VNTB – Tổng bí thư đã vượt qua cơn trọng bệnh

VNTB – Tổng bí thư đã vượt qua cơn trọng bệnh

Nguyễn Huyền

 

(VNTB) – Suốt gần 3 nhiệm kỳ Tổng bí thư, báo chí dường như không thấy đưa tin về việc rèn luyện thể dục, thể thao của ông Nguyễn Phú Trọng.

 

Nguồn tin khả tín cho biết Tổng bí thư đã vượt qua cơn trọng bệnh… Thế nhưng sau đợt bệnh, trước ngưỡng tuổi tám mươi này, liệu độ minh mẫn và khả năng tiếp tục quán xuyến việc dân – việc nước của Tổng bí thư như thế nào thì không thấy có tin tức gì, kể cả những đồn đoán trên cộng đồng mạng.

Quan sát tin tức tuyên truyền trên báo chí suốt gần 3 nhiệm kỳ trong vai trò Tổng bí thư, công chúng dường như không thấy đưa tin về việc rèn luyện thể dục, thể thao của ông Nguyễn Phú Trọng. Tuy vậy cũng không mấy ai ngạc nhiên vì các chính khách chóp bu trong bộ máy Nhà nước cho đến Đảng, tất cả đều không thấy ai được nhắc đến kiểu như “đèn đom đóm Vương Đình Huệ”.

Trong lúc đó thì hình ảnh tập luyện thể dục – thể thao và các di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề này lại là nội dung của giáo trình môn “Tư tưởng Hồ Chí Minh”. Đơn cử thường kỳ sau Tết Nguyên đán là trên báo chí bắt đầu tuyên truyền cho ngày “thể dục – thể thao cách mạng”. Theo đó, “Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe”, đó là một câu trong bài “Sức khỏe và thể dục” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Cứu quốc ngày 27-3-1946. Và cũng chính là “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” của Bác, từ đó chính thức khai sinh ra ngành thể dục, thể thao cách mạng.

Về mặt quản lý hành chính, để tăng cường và mở rộng các hoạt động thể dục thể thao và trực tiếp chỉ đạo công tác giáo dục thể chất cho thế hệ trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 38 ngày 27-3-1946 thành lập Nha Thanh niên và Thể dục thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục. Từ năm 1991, Chính phủ quyết định lấy ngày 27-3 hằng năm là Ngày Thể thao Việt Nam.

Trong các bài giảng về “Tư tưởng Hồ Chí Minh”, giáo trình chung hay thuật câu chuyện – trích: Năm 1941, khi Người từ Trung Quốc về nước và lưu lại trong vùng rừng núi Cao Bằng. Lúc ở hang Pắc Pó, lúc ở lán Khuổi Nậm, khi vào vùng rừng núi căn cứ du kích Lam Sơn, bất cứ ở đâu Bác đều duy trì nếp ăn, ở, sinh hoạt, học tập điều độ.

Bác có thói quen tránh ăn quá no, rèn luyện thân thể vào buổi sáng, không ngủ trưa, và buổi chiều Người đi làm vườn, vác củi cho đồng bào trong xóm… Các vị lão thành cách mạng còn kể lại, sáng nào, cụ Hồ cũng đi đến các lán gọi mọi người cùng dậy tập thể dục bên dòng Khuổi Nậm, rồi dành một lúc tăng gia và đi tắm suối rồi sau đó mới bắt tay vào công việc nghiên cứu, viết tài liệu.

Lúc ở Liễu Châu (Trung Quốc) Bác Hồ vẫn tập luyện thể dục đều đặn, nhiều hôm Bác tập Thái Cực quyền và chạy bộ 4-5 km, rồi xuống sông tắm cho dù có nhiều hôm trời rất giá rét. Nhờ rèn luyện sức khoẻ thường xuyên như vậy, nên Bác đã qua được cơn hiểm nghèo trong lần ốm nặng trước khi Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 nổ ra.

Ngay sau khi đất nước giành độc lập, mặc dù bận trăm công ngàn việc quốc kế dân sinh, Bác Hồ vẫn giữ nền nếp dậy sớm tập thể dục. Bác thường xuyên cùng cán bộ, chiến sỹ rèn luyện thể lực bằng cách chạy, đi bộ, bơi lội, leo núi, đánh bóng chuyền… Theo lời các đồng chí cận vệ của Bác kể lại, suốt bốn mùa dù trời mưa hay trời rét, sáng nào cũng vậy, Bác thức dậy từ lúc 5 giờ, tập thể dục xong, đi đánh răng rửa mặt, ăn sáng rồi đi làm việc.

Có những hôm Bác đi công tác về rất khuya, sáng ra, các đồng chí giúp việc giữ yên tĩnh để Bác ngủ, nhưng đến 5 giờ Bác đã dậy cùng tập với mọi người như thường lệ …

Bài học chăm chỉ giữ gìn sức khỏe qua tập luyện thể dục thể thao, dường như đã không được đảng viên Nguyễn Phú Trọng quan tâm. Và nay thì với các đồn đoán với sức khỏe, rất cần minh bạch về độ minh mẫn ở hiện tại theo nội dung của Quyết định số 1266/QĐ-BYT về “Tiêu chuẩn phân loại sức khỏe cán bộ”.

Theo văn bản trên thì có 5 mức phân loại: Loại A: Khỏe mạnh, không có bệnh, hoặc có mắc một số bệnh thông thường nhưng không ảnh hưởng đến lao động, sinh hoạt và sức khỏe cá nhân, tuổi đời không quá 60.

Loại B1: Đủ sức khỏe công tác, mắc một hay một số bệnh mãn tính cần phải theo dõi, điều trị nhưng không hoặc ít ảnh hưởng đến lao động, sinh hoạt và sức khỏe cá nhân, tuổi đời không quá 70.

Loại B2: Đủ sức khỏe công tác, mắc một số bệnh mạn tính cần phải theo dõi, điều trị thường xuyên nhưng đang trong thời kỳ ổn định, ít ảnh hưởng đến lao động, sinh hoạt, sức khỏe cá nhân, tuổi đời không quá 80.

Loại C: Không đủ sức khỏe công tác tại thời điểm khám sức khỏe, mắc một số bệnh mạn tính nặng, bệnh đã có các biến chứng, phải nghỉ việc để điều trị bệnh từ 01 đến 03 tháng.

Loại D: Không đủ sức khỏe để tiếp tục công tác, bệnh nặng ở giai đoạn cuối, biến chứng nặng, khó hồi phục, sức khỏe sút kém, phải nghỉ hẳn để chữa bệnh và phục hồi chức năng.

Như vậy, liệu ở ngưỡng 80, đảng viên Nguyễn Phú Trọng được vào loại nào theo nội dung của quy định 1266/QĐ-BYT Bộ Y tế về “sức khỏe cán bộ”?


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 4 months

    Hoàn toàn đồng ý . Hy vọng sau khi bình phục, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ học & làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh những điều tác giả nêu ra .

    “Lúc ở Liễu Châu (Trung Quốc) Bác Hồ vẫn tập luyện thể dục đều đặn, nhiều hôm Bác tập Thái Cực quyền và chạy bộ 4-5 km, rồi xuống sông tắm cho dù có nhiều hôm trời rất giá rét. Nhờ rèn luyện sức khoẻ thường xuyên như vậy, nên Bác đã qua được cơn hiểm nghèo trong lần ốm nặng trước khi Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 nổ ra”

    Rất đúng . Hy vọng Tbt NPT sẽ qua Trung Quốc tập thể dục thường xuyên hơn