VNTB – Khi doanh nghiệp và nhà nước địa phương cùng ‘lách’ luật

VNTB – Khi doanh nghiệp và nhà nước địa phương cùng ‘lách’ luật

Thới Bình

(VNTB) – Chủ đầu tư chỉ cần ban đầu chọn “trồng rừng” để hưởng ưu đãi, sau đó “xin chuyển đổi” …

UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng việc chuyển mục đích sử dụng 5,3ha trong Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm để làm khu nghỉ dưỡng cao cấp của Sacom Tuyền Lâm là phù hợp quy định.

“Ủ mưu” từ đầu?

Ông Trần Văn Hiệp – chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng – cho biết phần rừng nằm trong phạm vi của dự án đã được cấp từ trước, “trong quá trình thực hiện các hạng mục đầu tư theo tiến độ dự án, chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục chuyển đổi”.

Liên quan đến loại cây rừng bị chuyển đổi, ông Nguyễn Văn Châu – phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng – cho biết diện tích rừng chuyển đổi là rừng trồng, chủng loại thông ba lá. Theo hồ sơ mà đơn vị đang thẩm định, không liên quan đến rừng tự nhiên. Vẫn theo ông Châu, “5,3ha rừng dự án xin chuyển đổi không tập trung, rải rác trong khu vực đã được cấp phép đầu tư”.

Về thẩm quyền phê duyệt việc chuyển đổi rừng, đại diện UBND tỉnh Lâm Đồng cho hay đối với rừng trồng phòng hộ có diện tích dưới 20ha thì thẩm quyền quyết định thuộc Hội đồng nhân dân tỉnh.

Như vậy về hình thức cho thấy đôi bên đều có căn cứ cho chuyện “xin chuyển đổi”, và “đồng ý cấp phép chuyển đổi”; đặc biệt là những việc này đều nằm trong hoạch định lúc bỏ tiền đầu tư vào dự án được gọi là “trồng rừng”.

13 năm chờ đợi: đã trồng được thì… ‘đốn’ được

Có thể pháp luật ở đây được các bên liên quan khéo léo tìm những khoản chưa rõ ràng để “lách” bằng cách diễn đạt ngôn từ văn bản. Thế nhưng thuyết phục trên thực tế ra sao thì vẫn là điều còn gây tranh cãi.

Đại diện Công ty Sacom Tuyền Lâm cho biết vị trí rừng xin chuyển đổi nằm ở hai tiểu khu 162B (phường 4), 266B (phường 3, thành phố Đà Lạt).

Theo quy hoạch phân khu được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt, các khoảnh rừng này thuộc phân khu 7 và 8, nằm trong khu vực mà Sacom Tuyền Lâm đã thuê vào năm 2010.

Đại diện Công ty Sacom Tuyền Lâm cho biết phân khu 7 và 8 thuộc phạm vi sử dụng của dự án có tổng diện tích khoảng 270ha, dự án chỉ xin chuyển đổi 5,3ha rừng đã trồng trong giai đoạn 1995-2005.

Vấn đề đầu tiên cần trả lời ở đây: rừng phòng hộ là gì mà người ta có thể dễ dàng “xin chuyển đổi” vì mục đích thương mại như vậy?

Theo khoản 3 Điều 5 Luật Lâm nghiệp 2017, rừng phòng hộ là rừng được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

Theo khoản 3 Điều 5 Luật Lâm nghiệp 2017, rừng phòng hộ phân loại theo mức độ xung yếu bao gồm 2 nhóm sau: Nhóm 1, gồm có rừng phòng hộ đầu nguồn; Rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư; Rừng phòng hộ biên giới.

Nhóm 2 là rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; Rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển.

Tiêu chí phân loại rừng phòng hộ, theo khoản 1 Điều 7 Nghị định 156/2018/NĐ-CP, rừng phòng hộ đầu nguồn là rừng thuộc lưu vực của sông, hồ, đáp ứng các tiêu chí sau đây: Về địa hình: có địa hình đồi, núi và độ dốc từ 15 độ trở lên; Về lượng mưa: có lượng mưa bình quân hằng năm từ 2.000 mm trở lên hoặc từ 1.000 mm trở lên nhưng tập trung trong 2 – 3 tháng; Về thành phần cơ giới và độ dày tầng đất: loại đất cát hoặc cát pha trung bình hay mỏng, có độ dày tầng đất dưới 70 cm; nếu là đất thịt nhẹ hoặc trung bình, độ dày tầng đất dưới 30 cm.

Rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư theo khoản 2 Điều 7 Nghị định 156/2018/NĐ-CP là khu rừng trực tiếp cung cấp nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất của cộng đồng dân cư tại chỗ; gắn với phong tục, tập quán và truyền thống tốt đẹp của cộng đồng, được cộng đồng bảo vệ và sử dụng.

Trồng rừng được thì ‘bán rừng’ cũng đâu khó?

Tại Điều 20 Luật Lâm nghiệp 2017 có quy định cụ thể về thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác như sau:

“Điều 20. Thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác

1. Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 500 ha trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên.

2. Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng dưới 50 ha; rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 20 ha đến dưới 50 ha; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 20 ha đến dưới 500 ha; rừng sản xuất từ 50 ha đến dưới 1.000 ha.

3. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển dưới 20 ha; rừng sản xuất dưới 50 ha; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư”.

Như vậy, với các diễn giải pháp lý trên thì việc Công ty Sacom Tuyền Lâm xin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trồng là có căn cứ. Thế nhưng nó không thuyết phục ở chỗ là các ưu đãi thuế khóa, chính sách cho thuê đất đối với dự án trồng rừng đã bị lợi dụng cho mục đích kinh doanh riêng của nhóm người nào đó.

Nôm na, phía chủ đầu tư chỉ cần ban đầu chọn “trồng rừng” để hưởng ưu đãi, sau đó “xin chuyển đổi” với những “lobby” các cấp thẩm quyền liên quan, vậy là hưởng lợi thôi (!?).


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)