VNTB – Làm ơn, đừng đẩy người nghèo vô đường cùng

VNTB – Làm ơn, đừng đẩy người nghèo vô đường cùng

Diệp Chi

 

(VNTB) – Sống dưới chỉ thị 16, là lo lắng không biết mình có bệnh hay không, nếu bệnh vô khu cách ly tập trung thì sao, còn ở nhà ăn uống rồi chi phí sinh hoạt, điện, nước hay lỡ bịnh phải khám thì tiền đâu ra?

 

Kể từ những ngày cuối tháng 4 – đầu tháng 5, xuất hiện những ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, sau đó lan nhanh ra các quận huyện, thành phố Thủ Đức trong TP.HCM, đã làm không ít người phải ngại ngần trong tiếp xúc vì không biết rằng, đối phương có phải là F0 lang thang nào hay không?

Chỉ thị 16 áp dụng cho Gò Vấp, chỉ thị 15 cho toàn thành phố. Sau đó là chỉ thị 10 để rồi từ ngày 9-7-2021 cho đến thời điểm hiện tại (và sẽ tiếp tục thêm 2 tuần) áp dụng chỉ thị 16.

Trải qua hơn 1 tuần lễ sống dưới chỉ thị 16, có không ít vấn đề đã xuất hiện. Từ việc lo lắng không biết mình có bệnh hay không, nếu bệnh vô khu cách ly tập trung sẽ như thế nào; vấn đề ăn uống trong gia đình, dù biết rằng xếp hàng sẽ lâu nhưng cũng đành phải chấp nhận vì nhà đã… hết đồ ăn; công ăn việc làm; chi phí sinh hoạt, điện, nước…; khám chữa bệnh….

Những vấn đề hoàn toàn không khó để bắt gặp. Đó là những hình ảnh mà báo chí, truyền thông đại chúng ghi nhận được khi người dân đứng xếp hàng vào siêu thị hoặc cửa hàng mua đồ trước 0g ngày 9-7-2021 hay gần đây nhất là trước khi ‘fake news’ từ ngày 15-7-2021 thành phố sẽ ‘lockdown’.

Thật ra khi thành phố ban hàng chỉ thị 10, kèm theo đó là việc tạm dừng các chợ tự phát là đã thấy có gì đó không hợp lý. Bởi lẽ, chợ tự phát buôn bán ngoài đường, trong một không gian ngoài trời, thoáng đãng có ánh nắng, người mua không đứng xếp hàng nhiều cũng không chen chúc mua hàng, có lẽ vẫn tốt hơn môi trường trong siêu thị, cửa hàng tiện lợi hay nơi nào đang đóng cửa sử dụng máy lạnh chứ.

Việc tạm thời, hy vọng chỉ là tạm thời, đóng cửa chợ tự phát như vậy, không những làm khó cho những người buôn bán mà còn làm khó cho cả người mua.

Một số người có tâm lý ngại bước vào siêu thị mua hàng, vì không biết rằng khi bước ra có bị giăng dây như trường hợp đã từng gặp ở Big C Tô Hiến Thành vài tuần lễ trước. Họ cũng ngại ngần khi đi chợ truyền thống, và nếu được đi những chợ tự phát ngoài lề đường, hè phố người ta cảm thấy an tâm hơn.

Ông Nguyễn Văn Tám, cựu nhân viên quản lý chợ ở quận 12, ý kiến: “Như tôi theo dõi tin tức trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng một số mặt hàng đang bị kê cao giá, chính quyền cũng đưa ra số điện thoại để phản ánh. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng sẵn sàng phản ánh.

Không phải là vì họ sợ mà là họ nghĩ thôi kệ, cũng không đáng, phần vì đúng là hàng hóa khó lưu thông trong thời gian này, ấm ức lên mạng xã hội hay chat với bạn bè chia sẻ nỗi niềm. Tôi thấy thế này, nếu sợ tăng giá như vậy, chi bằng chính quyền cho người dân buôn bán đi.

Thoáng một tí là chia ô cho người dân bán ở vỉa hè hay bán ra đường luôn, chính quyền bố trí người giữ xe, dễ quản lý. Còn nếu muốn chặt hơn, cho người ta ở trong nhà bán, giăng dây để có khoảng cách, ai mua hàng gì đứng ngoài kêu, người bán để hàng lên bàn, lùi ra, người mua để tiền lại, bố trí dân quân hay bảo vệ dân phố để giữ gìn trật tự, phòng cướp. Một hai người bán thì gọi là độc quyền, nhiều người bán thì giá sẽ bình ổn hơn”.

Dân gian có câu “có thực mới vực được đạo”. Thiết nghĩ, trong khoảng thời gian khó khăn này, có không ít người dân đã mệt mỏi, lo lắng về dịch; công ăn việc làm, giờ đây sẽ như thế nào khi tủ lạnh ở nhà đang vơi dần đến mức gần cạn lương thực, trong khi còn đó hai tuần chỉ thị 16.

Đi mua thì chờ đợi, xếp hàng, rủi ro khoảng cách, đông người. Còn chợ tự phát thì lại không cho bán.

Có vẻ như, khó lại chồng lên lo…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)