VNTB – Kỷ niệm với trường Maxim Gorki Heim

VNTB – Kỷ niệm với trường Maxim Gorki Heim

Nguỵ Hữu Tâm

 

Cũng phải nhắc lại là ở chuyến đi thực tập tại nhà máy in Druckerei Sächsische Zeitung-Nhà in Nhật báo xứ Xắc-xô-ni, chúng tôi đã đến nhóm sửa phim ảnh nhiều tuần. Ở đây lần đầu tiên chúng tôi được làm quen và thậm chí cẩn thận đi sâu vào hội họa đến thế. Bởi chỉ khi đi vào chân tơ kẽ tóc của các bức tranhcủa các danh họa thì mình mới hiểu hơn về hội họa, trước tiên yêu thích và biết thưởng thức nó và có những đóng góp khá nhiều như bạn Văn cho nó, ở tư cách là là nhà chuyên môn, còn tôi thì nếu (giả vờ) khiêm tốn thì nói là dân ngoại đạo, nhưng chắc chắn qua những bài trên Tạp chí Mỹ thuật, thì bạn đọc hiểu là, cũng có ít nhiều kiến thức trong ngành này, và cái đó được khởi nguồn từ những ngày ở Dresden, cặm cụi bên các thầy Đức để sửa lại những bức tranh để sao cho sau này in ra, nó vẫn giữ được chất lượng hoàn hảo nhất. Cũng không loại trừ là chính nhờ qua mối quan hệ của các thầy ở nhóm sửa phim ảnh của Nhà máy in này mà bạn Văn và tôi được đến thực tập ở Xưởng phim Hoạt hình Dresden, rồi sau mới có chuyến đi thăm thú vị đến nhà họa sĩ Hamacher (xin xem bài trước).

Cũng phải nói mối quan hệ của tôi với phim ảnh, ngoài việc tôi được học nghề 3 năm ở VEB Kamera- und Kinowerke Dresden – Xí nghiệp Quốc doanh Máy ảnh và máy chiếu phim Dresden, thì ngay trong thời gian ở trường Maxim Gorki Heim, các thầy cô đã tổ chức cho chúng tôi lên Potsdam thăm Xưởng phim DEFA là Xưởng phim truyện lớn nhất CHDC Đức thời đó. Ở đây chúng tôi được biết đến những phim trường là gì, chắc chắn Holywood cũng chỉ na ná như vậy mà thôi, bởi vì có cả những khu phố đủ kiểu dù chỉ bằng bìa, nhưng trông ngoài như thật chứ đừng nói khi lên phim.

Rồi lần đầu tiên trong đời, tôi biết Rückproanlage-thiết bị chiếu sáng từ sau là gì, mà sau này chúng tôi có tham gia vào việc chế tạo ra cái máy đó. Đấy là một thiết bị khá phức tạp, nhưng có thể nói ngắn gọn là quan trọng nhất là sự đồng bộ giữa máy quay và máy chiếu phim, vì tuy ta thấy cảnh liên tục nhưng thực ra đấy là những bức ảnh chiếu 24 ảnh/s lên màn. Cho nên các diễn viên có thể thoải mái diễn phía trước theo kịch bản, nhưng cảnh vật (động chứ hoàn toàn không đứng yên) phía sau đã được thu từ lâu trước đó, ở một nơi bất kỳ theo yêu cầu của kịch bản.

Nói điều này ra để bạn đọc hiểu cho, chúng tôi là lứa trẻ Việt Nam được đào tạo có lẽ là kỹ nhất thời đó, chưa nói sau này còn có nhiều điều tiếp theo như thế nào. Nên các trò ở đời, mà nay chúng ta tạm gọi là „đóng kịch“, làm thế nào có thể qua mắt chúng tôi. Thế nhưng cứ phải thành thật mà nói rằng, đấy là cuộc chơi ở đời, phải chấp nhận thôi, chưa nói ở cái tuổi U80 này, như cái đèn hết dầu, chỉ còn bấc, leo lét được bao lâu nữa?

Lại nói thành phố Dresden khi 1956 chúng tôi sang đấy, là thành phố Đức bị tàn phá nặng nề nhất nước Đức Thế chiến hai, còn hơn cả Berlin dù Berlin đến ngày 08.05.1945 mới được giải phóng. Nguyên nhân – theo như chúng tôi được nghe kể lại – là do tháng ba năm đó, sau cuộc họp giữa Stalin, Churchill và Eisenhower thì đã ngã ngũ là vùng sau này là CHDC Đức sẽ do Liên Xô kiểm soát, nên thành phố mới bị máy bay ném bom của không quân Anh-Mỹ tàn phá nặng nề đến thế. Phải nhớ là đến tận 2001, khi tôi có dịp ghé thăm lại thành phố Dresden, thì Frauenkirche-Nhà thờ Đức bà nổi tiếng mới được xây lại xong, còn trước đấy vẫn là đống đổ nát! 

