Việt Nam Thời Báo

VNTB – ‘Lỗ thủng’ ở đâu trong quản trị quốc gia?

Thới Bình

 

(VNTB) – Bộ Giao thông Vận tải khi ấy đã không làm đúng phận sự quản lý chuyên trách

 

Vào lúc 18g50 ngày 11-3-2021, chuyến bay Airbus A321 mang số hiệu VJ2723 của hãng hàng không Vietjet Air chở 193 hành khách là công dân Việt Nam xuất phát từ vùng dịch Nhật Bản đã hạ cánh an toàn xuống sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh), khởi động trở lại hoạt động đón các chuyến bay “giải cứu”.

Thông cáo báo chí về sự kiện trên có nội dung như sau: “Đây là chuyến bay “giải cứu” đầu tiên hạ cánh sân bay quốc tế Vân Đồn sau hơn 1 tháng sân bay đóng cửa theo quyết định của Cục Hàng không Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải, để thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19”.

Bộ Giao thông vận tải không được trao quyền… liên can?

Gần một năm sau đó, liên quan đến việc Bộ Công an đề nghị cung cấp thông tin về các chuyến bay “giải cứu”, tối 19-2-2022, Bộ Giao thông Vận tải đã có thông cáo báo chí về vấn đề này, trong đó nhấn mạnh Bộ Giao thông Vận tải không được giao trách nhiệm trong việc đánh giá, tổng hợp nhu cầu, phê duyệt danh sách công dân, cấp phép cho các doanh nghiệp tổ chức các chuyến bay “giải cứu”, chuyến bay “combo”.

Trước đó, vẫn theo nội dung của thông cáo báo chí kể trên, thực hiện chủ trương nhân đạo của Đảng, Nhà nước về tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nhu cầu về nước trong bối cảnh đại dịch Covid-19, theo phân công nhiệm vụ của Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp rất tích cực với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng trong công tác bảo hộ công dân.

Bộ Giao thông Vận tải với vai trò là cơ quan phối hợp, chịu trách nhiệm chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam triển khai phép bay, kế hoạch phục vụ bay cho các chuyến bay theo kế hoạch giải cứu công dân được Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao phê duyệt trên cơ sở ý kiến thống nhất của các bộ, ngành liên quan. Đây là quy trình bắt buộc theo pháp luật về hàng không và thông lệ quốc tế đối với tất cả các chuyến bay.

Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam chịu trách nhiệm thông báo, hướng dẫn các hãng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu trong và ngoài nước, doanh nghiệp khai thác cảng hàng không triển khai thực hiện kế hoạch bay cũng như các quy định phòng chống dịch Covid-19 trên các chuyến bay và tại các cảng hàng không tiếp nhận chuyến bay.

Bộ Giao thông vận tải không được giao trách nhiệm trong việc đánh giá, tổng hợp nhu cầu, phê duyệt danh sách công dân, cấp phép cho các doanh nghiệp tổ chức các chuyến bay “giải cứu”, chuyến bay “combo”. Ngành giao thông vận tải trên tinh thần phối hợp trách nhiệm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tổ chức các chuyến bay một cách sớm nhất nhằm đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng được về nước của bà con. (dừng trích)

“Động cơ” nào về việc “loại” Bộ Giao thông vận tải?

Như vậy nếu đúng như phía Bộ Giao thông vận tải nêu trên, cần có câu trả lời tiếp theo là “động cơ nào” dẫn đến việc quan chức lãnh đạo đã ký quyết định về trách nhiệm trong việc đánh giá, tổng hợp nhu cầu, phê duyệt danh sách công dân, cấp phép cho các doanh nghiệp tổ chức các chuyến bay “giải cứu”, chuyến bay “combo”?

Lưu ý, thời điểm liên quan bay “giải cứu” liên quan hai vị trí quyết định cao nhất là Trưởng Ban phòng chống dịch Covid-19 quốc gia – ông Vũ Đức Đam, và người cấp Phó Trưởng Ban phòng chống dịch Covid-19 quốc gia là ông Nguyễn Xuân Phúc, khi ấy là Thủ tướng chính phủ.

Nghi vấn trên có căn cứ, vì được biết, trong văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải, Cơ quan điều tra Bộ Công an đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị cung cấp tài liệu làm rõ chủ trương tổ chức các chuyến bay “giải cứu” (không trả phí) và chuyến bay “combo” (có trả phí) đưa công dân Việt Nam về nước bắt đầu từ thời điểm nào?

Căn cứ tiêu chí, cơ sở nào để Bộ Giao thông vận tải xét, duyệt cấp chuyến bay và các quy trình, thủ tục xử lý việc xét duyệt cho hãng hàng không bay “combo”, “giải cứu” như thế nào?

Cơ quan điều tra đề nghị cung cấp danh sách chi tiết hãng hàng không, chuyến bay (thời gian, số hiệu máy bay, sân bay cất, hạ cánh) và các doanh nghiệp đã được Bộ Giao thông vận tải cấp phép triển khai các chuyến bay “giải cứu”, “combo”; Danh sách công dân từ nước ngoài về trên các chuyến bay “giải cứu” và hợp đồng, chi phí thanh toán của từng chuyến bay, điều kiện để công dân về nước trên các chuyến bay này cũng được yêu cầu làm rõ.

Bộ Công an còn đề nghị cung cấp danh sách cá nhân tại Bộ Giao thông vận tải làm nhiệm vụ tiếp nhận, xét duyệt cho hãng hàng không, doanh nghiệp thực hiện bay “combo”, “giải cứu”…

Căn cứ để Bộ Công an có văn bản đề nghị trên, đó là theo Luật Tổ chức Chính phủ thì “Bộ Giao thông vận tải là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công theo quy định của pháp luật”.

Do đó rất cần làm rõ vì sao trong chức trách của mình, khi ấy Bộ Giao thông vận tải không làm đúng phận sự quản lý chuyên trách, góp phần đưa đến những tai tiếng của các chuyến bay “giải cứu”, “combo”…


Tin bài liên quan:

VNTB – Lương Tam Quang làm Bộ trưởng Công an đúng như… tin đồn

Bùi Ngọc Dân

VNTB – “Covid trong nhà tù” – “Covid trong nhà dân”

Phan Thanh Hung

VNTB – Chuyến bay đưa người Việt Nam về nước thời gian qua đã được thực hiện thế nào?

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo