Việt Nam Thời Báo

VNTB – Lời kêu cứu của bà con vườn rau Lộc Hưng

VNTB

(VNTB) – Ngày thứ bảy 11-11-2023 đã đi qua trong căng thẳng trước nguồn tin chính quyền sẽ ‘đổ quân’ gây áp lực với bà con khu vườn rau Lộc Hưng.

 

Những ngày cuối tuần, ở các con hẻm gần khu vườn rau Lộc Hưng đã được ‘chăm sóc’ kỹ bởi lực lượng công an sắc phục lẫn thường phục. Phía nhà chức trách nơi đây đang đến các khu xóm nơi mà người dân vườn rau Lộc Hưng đang ở trọ để ‘vận động’ ra phường để làm thủ tục đền bù cho chuyện đất đai ở khu vườn rau Lộc Hưng đã bị nhà nước ‘cưỡng chế’ ở tuần lễ giáp Tết Kỷ Hợi 2019.

Một đại diện của nhóm bà con vườn rau Lộc Hưng đang theo đuổi về pháp lý vụ việc này cho biết như sau bằng văn bản hẳn hòi:

“Trong khi lãnh đạo ngoài trung ương Hà Nội có văn bản đề nghị UBND TP.HCM gặp mặt trao đổi với bà con dân oan vườn rau Lộc Hưng để tìm giải pháp dung hoà tốt giữa 2 bên chính quyền và người dân, thì UBND quận Tân Bình lại giở chiêu trò “Phép vua thua lệ làng”, dám ngang nhiên không tuân thủ đề nghị của Trung ương mà đi dán thông báo rằng sẽ khởi công công trình ngay trên mảnh đất vườn rau Lộc Hưng vào tháng 12 này, khi chưa có sự đồng ý của người dân đang sinh sống tại đây.

Chúng tôi là dân oan vườn rau Lộc Hưng cực lực lên án dã tâm này của UBND quận Tân Bình và UBND TP.HCM.

Trong khi phái đoàn Liên hiệp quốc về nhân quyền đang có mặt tại TP.HCM mà UBND quận Tân Bình và UBND TP.HCM lại âm mưu, cấu kết với nhau để toan tính thi công công trình trái pháp luật trên khu đất vườn rau Lộc Hưng của chúng tôi, chứng tỏ UBND quận Tân Bình và UBND TP.HCM coi thường sự bang giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, và có âm mưu phá hoại sự bang giao đó, khiến cho Việt Nam bị thế giới coi khinh. Đó là tội ác của UBND quận Tân Bình và UBND TP.HCM.

Vì tình thế rất cấp bách, chỉ còn 1 tháng nữa là UBND quận Tân Bình và UBND TP.HCM sẽ khởi công công trình trên khu đất vườn rau Lộc Hưng của chúng tôi, nên trước mắt, trong tình thế đặc biệt nghiêm trong này, chúng tôi những dân oan vườn rau Lộc Hưng, có các đề nghị sau:

1-  Đề nghị ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương, tiếp tục có văn bản chính thức ngăn cản hành vi trái pháp luật của UBND quận Tân Bình và UBND TP.HCM trên khu đất vườn rau Lộc Hưng thuộc quyền sở hữu của chúng tôi. Vì chính ông trước đây, sau khi trực tiếp đối thoại với chúng tôi nhiều lần, đã có văn bản như thế mà hiện nay UBND quận Tân Bình và UBND TP.HCM ngang nhiên bỏ ngoài tai, không coi đề nghị của ông ra gì.

2- Đề nghị Ban thanh tra chính phủ lập đoàn công tác xuống làm rõ ngọn ngành về mảnh đất vườn rau Lộc Hưng để có hướng xử lý rốt ráo.

3- Đề nghị UBND quận Tân Bình và UBND TP.HCM chấm dứt ngay việc tuyên truyền trái pháp luật, cũng như bỏ ngay dã tâm đòi khởi công công trình trên khu đất vườn rau Lộc Hưng của chúng tôi vào tháng 12 này”.

Tóm tắt về chuyện… khiếu nại – khiếu kiện của bà con vườn rau Lộc Hưng: Ngày 17-1-2019, với sự trợ giúp pháp lý của nhóm luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM, người dân Lộc Hưng đã cùng nhau mang đơn kêu cứu khẩn cấp đến một số cơ quan Nhà nước tại TP.HCM. Tại trụ sở Ban tiếp công dân thành phố (thuộc Văn phòng UBND TP.HCM), đại diện cơ quan này đã tiếp xúc với 5 người, đại diện cho 172 hộ dân hiện diện tại Ban tiếp công dân thành phố (theo số liệu ghi trong biên bản tiếp công dân).

Cũng theo biên bản tiếp công dân, đại diện các hộ dân đề nghị lãnh đạo thành phố tiếp bà con tại khu vườn rau Lộc Hưng – phường 6 quận Tân Bình – để giải quyết ngay việc cưỡng chế khoảng 200 căn nhà vào ngày 4 và 8-1-2019.

Đại diện Ban tiếp công dân thành phố ghi nhận ý kiến và sẽ xem xét xử lý theo quy định. Cuộc tiếp xúc diễn ra từ 8g đến 8g15p cùng ngày.

Một trong năm đại diện tham gia cuộc tiếp xúc là bà Nguyễn Thị Thái, cũng là hộ cuối cùng có nhà bị lực lượng cưỡng chế giật sập. “Tôi không dám nhìn”, bà Thái bần thần. Người đàn bà 64 tuổi gắn bó với vườn rau từ khi theo cha mẹ di cư vào Nam năm 1954. Bà lớn lên ở đây. Lấy chồng ở đây. Sinh con cũng ở đây. Sáu người con, 5 đứa cháu cũng thế.

Ngồi bên đống đồ đạc ngổn ngang, bà cho biết gia đình không nhận được “miếng giấy” (thông báo cưỡng chế -PV) từ chính quyền. Đồ đạc chạy không kịp. Cái gì còn cái gì mất cũng không biết. Từ thuở cha sanh mẹ đẻ mới “thấy” cảnh màn trời chiếu đất. Không biết nương tựa vào đâu. Hai vợ chồng đã lớn tuổi. Sống nay chết mai. Chỉ thương đàn con đàn cháu không biết bám víu vào đâu. Năm cháu, sáu con chưa kể dâu rể đều sống cùng với vợ chồng già.

“Tôi khổ thì mọi người cũng khổ”, bà Thái nghẹn ngào, không biết nói gì thêm.

“Ngoài đường” – là hai chữ mà bà Ngô Thị Nga dùng để diễn tả nơi tá túc của gia đình khi chỉ còn non tháng nữa là đến Tết cổ truyền. Bà về làm dâu vườn rau Lộc Hưng từ năm 1986. Trồng rau mà sống. Trải qua hằng chục năm canh tác, đất đai ngày càng bạc màu, chưa kể cánh đồng thường xuyên ngập úng do nước mưa, nước thải… Không thể tiếp tục canh tác, năm 2012 gia đình cất nhà trọ cho thuê, làm kế sinh nhai.

Cũng như bà Thái, bà Nga cho biết không nhận được thông báo từ chính quyền trước khi tiến hành cưỡng chế. “Còn chút xà bần cũng không bán được. Tiền nhận rồi phải trả lại vì xe của bên mua không được phép vào”, bà Nga uất ức.

… Giờ thì cứ đến cuối tuần thì họ lại lục tục trở về, rì rầm cầu nguyện trước đài Đức Mẹ. Công trình duy nhất còn vẹn nguyên trên “vườn rau Lộc Hưng”.


Tin bài liên quan:

VNTB- Dân oan Châu Thị Giá: huyện ép xã, tòa án và báo chí coi thường dư luận

Phan Thanh Hung

VNTB – Bạn ơi, cách mạng dân oan là gì?

Do Van Tien

VNTB – Liệu Luật đất đai sửa đổi lại có bị lùi?

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.