Thế cho nên ngay từ khi mới sang, chúng tôi đã được nhà trường tổ chức cho, cứ hàng chiều thứ bảy đến địa điểm là một đống đổ nát để dọn gạch vụn 4 tiếng. Vậy là hết một năm chúng tôi có được 100h, hệt như Thứ bảy XHCN ở Việt Nam vào những năm đó, và chúng tôi được Thị trưởng thành phố trao cho một Bronzemedaille zum Wiederaufbau der Stadt-Huy chương Đồng vì Xây dựng lại thành phố Dresden. Cũng có đóng góp cho nước Đức đấy chứ, không nhiều cũng ít.

Lại phải nói đến sự phấn đấu, vì đã là chế độ cộng sản thì đâu cũng thế mà thôi, dù Việt Nam hay (CHDC) Đức. Ở trường Maxim Gorki Heim cũng có tổ chức Đảng, cho các thầy cô và nhân viên. Còn chúng tôi chỉ có tổ chức Đội và Đoàn, đầu tiên là Đội thiếu niên tiền phong, mà tất cả trường có một Liên đội, do bạn Nguyễn Miễn làm Liên đội trưởng. Về bạn Miễn lần trước tôi quên kể, anh là con cụ Nguyễn Kiệm, trước đây nguyên thành ủy viên thành phố SG của ĐCS Đông Dương nên anh được phân nhà, đầu tiên là ở Phố Trần Hưng Đạo giữa trung tâm thành phố, rồi sau là Phố Nguyễn Kiệm trên đường vào Sân bay Tân Sơn Nhất.

Ít lâu sau thì cũng có tổ chức Đoàn Thanh niên Lao động, mà sáu người đầu tiên được kết nạp thì đã có 3 bạn từ toán 9 tôi, là toán lớn nhất trường, và dĩ nhiên 3 bạn đó là Miễn, Doanh và Văn. Tôi là thằng bé nhất toán, chắc chắn cũng là nghịch ngợm và vô tổ chức nhất nên lúc đầu tiên không muốn phấn đấu đã đành, nhưng sau muốn mãi mà cũng chẳng được. Mãi sau này, may là sinh hoạt cùng bạn Văn, và nhờ ông bạn chí thiết này „kèm cặp“, ở trường nghề Xí nghiệp Quốc doanh Máy ảnh và máy chiếu phim Dresden, tôi mới được vào Đoàn, năm 1962, trước khi về nước, mà ở bài sau tôi sẽ kể kỹ. 

Lại nói nước CHDC Đức, dù là nước cộng sản, sau chiến tranh vẫn còn thiếu thốn vật chất, vẫn còn chế độ tem phiếu, nhưng cuộc sống tinh thần thì theo cảm nhận cá nhân của tôi, không biết bao giờ thì chúng ta đạt tới. Bảo tàng, nhà hát, kịch viện, sân thể thao … ê hề, với trẻ con bọn tôi lại còn những dạng Pionierpalast-Lâu đài, hay Cung văn hóa Thiếu nhi với các dạng tạp kỹ nữa. Mà nhà nước lại còn tài trợ đủ cách nên hết sức rẻ và dễ dàng tiếp cận. Bây giờ có lẽ tôi cũng phải nói thẳng ra rằng, tính khí mình có phần hơi khác thường, mọi người bây giờ sẽ đánh giá là mắc bệnh „tự kỷ“ nên hay „đánh lẻ“, làm gì mà gọi người khác cùng làm là „chết“ như chuyện tôi với bạn Thọ nói ở bài trước. Thế nên làm gì có chuyện dễ „kết nạp“ Đoàn hay Đảng? May quá, tính cách tôi như thế nên bây giờ về già mà vẫn thoải mái như thời trẻ, tuy có chậm chạp hơn, nhưng tính cách thì làm sao mà thay đổi cho được?

