Nguyễn Nam
(VNTB) – Ông Lê Minh Tấn chưa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hệ bổ túc hay bằng tốt nghiệp đại học nhưng có trình độ thạc sĩ Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước; cao cấp lý luận chính trị.
Đó là một phần của văn bản kết luận các nội dung tố cáo ông Lê Minh Tấn, nguyên Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM.
Thứ nhất, đối với nội dung tố cáo ông Lê Minh Tấn tự ký quyết định công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” cho bản thân từ năm 2017 đến nay dù bị UBND TP.HCM xử lý kỷ luật năm 2016, phê bình liên tục từ năm 2017 và bị UBND TP.HCM xem xét trách nhiệm trong việc bổ nhiệm cán bộ, viên chức sai quy định theo đơn tố cáo, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu theo kết luận của Thanh tra TP.HCM năm 2020 là không có cơ sở.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2019-2020, UBND TP.HCM đã thông qua kết luận tố cáo số 3937 năm 2019 và kết luận tố cáo số 4474 năm 2020. Do đó, việc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị UBND TP.HCM tặng Bằng khen của UBND TP.HCM cho ông Lê Minh Tấn vì đã có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hai năm liên tục (2019 – 2020) là chưa phù hợp quy định.
Thứ hai, đối với nội dung tố cáo ông Lê Minh Tấn có biểu hiện khai khống, khai gian để được cử đi học và được quy hoạch, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo trong hệ thống Đảng, Nhà nước là không có cơ sở. Do trong mẫu lý lịch 2C của ông Tấn khai ngày 16-4-2009 do UBND huyện Củ Chi xác nhận đều có khai cụ thể rõ ràng.
Ông Tấn giữ ngạch chuyên viên chính, có trình độ Thạc sĩ xây dựng Đảng và chính quyền, cao cấp lý luận chính trị. Do đó, việc tố cáo ông Lê Minh Tấn không đủ năng lực về trình độ học vấn và trình độ chuyên môn là không có cơ sở.
Tuy nhiên, khi chưa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hệ bổ túc, bằng tốt nghiệp đại học, chưa được bổ nhiệm ngạch công chức theo quy định mà ông Lê Minh Tấn được cử đi học các lớp đào tạo, bồi dưỡng, hưởng lương chuyên viên, chuyên viên chính, bổ nhiệm giữ chức vụ, lãnh đạo, quản lý là chưa đúng quy định.
Thứ ba, đối với nội dung tố cáo ông Lê Minh Tấn sử dụng xe công và tài xế của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phục vụ mục đích cá nhân từ năm 2016 đến nay là không có cơ sở.
Theo UBND TP.HCM, việc ông Tấn sử dụng xe công vì mục đích phục vụ nhu cầu công tác, và xe được gửi tại nhà xe Văn phòng Huyện uỷ Củ Chi không phải để tại nhà riêng của ông Tấn tại huyện, và nhà của tài xế ở này ở Củ Chi, để thuận lợi trong công việc nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị.
Tuy nhiên, việc tập thể thường trực Đảng ủy và tập thể Ban Giám đốc Sở lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM chấp thuận tạo điều kiện cho ông Lê Minh Tấn sử dụng xe cơ quan đi công tác tại các tỉnh, kết hợp về huyện Củ Chi và xe cơ quan gửi tại nhà xe Văn phòng Huyện ủy huyện Củ Chi là chưa phù hợp, dễ gây hiểu lầm, bức xúc trong dư luận.
Từ kết luận trên, có các vấn đề sau đây cần được sáng tỏ để tránh điều tiếng trong vấn đề xây dựng cán bộ nguồn của Đảng.
Trước hết là không thể hạ chuẩn kiến thức khi một cán bộ chưa tốt nghiệp trung học – dù là hệ bổ túc (hiện nay gọi là giáo dục thường xuyên), lại có thể hoàn tất học vị Thạc sĩ xây dựng Đảng và chính quyền, cao cấp lý luận chính trị. Bởi học vụ thạc sĩ chỉ được cấp cho những người nghiên cứu chuyên sâu thông qua chương trình đào tạo thạc sĩ thuộc một chuyên ngành nào đó.
Đây là chương trình đào tạo sau đại học nên chỉ có những người đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành mới được đăng ký chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành tương ứng.
Gian lận trong kê khai học vấn thì thực tế người đó khó thể có năng lực quản trị chuyên ngành thực sự để có thể giữ chức vụ giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM.
Trong một diễn biến liên quan xảy ra hồi năm 2020, UBND TP.HCM đã có kết luận nội dung tố cáo giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Minh Tấn trong việc bổ nhiệm giám đốc và phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM đối với bà Võ Thị Thanh Kim và ông Võ Thanh Quang.
Theo nội dung tố cáo, việc bổ nhiệm công chức ngạch chuyên viên đối với bà Kim là không đủ điều kiện vì bà chỉ có chứng chỉ tin học trình độ A, không có chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên. Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bà Kim tốt nghiệp ngành tài chính kế toán, không phù hợp với chức vụ giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xã hội.
Còn với ông Võ Thanh Quang, đơn tố cáo ghi rằng ông không có chuyên môn, nghiệp vụ, không có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên, không có trình độ tin học, ngoại ngữ theo tiêu chuẩn lãnh đạo cấp phòng hoặc tương đương thuộc sở. Đơn cũng cho rằng ông chưa tốt nghiệp trung học phổ thông.
Theo giải trình của giám đốc Lê Minh Tấn, ông Quang được bổ nhiệm lần đầu năm 1985 giữ chức vụ phó hiệu trưởng Trường Giáo dục lao động Phú Văn. Từ tháng 11-2004, ông được điều động bổ nhiệm giữ chức vụ phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xã hội thành phố. Việc điều động bổ nhiệm và bổ nhiệm lại đối với ông Quang đều căn cứ vào quá trình công tác trước đó. Ngày 5-12-2014, giám đốc sở ban hành Quyết định số 278/QĐ-SLĐTBXH-TC bổ nhiệm lại ông Quang giữ chức Phó giám đốc trung tâm.
Tại thời điểm xác minh, Thanh tra TP.HCM ghi nhận ông Quang khi được bổ nhiệm lại chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo các quy định hiện hành. Tuy nhiên, trách nhiệm này thuộc về các thời kỳ giám đốc sở trước đây.
Ở điểm này, theo ý kiến người tố cáo, mặc dù ông Lê Minh Tấn không phải là người ký quyết định bổ nhiệm và bổ nhiệm lại đối với ông Quang, nhưng trong cương vị lãnh đạo, ông Tấn phải có trách nhiệm rà soát lại điều kiện, tiêu chuẩn đối với các chức danh từ cấp phó và trưởng phòng hoặc tương đương. Qua rà soát, nếu phát hiện trường hợp không đủ điều kiện thì phải thu hồi quyết định bổ nhiệm và bố trí công việc khác phù hợp.
“Xét thấy ông Lê Minh Tấn tham gia cách mạng từ năm 1972, năm ông Tấn chín tuổi và là con của liệt sĩ, cán bộ tiền khởi nghĩa, UBND TP.HCM phê bình nghiêm khắc đối với ông Lê Minh Tấn về những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao” – trích văn bản kết luận các nội dung tố cáo ông Lê Minh Tấn, nguyên Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM.
1 comment
Tội cho ô.Tấn, người ta cơ cấu đến mức như vậy mà lộ ra là tội tại ông. Ráng mà chịu. Dân đâu có dư cơm mà nuôi mãi.