Hoài Nguyễn
(VNTB) – “Gì đi nữa thì phải chờ “kết luận của Trung ương Đảng.”
“Góp ý luật Đất đai trái chủ trương của Đảng, Hiến pháp thì không tiếp thu”…
Lưu ý về thứ tự của “tiếp thu” ở đây đối với nhà lập pháp: Đảng là tối thượng, tiếp đến mới là Hiến pháp.
Văn phòng Quốc hội đã có thông báo kết luận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại cuộc họp với Bộ Tài nguyên và Môi trường về dự án luật Đất đai sửa đổi. Theo đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý đối với các ý kiến trái với chủ trương, đường lối của Đảng, trái Hiến pháp thì không tiếp thu nhưng cần giải trình thuyết phục.
Đối với những ý kiến đúng đắn, cần thiết nhưng chưa có kết luận của Trung ương Đảng thì có thể nghiên cứu, báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền.
Như vậy từ yêu cầu rất cụ thể mà ông Vương Đình Huệ đặt ra đã cho thấy ở Việt Nam quyền lập pháp không có tính độc lập, mà hoàn toàn chịu sự điều chỉnh của Đảng, kế tiếp đó mới là Hiến pháp.
Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, Hiến pháp là đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất, là bản khế ước xã hội, phản ánh chủ quyền nhân dân. Tất cả các hành vi xâm phạm Hiến pháp của các cơ quan Nhà nước, kể cả Quốc hội cho đến đảng phái chính trị cũng là trái với chủ quyền tối cao của nhân dân.
Quyền lập hiến là quyền gốc, quyền thiết lập ra các quyền khác, trong đó có quyền lập pháp. Quyền lập pháp phải được tổ chức và thực hiện trong khuôn khổ của Hiến pháp. Vì thế, kiểm tra tính hợp hiến của quyền lập pháp (các đạo luật) của Quốc hội không phải là phủ nhận ý chí nhân dân, mà trái lại, là bảo vệ ý chí chung của nhân dân.
Với cách quan niệm phổ quát trên, thì các đạo luật hay Quốc hội sẽ không phải là tối cao và không thể bị kiểm soát, mà Hiến pháp mới là tối cao.
Thế nhưng ở Việt Nam, như xác nhận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, thì “chủ trương, đường lối của Đảng” là tối thượng; thậm chí ngay cả khi có các ý kiến chỉ ra về những sai lầm của chủ trương, đường lối ấy, thì dẫu có đúng đắn đến đâu đi nữa thì phải chờ “kết luận của Trung ương Đảng”.
Chính việc “chờ kết luận” này đã giải thích cho chuyện vì sao nhiều chính sách mà Đảng đưa ra, ngay từ đầu đã bất ổn, song phải mất thời gian rất dài để Đảng sửa đổi.
Đăng kiểm xe cơ giới đang thời sự ở hiện tại là một dẫn chứng.
Ông Nguyễn Minh Đức, một chuyên gia luật và chính sách công, đang làm việc tại Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), kể:
“Hồi đó, mình mới vào nghề luật, có một thứ thủ tục kiểm định an toàn mà Nhà nước vẫn độc quyền. Doanh nghiệp phải lên Cục để làm thủ tục kiểm định và mình nghe nói cũng phải bôi trơn kha khá.
Ông Cục trưởng mới lên quyết định xã hội hóa dịch vụ, cho tư nhân làm kiểm định. Mình mới ngạc nhiên hỏi ông anh: “Vì sao ông ấy lại từ bỏ lợi ích lớn đến vậy?”. Ông anh cười mình ngây thơ, bảo: “Ông ấy giờ làm cai đầu dài”.
Nhận tiền bôi trơn trực tiếp từ doanh nghiệp làm thủ tục chỉ là thu tiền lẻ, rủi ro cao. Trong khi đó, nếu cấp phép cho vài ông tư nhân đi thu tiền lẻ thì mấy ông tư nhân đó vẫn phải nộp lại tiền chẵn cho Cục mà thôi. Nhận tiền như thế kín đáo mà có khi còn nhiều hơn thu lẻ. Nếu có sự cố gì, thì Cục cũng chỉ cần phạt một vài ông kiểm định sai là xong, vừa đỡ trách nhiệm mà lại được tiếng là nghiêm minh.
Vụ nhận tiền hàng tháng của Cục Đăng kiểm đúng mô hình cai đầu dài đó. Cục còn tìm cách tăng thu cho toàn ngành bằng cách đặt ra quy định đăng kiểm siêu tốn kém, phức tạp. Thế nên mới có kiểu xe của Việt Nam còn được kiểm tra nhiều hơn Châu Âu, Nhật Bản…
Nhưng mình hơi thắc mắc, mô hình kinh doanh chính sách mà đã được truyền thụ như giáo trình như thế, thì sao có mỗi ngành đăng kiểm nhỉ? Còn nhiều ngành khác mà xét trên quy định, dân ta được sống an toàn hơn các nước phát triển mà.
Hy vọng các lĩnh vực kiểm định an toàn khác như kiểm tra chuyên ngành hàng hóa hay kiểm định máy móc trang thiết bị lao động không có kiểu kinh doanh chính sách như thế”….
Trước khi là người đứng đầu Đảng suốt gần 3 nhiệm kỳ, thì ông Nguyễn Phú Trọng là Chủ tịch Quốc hội, tức người đứng đầu cơ quan lập pháp. Tin chắc ở cả hai cương vị là sếp lớn, ông rất am tường chuyện “cai đầu dài” như trên, còn vì sao ông không ra được “toa thuốc” nào để chữa trị cho dứt căn bệnh này, thì đến nay vẫn còn bỏ ngõ.
1 comment
Câu hỏi “Lập pháp ở Việt Nam có độc lập hay không?” có thể khẳng định như đinh đóng cột là “Có”. Việt Nam các bác rất độc lập về tư duy, không theo những nước tư bổn khác, không những trong lập pháp mà còn ở nhiều mặt khác . Và chính người dân với nhau cũng bảo nhau hổng nên học theo tính bầy đàn . Những người đó tụ họp nhau lại, tạo thành 1 luồng tư duy độc lập còn hơn cả những tư duy độc lập vốn đang tồn tại . Những người trong luồng tư duy này họp thành bầy đàn để kiên quyết bảo vệ tư duy của họ . Những ai nói họ (cũng) theo tư duy bầy đàn sẽ được nghe đầy lỗ tai
“vì sao ông không ra được “toa thuốc” nào để chữa trị cho dứt căn bệnh này, thì đến nay vẫn còn bỏ ngõ”
Lạy thánh bá mớ . Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn chữa trị dứt căn bệnh này chớ hổng phải không . Mới làm trong y tế & đăng kiểm bị cái thứ dân quái quỷ ở đâu ra phàn nàn điếc con ráy nên phải 1 bước tiến, 2 bước lùi .
Muốn Đảng thật sự làm tới, cần sự ủng hộ nhiệt tình của người dân . Vứn đề là người dân không biết mình muốn gì, ngoài việc hưởng thụ . Chưa kể tới muốn đạt được điều gì phải cần làm gì . Cứ ngoạc mồm ra cái đã, tính sau