À cũng nên nói chuyện này nữa, hai kỷ niệm thời đó mà đến bây giờ tôi vẫn nhớ kỹ, liên quan đến cơ thể. Thứ nhất là nhà tôi có gen „móm“, mà chỉ thể hiện ở ông nội, bà bác, thế hệ tôi thì chỉ ở tôi và cậu em và các con trai của hai người, con gái thì không, mà còn…xinh nữa kia. Thế cho nên tôi là người duy nhất trong nhóm 200 đứa bé này thường xuyên phải đi chữa „bệnh“ này mà đây đã là chuyên khoa, trạm xá nhà trường không có, mà bác sĩ nha khoa ở xa, nên phải nhởn nhở đi khắp thành phố Dresden, trải nghiệm cá nhân thật sự thú vị, chưa nói tiếp xúc thêm rất nhiều người, cộng với khả năng ngôn ngữ nói và giao tiếp văn hóa. Chỉ có điều là không chỉ „sau 30 năm mà 70 vẫn vậy“ dù bây giờ lưa thưa mỗi hàm chỉ còn 2, 3 cái răng, phải đeo hàm giả là chính. Còn có kỷ niệm nữa là với các „nữ“ bác sĩ nha khoa, nhưng là khi làm nghiên cứu sinh ở Berlin và làm chuyên gia ở Tiaret, xin để dịp sau cho hợp với „hồi ký“.      

Nhắc đến Academie der Medizinischen Wissenschaften, xin được nhắc đến hai người anh của tôi („thấy người sang bắt quàng làm họ“ đây mà, hai GS Hoàng Thủy Nguyên và Đặng Đức Trạch nổi tiếng thế ai chẳng biết). Nói „anh“ vì tất cả chúng tôi khi đó là những lứa đầu tiên sang học ở Đức. Hai anh Nguyên và Trạch cũng vậy thôi, dù các anh thuộc lứa tuổi cha chú mình, nhưng cứ gọi anh thoải mái, đến anh Khôi (xin xem bài trước) hơn tôi cả 17 tuổi, gọi anh có sao đâu, chỉ có thói phong kiến mới nặng nề về cách xưng hô như vậy, I and you vô tư mà! Lứa đi sang Đức hai, ba năm sau Hiệp định Genève để học tập có đủ loại, mà các anh Ái, Bạc, Khôi,… tôi vừa nhắc ở trên là lứa giữa về mặt học lực, bọn tôi là bọn… bét zem, khỏi bàn, trái lại hai anh Nguyên và Trạch đứng đầu, bởi lẽ các anh đã tốt nghiệp BS „thời Tây“ và cũng đã làm việc đó nhiều năm rồi, mới sang học tiếp ở Đức, lại chính ở bệnh viện (dành riêng cho sinh viên nội trú học) mà tôi vừa nhắc ở trên, nên phòng tổ chức của bệnh viện bố trí các anh trú tại trường Maxim Gorki Heim chúng tôi, vừa có điều kiện vật chất hết ý, lại thêm tình cảm đồng hương nữa thì ai từ chối được.

Thế nên chúng tôi quen biết hai anh là vậy, nào ai ngờ sau này các anh nổi tiếng như vậy. Bản thân tôi thì mãi sau này, tức những năm 90 thế kỷ trước, khi hai anh đã trở nên viện trưởng và viện phó Viện Vệ sinh dịch tễ TW mới lập lại được mối liên hệ. Nhà tôi ở tình cờ cách chỗ làm việc  của các anh chỉ một góc phố. Anh Nguyên, viện trưởng, quá bận, nên tôi không có dịp gặp lại, chứ anh Trạch, viện phó, thì tôi gặp khá thường xuyên, và anh em trò chuyện khá thoải mái, anh cũng rất quan tâm đến những vấn đề của vật lý học hiện đại, nên anh em trò chuyện khá rôm rả. Còn trải nghiệm Algeria thì miễn bàn rồi, vấn đề Hồi giáo ai chẳng quan tâm. 

Hai anh làm ngay luận văn TS B (đã nói ở trên). Thế nên anh chị em BS ta sang CHDC Đức được hưởng lợi (nhưng tôi lại nghe nói, hồi đó ngành Y đi học nước ngoài cực khó vì lãnh đạo cho rằng ngành Y Việt Nam đủ giỏi rồi chẳng cần học nước ngoài nữa? số đông chỉ làm thực tập sinh thôi), tôi biết thế vì những anh chị em sang sau hai anh, sang được Đức là làm ngay luận văn B. Nhưng không hiểu sao, rồi phía Đức cũng biết nên có thay đổi chính sách. Hồi tôi làm nghiên cứu sinh ở VHLKH CHDC Đức thì sinh hoạt cùng đoàn có chị Hà ở Bệnh viện Việt Đức Hà Nội đi trước tôi hai năm, chỉ làm A, trong khi tất cả những BS đi trước chị, đều làm B cả, dù kiến thức tổng quan rất kém, sinh hoạt cùng đoàn làm sao giấu được, mà thế thì đối với TSKH, CHDC Đức khi ấy gọi là Dr. habil hay Dr. Sc., thực không hiểu nổi. 

