Việt Nam Thời Báo

VNTB – Lỗi ở sách giáo khoa hay ở việc giảng dạy?

Thới Bình

(VNTB) – Sách giáo khoa bây giờ là mỏ vàng của các nhà “giáo dục” (lớn) với đủ thứ lý sự cao siêu…

Sự khác biệt về nội dung, cấu trúc trong mỗi bộ sách khó khăn cho việc ra đề thi chung, học sinh chuyển trường phải mua lại sách giáo khoa, khó tiếp cận kiến thức…

Quốc hội Việt Nam đang diễn ra tranh luận rằng liệu có nên trở lại với việc thống nhất cả nước chi có một bộ sách giáo khoa theo đúng định hướng của Đảng về giáo dục.

Một báo cáo về vấn đề sách giáo khoa của đoàn giám sát thuộc Quốc hội, ghi nhận rằng mặc dù có nhiều nhà xuất bản tham gia làm sách giáo khoa, có nhiều bộ sách giáo khoa, nhưng giá sách không giảm, mà thực tế đang tăng. Giá sách giáo khoa môn tiếng Anh cao hơn nhiều so với các môn học còn lại nhưng không sử dụng được nhiều lần.

Liên quan chi phí phát hành sách giáo khoa, theo báo cáo là cao, chưa hợp lý so với các mặt hàng thiết yếu.

Theo đó, mức tối đa phí phát hành (chiết khấu) sách theo chương trình mới cho các đơn vị đầu mối phát hành là các công ty cổ phần sách và thiết bị giáo dục miền, công ty cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục miền phục vụ năm học 2020-2021, 2021-2022, cụ thể: Đối với sách giáo khoa là 29% giá bìa, sách bài tập là 33%, sách giáo viên là 15%. Năm học 2022-2023, đối với sách giáo khoa là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35%, sách giáo viên là 15%.

Báo cáo cũng chỉ rõ việc biên soạn sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn nhiều lúng túng. Việc triển khai thực hiện chủ trương “xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa” có một số nội dung chưa phù hợp với quan điểm của Đảng, Nhà nước về thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục…

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa của Nhà nước, hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là chưa phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước…

Xem ra thì “quan điểm của Đảng, Nhà nước” là lý do chính của chuyện cần kết thúc việc cạnh tranh trong sử dụng sách giáo khoa do các nhóm tư nhân biên soạn. Điều này cho thấy Hà Nội đã không chấp nhận kế thừa những gì mà nền giáo dục ở miền Nam trước đây trong chuyện sách giáo khoa.

Nhân chuyện sách giáo khoa ‘tư – công’ đang trên bàn nghị sự ở Quốc hội, nhà báo Vũ Thế Thành – một người bạn vong niên của người viết bài này, nói rằng ông nhớ đến thời niên thiếu tiểu học.

Ông kể: “Hồi nhỏ tôi học trong sách Tập đọc lớp Năm (lớp Một bây giờ) là Tô canh hẹ. Chuyện kể đại khái có một người bị tội phải giam trong ngục. Lính gác đưa vào cho người tù tô canh hẹ. Anh ta cầm tô canh không ăn, chỉ nức nở khóc. Anh lính hỏi vì sao, người tù trả lời, ở nhà tôi thích canh hẹ, mẹ tôi thường nấu cho tôi ăn. Nhìn tô canh hẹ này, tôi chắc mẹ tôi nấu canh lặn lội đường xa đến thăm nuôi tôi. Tôi chưa báo hiếu ngày nào, lại để mẹ già khổ cực vì tôi thế này, nên tôi khóc.

Truyện chỉ có thế, hai trang: một trang in chữ to, trang kia là hình minh họa. Tôi còn nhớ tranh vẽ người lính mặc đồ như lính thú ngày xưa, đội nón lá đứng nhìn, còn người tù ngồi bệt dưới đất, mặc áo rách, một chân co lên, hai tay bưng tô canh trước mặt, nước mắt rơi lã chã.

Phần kết câu chuyện là anh lính gác nghe chuyện, thấy cảm động, trình lên quan, và quan đã tha tội cho người tù.

Ngày trước, ở miền Nam, sách giáo khoa được tự do biên soạn theo chương trình khung của Bộ Giáo dục, dài chừng hai trang giấy cho mỗi môn học, mỗi cấp lớp. Sách nào viết hay thì thầy cô giới thiệu với phụ huynh, chứ không có người chủ biên hay nhóm biên soạn, rồi thêm hội đồng đánh giá, thẩm định bạc tỷ…

Thật ra, Trung tâm Học liệu thuộc Bộ Giáo dục cũng nhờ người biên soạn sách giáo khoa, xuất bản. Sách in đẹp, bìa dày, giấy trắng, giá rẻ vì được viện trợ từ cơ quan văn hóa Hoa Kỳ, nhưng… bán ế, vì chẳng học sinh nào dùng, và cũng không có thầy cô nào giới thiệu nên dùng.

Quyển Tập đọc lớp Năm đó, tôi nhớ mang máng do nhà xuất bản tư nhân Thanh Đạm nằm dưới chân cầu Trương Minh Giảng ấn hành, nhưng không nhớ tác giả biên soạn là ai. Còn nhiều câu chuyện hàng tuần khác tương tự như Tô canh hẹ trong sách này, đến giờ vẫn còn trong đầu tôi như in, thậm chí cả hình minh họa.

Sách giáo khoa bây giờ là mỏ vàng của các nhà “giáo dục” (lớn) với đủ thứ lý sự cao siêu trong đấy. Những thứ cao siêu này sẽ đeo đuổi cuộc đời học sinh sau này. Khi nào chúng hiểu ra sự thật về “mặt trời chân lý”, thì lúc đó mặt trời không còn “chói qua” tim, mà sẽ đốt cháy con tim…”.

Kết thúc câu chuyện, nhà báo Vũ Thế Thành nói rằng câu chuyện Tô canh hẹ và người tù đã gây ấn tượng và kéo dài suốt sáu mươi năm sau trong đầu một đứa trẻ như ông, “vậy thì có xứng đáng nằm trong sách giáo khoa lớp Một không? Có phải là một trong những chỉ tiêu giáo dục nhân cách cho trẻ không? Tôi không đủ tư cách trả lời câu hỏi này”.


Tin bài liên quan:

VNTB – Lũng đoạn thị trường bất động sản: trách nhiệm thuộc về ai?

Phan Thanh Hung

VNTB – Vì còn Đảng còn mình nên “Đảng bảo gì, làm đấy”

Do Van Tien

VNTB – Về hội nhập giáo dục quốc tế

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo