VNTB – Khi cảnh sát giao thông góp phần làm… tăng kẹt xe

VNTB – Khi cảnh sát giao thông góp phần làm… tăng kẹt xe

Út Sài Gòn

 

(VNTB) – Cảnh sát giao thông càng hăng thổi phạt khi đường đông, càng kẹt xe

 

Cảnh sát giao thông có chức năng bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật giao thông, các hoạt động phạm tội và vi phạm pháp luật khác trên các tuyến và địa bàn giao thông công cộng theo qui định của pháp luật, ngăn ngừa làm giảm tai nạn giao thông, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

– Đúng thiệt là tào lao hết chỗ nói.

– Lại có chuyện gì xảy ra nữa hả chị Bảy?

– Cũng không có gì to tát hết anh Út à, chỉ là một vài chuyện gọi là chướng tai gai mắt khi tham gia lưu thông trên phố thị thôi.

– Chuyện gì mà tới vài chuyện nghe nhiều dữ thần vậy chị?

– Thì đây nè, nãy tui chạy xe đi chợ về. Mà thời gian này, anh cũng thấy rồi đó, đường phố tấp nập xe cộ, người ta hình như ra đường còn nhiều hơn bình thường, vừa xe máy vừa xe hơi, rồi xe buýt lấn làn này nọ. Kẹt xe hay đông xe là chuyện thường. Đang nhích nhích từng chút một, tự nhiên một đồng chí cảnh sát giao thông nhảy ra giữa đường, thổi cái hoét, kêu 1 xe vô. Thì nói nào ngay xe đó lấn tuyến, cũng sai luật. Nhưng đường thì đông, mấy ổng làm vậy, càng kẹt xe. Đó là chưa kể tới chuyện mấy ổng đứng bên trái thổi. Đến khi thổi người ta thì kêu người ta đi sang bên phải của đường. Để qua bên đó, phải băng ngang dòng xe đang nhích từng chút một. Kẹt xe còn gặp xe băng ngang, không phải kẹt càng thêm kẹt sao, hổng lẽ mấy ông công an giao thông không biết điều đó?

– Ờ cũng đúng, sao mấy ổng không kêu xe tấp vô lề chỗ mấy ổng đang đứng ta?

– Thì đó, nói thiệt, người ta sang đường, người ta chờ đèn tín hiệu giao thông, không bất ngờ nên không gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Còn như trường hợp của ông công an giao thông tui mới nói, xuất hiện bất ngờ, nhiều người trở tay khó khăn, nhất là với phụ nữ tay lái yếu. Rồi lỡ xui, người ta té, ai chịu trách nhiệm? Quá nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

– Ờ.

– Chưa hết, rồi lúc tui về gần tới nhà, kẹt xe tiếp, tín hiệu phía trước là đèn đỏ. Phía sau tui là nườm nượp xe, có cả xe cấp cứu đang hụ còi inh ỏi. Không chỉ tui, mà nhiều người rất muốn nhường đường, nhưng lực bất tòng tâm. Mấy người đứng phía trước thì không dám vượt đèn đỏ vì có công an giao thông đang đứng ngay chốt. Tui tự hỏi, ủa, xe cấp cứu là xe ưu tiên. Ai cũng nghe tín hiệu của xe, sao mấy ổng không chịu bật cho đèn xanh, để dòng xe được lưu thông, để người bệnh trên xe cấp cứu có thể được tới bệnh viện nhanh nhất?

– Ờ sao ngộ vậy ta?

– Thì đó, cái đó chỉ là hai trường hợp mà tui chứng kiến đó nha. Cảnh sát giao thông là người điều tiết giao thông, ngăn ngừa làm giảm tai nạn giao thông, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Vậy mà…

Chợt nhớ lại câu chuyện của chục năm về trước, Phòng cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt (PC67), Công an TP.HCM tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các cán bộ, chiến sĩ thuộc đơn vị. Đáng chú ý, giảng viên lớp tập huấn đã chỉ ra hàng loạt dấu hiệu vi phạm của cảnh sát giao thông trong thời gian qua và yêu cầu phải chấn chỉnh ngay. Trong đó có: khi dừng xe cảnh sát giao thông phải đảm bảo an toàn giao thông, tức phải ra hiệu lệnh khi xe cách 30 m (xe cơ giới) và 5 m với xe thô sơ. Đặc biệt, cảnh sát giao thông phải từ bỏ thói quen đột ngột bước từ trong ra giữa đường để dừng xe.

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 4 months

    Ừ thì cũng giống bên đây . Mỗi lần thấy mình bị stuck trên xa lộ, đi 1 hồi là thấy chớp nháng đèn xe cảnh sát . Khoảng 85% là như vậy