Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nếu liên minh công đoàn độc lập có ứng viên vào Quốc hội nhiệm kỳ mới?

Loan Thảo

(VNTB) – Nếu chỉ căn cứ vào hệ thống pháp luật hiện hành, thì tình huống giả định  “có ứng viên của liên minh công đoàn độc lập vào Quốc hội nhiệm kỳ mới” đã có thể hình thành, và cũng có thể là sự thật.

Từ 1-1-2021, Bộ luật Lao động Việt Nam chấp nhận quyền tự do công đoàn. Như vậy, giả dụ tình huống một tổ chức liên minh công đoàn độc lập nào đó đề cử ứng viên tham gia vào cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, thì đó là hành vi được Hiến pháp bảo hộ tại Điều 16: “1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. 2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”.

Mặc dù Hiến pháp tại Điều 4. 3, ghi “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”, song ‘luật bất thành văn’ là chuyện quốc gia đại sự đều phải thông qua ý kiến của Bộ Chính trị.

Vậy Bộ Chính trị ý kiến cụ thể ra sao về chuyện bầu cử?

Ngày 20-6-2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026; trong đó về vấn đề các ứng viên Quốc hội, được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra các mệnh lệnh như sau:

“Lãnh đạo thực hiện tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ. Gắn kết quả nhân sự của đại hội đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có điều kiện thực hiện nhiệm vụ tham gia làm đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước.

Phấn đấu giới thiệu, lựa chọn bầu được những đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Phấn đấu bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội và đạt tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải bảo đảm theo đúng quy trình luật định và hướng dẫn của các cơ quan Trung ương có thẩm quyền.

Các cấp ủy đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong việc tổ chức hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác bầu cử, bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật”.

Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị cho thấy tiêu chuẩn chung cần phải có của một ứng viên đại biểu Quốc hội, đó phải là ‘đảng viên’. Tuy nhiên về mặt văn bản pháp quy của hệ thống pháp luật Nhà nước, thì về nguyên tắc, các văn bản của Bộ Chính trị chỉ có giá trị thi hành bắt buộc trong điều hành của Đảng, không phải bắt buộc trong quần chúng nhân dân.

Như vậy, nếu Hiến pháp đã quy định, “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”, thì xem ra vẫn có dư địa cho những ứng viên như tổ chức liên minh công đoàn độc lập trong tương lai gần. Bởi cũng trong Chỉ thị số 45-CT/TW, ông Nguyễn Phú Trọng có nêu một yêu cầu ít nhiều cho thấy sự cầu thị:

“Nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung cụ thể, chặt chẽ các quy định về trách nhiệm, quyền hạn và sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị phụ trách tổ chức bầu cử; quy trình đề cử, ứng cử; việc phân bổ người ứng cử đại biểu Quốc hội do Trung ương giới thiệu; việc thẩm định hồ sơ người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; việc tuyên truyền, vận động bầu cử; giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Quy định cụ thể đối với việc tự ứng cử, phải có quy trình thật chặt chẽ, đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật. Quy định rõ việc gì được làm, việc gì không được làm trong vận động bầu cử; tránh tình trạng “vận động” không lành mạnh; khắc phục hiệu quả những hạn chế, khuyết điểm trong tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các khóa gần đây”.

Vấn đề chỉ là giờ ai sẳn sàng thắp lên những ngọn đuốc rực lửa đầu tiên?

Tin bài liên quan:

(VNTB)-Chọn trả phí công đoàn hay lập Công đoàn độc lập? (Bài 1)

Phan Thanh Hung

Bộ Công an thông tin chính thức về việc bắt bà Châu Thị Thu Nga, ĐBQH TP.Hà Nội

Phan Thanh Hung

VNTB – Việt Nam chưa thể có công đoàn độc lập trước năm 2023

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.