Khánh An dịch
(VNTB) – Ông Lê Khả Phiêu giữ chức tổng bí thư đảng chưa đầy bốn năm, rồi bị mất chức sau các cuộc tranh giành phe phái công khai bất thường.
Seth Mydans
Nhiệm kỳ lãnh đạo cứng rắn ở Việt Nam của ông Lê Khả Phiêu, xuất thân là bộ đội, đã kết thúc một cách ô nhục khi ông bị cách chức trong bối cảnh đấu đá công khai bất thường. Ông Phiêu đã qua đời vào ngày 7 tháng 8 tại Hà Nội hưởng thọ 88 tuổi.
Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cho biết ông mất “sau một thời gian ốm đau”, và do “tuổi già sức yếu”.
Ông Phiêu, bộ đội miền Bắc Việt Nam trong cuộc chiến chống thực dân Pháp và Mỹ, được bầu làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản vào năm 1997, trong thời điểm tranh giành quyền lực và chính quyền bế tắc.
Là một người bảo thủ, ông được coi là một lựa chọn thỏa hiệp. Nhưng ngay lập tức ông Phiêu phải đối mặt với xung đột phe phái liên tục với những người cải cách đảng và, và kết quả là bị phế truất vào năm 2001, sau khi phục vụ chỉ chưa đầy 4 năm trong nhiệm kỳ 5 năm của mình.
Ông Phiêu bị chỉ trích vì sự lãnh đạo kém hiệu quả, không vực dậy được nền kinh tế đang trì trệ của Việt Nam, không có khả năng diệt trừ tận gốc nạn tham nhũng, phụ thuộc vào Trung Quốc và hành vi “phản dân chủ” nhằm bành trướng quyền lực cá nhân.
Ông Carlyle A. Thayer, chuyên gia về Việt Nam gọi đó là “trận chiến cung đình”, ông Phiêu cũng bị cáo buộc lạm dụng tình báo quân sự để thực hiện việc nghe lén các đồng chí trong Bộ Chính trị.
Ông Thayer nhận định những năm cầm quyền của ông Phiêu là thời kỳ “bất di bất dịch”, vì chỉ lo ổn định chính trị mà quên đi những lo ngại về kinh tế và hạn chế hành động quyết định đối với một loạt vấn đề như tham nhũng và tác động của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đối với Việt Nam.
Ông Phiêu tiếp tục ủng hộ “vai trò chủ đạo” của các doanh nghiệp nhà nước, một quan điểm bảo thủ mà cả các nhà kinh tế phương Tây và Việt Nam cho là một trong những điều cản trở chính đối với tăng trưởng.
Khi ông được chọn làm tổng bí thư, ba thành viên cầm quyền đương nhiệm được chỉ định làm cố vấn, vai trò giám sát việc lãnh đạo của ông Phiêu. Trong năm đầu tiên cầm quyền, của ông Phiêu, một trong ba cố vấn là ông Đỗ Mười, tổng bí thư tiền nhiệm, không chỉ tham dự các cuộc họp của Bộ Chính trị mà còn tiếp tục làm chủ toạ.
Ông Phiêu đã cố bãi bỏ vai trò của các cố vấn và tự sửa soạn bổ sung thêm cho chính mình chức vụ chủ tịch nước, động thái gây ra cuộc tranh giành lãnh đạo dẫn đến việc ông bị gạt ra rìa.
Ông Phiêu cứng rắn trong các vấn đề đối ngoại cũng như kinh tế vào thời điểm những người cải cách đảng đang tìm cách tiếp cận với phương Tây. Ngay trước khi Tổng thống Bill Clinton đến Việt Nam vào năm 2001, ông Phiêu đã cảnh báo rằng cuộc chiến chống lại phương Tây, mà ông đã cống hiến cả đời, vẫn chưa kết thúc với chiến thắng của Việt Nam.
Ông nói: “Họ tiếp tục tìm cách quét sạch hoàn toàn các nước xã hội chủ nghĩa còn lại. Chúng ta không bao giờ nên lơi lỏng cảnh giác một phút giây nào.”
Ông ra lệnh cho các quan chức đảng chỉ dành cho ông Clinton cuộc đón tiếp không chính thức và sau đó mắng mỏ tổng thống Mỹ về chủ nghĩa đế quốc Mỹ.
Ông Lê Khả Phiêu sinh ngày 27 tháng 12 năm 1931, quêThanh Hóa, tham gia Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1949. Một năm sau, ông gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam, bắt đầu thăng tiến trong quân đội qua các cuộc khánh chiến chống Pháp và Mỹ cũng như thời kỳ chiếm đóng Campuchia.
Ông Phiêu được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản năm 1991, được bầu làm Bí thư một năm sau đó và tham gia Bộ Chính trị năm 1994.