Thế nên mới thấy bài của luật sư, TS Nguyễn Vân Nam, là  đáng đọc đến thế nào. Trí thức là gì, bằng cấp ở Việt Nam lung tung thế nào. Cũng phải nói một trường hợp ngược lại với bố một anh bạn cùng lớp Phổ thông Ba của tôi, có thể cùng lớp hay trên hai anh Nguyên và Trạch 1, 2 khóa là cùng, tuy dĩ nhiên ở tuổi cha chú mình rồi, nhưng tôi tin thông tin này là chính xác nhưng xin không nêu tên ở đây, vào cùng thời gian đó khi cụ được cử sang Liên Xô học Y thì lại vào học từ năm thứ nhất chứ không làm A hay B. Để sau 5 năm chỉ mang cái bằng tốt nghiệp Y khoa đại học Moscow về nước. Ngày nay có bạn trẻ nào muốn học cụ chắc cũng khó lắm thay. Có điều lạ, mà ở Việt Nam lại là bình thường, là sau này cụ lên làm hiệu trưởng đại học Y Hà Nội.     

Ở nước ta hiện nay có quá nhiều vấn đề phải làm, ngoài chuyện chỉ tăng trưởng kinh tế (như Trung Quốc) là đủ, mà theo tôi, trước hết phải là bài toán dân chủ, đa nguyên, nhà nước pháp quyền, và dĩ nhiên không phải cuối cùng mới là giáo dục, mà bao lâu nay cứ nói đổi mới giáo dục nào đã thấy gì,  và đi liền với nó là vấn đề trí thức, nhưng ĐCSVN „nói dzậy mà không phải dzậy“, ai  mà chẳng hiểu.                                              

Trở lại kỷ niệm với trường Maxim Gorki Heim, tôi vẫn nhớ như in ở dạng toàn bộ, là một kỷ niệm hết sức êm đềm để kết thúc thời niên thiếu để bước vào tuổi thanh niên, để 3 năm sau, thành công nhân và đã tự kiếm sống độc lập với gia đình và có thể gọi là đã trưởng thành. 

Nhưng để gọi là người với tư duy độc lập thì chắc chắn còn cần nhiều thời gian nữa mà để đánh giá là vào lúc nào thì xin bạn đọc xem tiếp các bài sau.

Còn về hai trường Käthe Kollwitz Heim, tại thị trấn Moritzburg và trường Maxim Gorki Heim tại Dresden, mà học sinh hai trường được gọi chung là Moritzburger-công dân Moritzburg, có ý kiến cho rằng đó là trường thiếu sinh quân, thì chắc chắn không phải. Hầu như tất cả các nước Mỹ, Anh, Pháp, Nga, và các nước cộng sản thì tất yếu, vì là nhà nước độc tài, công an trị, đều có các trường này và chúng đều do Bộ Quốc Phòng quản lý về tất cả mọi mặt. Theo tôi biết thì ở Moscow và Praha hay Warsaw cũng có các trường tương tự cho học sinh Việt Nam do các nước „xã hội chủ nghĩa“ này tài trợ. Xin bạn đọc nào tình cờ có học ở đó hay biết gì cho ý kiến và gửi về Việt Nam Thời Báo, BBT sẽ chuyển cho tác giả, để cùng trao đổi.

*Các hình minh họa:

H. 1 Tác giả (vòng đỏ) với nhóm các bạn và ông trưởng nhóm sửa phim ảnh tại nhà máy in Druckerei Sächsische Zeitung-Nhà in Nhật báo xứ Xắc-xô-ni.

H. 2 Tác giả (vòng đỏ) với các bạn nam nữ Việt Nam đi học nghề, chụp trước nhà máy VEB Kamera- und Kinowerke Dresden – Xí nghiệp Quốc doanh Máy ảnh và máy chiếu phim Dresden (có lẽ xin để dành bài sau nói về thời gian 3 năm 1958-1962 tác giả học nghề) 

H. 3 Tác giả, do bạn Văn chụp dịp Tết 3 năm trước. (cũng thế)

H. 4 Nhóm in, toán 9, với các tờ báo Sächsische Zeitung- Nhật báo xứ Xắc-xô-ni với báo vừa in xong, đang kiểm tra chất lượng, hai người đứng bên trái cạnh bà thợ cả Đức là hai bạn Doanh và Văn. 

H. 5 Ngôi nhà chính của trường Maxim Gorki Heim, ngôi biệt thự Marienhof, do tác giả vẽ năm 1957 có ký tên TAM ở dưới, được nhà trường in thành bưu thiếp chúc Tết cổ truyền Việt Nam gửi về cho gia đình các em học sinh, đang ở lại Hà Nội hay các thành phố khác của Việt Nam, do bạn Văn lưu trữ lại được, mà với tác giả do biến cố gia đình mà bị thất lạc.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)