trên toàn quốc):

“Như các đồng chí đã biết, về địa chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và quốc phòng, an ninh, nước ta chia thành 6 vùng, bao gồm: (1) Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. (2) Vùng đồng bằng Sông Hồng. (3) Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. (4) Vùng Tây Nguyên. (5) Vùng Đông Nam Bộ; và (6) Vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Mỗi vùng đều có những đặc điểm, tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, thách thức mang tính đặc thù riêng.

Để phát huy được tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng và cả nước, bên cạnh những chủ trương, chính sách phát triển chung cho cả nước cũng cần phải có các chủ trương, chính sách phát triển cụ thể, sát hợp, phù hợp với từng vùng; khắc phục tình trạng tỉnh nào cũng xin cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi riêng, không phù hợp với những nguyên tắc chung cơ bản của kinh tế thị trường là thống nhất và bình đẳng.

Chính vì vậy, Bộ Chính trị các khoá trước cũng đã ban hành một số nghị quyết chuyên đề về phát triển vùng và giao cho Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình hành động và các cơ chế, chính sách phù hợp với từng thời kỳ để đưa Nghị quyết vào cuộc sống; coi đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển nhanh, bền vững của mỗi vùng và cả nước.

Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ bao gồm 14 tỉnh trực tiếp nằm trong Vùng và 21 huyện, 1 thị xã phía Tây của hai tỉnh Thanh Hoá và Nghệ An, có đường biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Tây giáp Thượng Lào, phía Đông giáp đồng bằng Sông Hồng, phía Nam giáp Bắc Trung Bộ; với tổng diện tích toàn Vùng khoảng 116.898 km², chiếm 35% diện tích tự nhiên của cả nước, với nhiều tài nguyên, khoáng sản quý hiếm; có hơn 30 dân tộc anh em đang sinh sống, với dân số toàn Vùng 14,7 triệu người, chiếm khoảng 15,2% dân số cả nước; nhân dân trong Vùng đoàn kết, cần cù lao động, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng.

Đây là một địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; cửa ngõ phía Tây và phía Bắc của quốc gia.

Đồng thời, đây cũng là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển bền vững với nhiều loại tài nguyên, khoáng sản quý, hiếm, và diện tích đồi rừng rộng lớn, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp và nhiều di sản văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số để phát triển du lịch và bảo vệ môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ.

Xuất phát từ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Vùng, ngày 01.7.2004, Bộ Chính trị khoá IX đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW; và Bộ Chính trị khoá XI đã tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ban hành Kết luận số 26-KL/TW, ngày 02/8/2012 về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010 và thời kỳ 2011 – 2020.

Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị khoá IX và khoá XI, các địa phương trong Vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của Vùng. Hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, được quan tâm đầu tư, giúp cải thiện đáng kể sự kết nối giữa các tỉnh trong Vùng và giữa Vùng với cả nước.

Một số địa phương đã có sự phát triển bứt phá, tạo nên những điểm sáng trong Vùng và cả nước. Toàn Vùng đã đạt được nhiều kết quả, thành tích quan trọng như nêu trong Nghị quyết và Báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ cũng còn không ít hạn chế, yếu kém. Tiềm năng, lợi thế của vùng vẫn chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả.

Trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là “vùng trũng” trong phát triển và là “lõi nghèo” của cả nước, liên kết vùng còn yếu. Khoảng cách về trình độ phát triển và thu nhập bình quân đầu người trong nội vùng so với bình quân chung của cả nước tiếp tục gia tăng.

Quy mô kinh tế còn nhỏ; tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, chất lượng chưa cao. Cơ cấu nội ngành và giữa các ngành kinh tế chuyển dịch còn chậm. Các địa phương trong vùng đều chưa cân đối được ngân sách.

Hoạt động hợp tác, kết nối với các địa phương ngoài vùng, với các tỉnh của Lào và Trung Quốc còn khiêm tốn. Phát triển văn hoá – xã hội vẫn còn nhiều bất cập. Một số phong tục, tập quán, hủ tục lạc hậu còn tồn tại. Chất lượng giáo dục và đào tạo ở một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu.

Tỉ lệ lao động qua đào tạo thấp hơn mức trung bình của cả nước. Một số chỉ số về chăm sóc sức khoẻ nhân dân còn ở mức thấp. Tỉ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; kết quả giảm nghèo chưa bền vững. Tình hình an ninh, trật tự trên một số lĩnh vực, tại một số địa bàn chưa thực sự vững chắc…

Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao; đồng thời định hướng phát triển Vùng theo hướng: “khai thác tốt hơn và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế – chính trị, nguồn nhân lực và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới…”.

Tình hình thế giới, khu vực và trong nước, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ có nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức mới đan xen…

Thực tế trên đây đã đặt ra yêu cầu chúng ta phải tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX; Kết luận số 26-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XI và ban hành Nghị quyết mới về vấn đề đặc biệt quan trọng này.

Đây cũng là việc làm hết sức có ý nghĩa và cần thiết, thể hiện trách nhiệm của toàn Đảng và cả nước đối với đồng bào các dân tộc vùng trung du, miền núi Bắc Bộ – là vùng cơ sở cách mạng, vùng kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đúng với truyền thống đoàn kết, thuỷ chung, nghĩa tình của dân tộc Việt Nam ta, như nhà thơ Tố Hữu đã từng viết trong bài thơ Việt Bắc:

“Mình về thành thị xa xôi

Nhà cao còn thấy núi đồi nữa chăng?

Phố đông còn nhớ bản làng

Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?

Mình đi ta hỏi thăm chừng

Bao giờ Việt Bắc tưng bừng thêm vui?”…

Toàn bộ phần trên là phát biểu về biện giải “Vì sao lúc này Bộ Chính trị lại bàn và ra Nghị quyết về Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ?” của Tổng bí thư

Và theo một nhà báo là đảng viên dự cuộc “chỉnh huấn” trực tuyến này tại đầu cầu thành phố Phan Rang – Tháp Chàm ở đúng một ngày trước lễ kỷ niệm 47 năm giải phóng Ninh Thuận (16/4/1975 – 16/4/2022), chia sẻ với người viết bài này rằng ông ráng nghe để làm một lược thuật, và rồi ông cũng không hiểu ý chính của những phát biểu vòng vo này nhằm muốn cụ thể điều gì?


Tin bài liên quan:

VNTB – Nợ công liên tục tăng và đó là chỉ dấu của thành công?

Phan Thanh Hung

VNTB – Nguyễn Phú Trọng đang tham vọng là lãnh tụ của Đảng?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Trên có tham nhũng không mà bắt dưới phải trong sạch?

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo