Việt Nam Thời Báo

VNTB – Lỗi từ việc Đảng phân công cán bộ

Thới Bình

(VNTB) – “Bộ Chính trị điều động, phân công…” là mẫu câu mở đầu quen thuộc khi có sự thay đổi nhân sự ở cấp cao trong bộ máy quản trị quốc gia.

Như vậy từ diễn biến vụ Việt Á xảy ra trên diện rộng với hàng chục cán bộ bị khởi tố, bắt tạm giam mà gần đây nhất là Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho thấy có vấn đề khi chọn người, giao trọng trách của Đảng, nhà nước.

Đây là hệ lụy của vấn đề trong chọn cán bộ hiện nay là việc lựa chọn còn bó hẹp, chưa rộng rãi và công khai. Nếu chọn người rộng rãi hơn, công khai hơn, minh bạch hơn thì chắc chắn người tài sẽ xuất hiện.

Đừng mơ sạch bóng tham nhũng

Một quan chức ngành công an nhìn nhận không thể trông đợi một ngày nào đó Việt Nam sẽ sạch bóng tham nhũng. Bởi tham nhũng là căn bệnh cố hữu của nhà nước, chỉ là ở mức độ nào mà thôi.

Có ý kiến là sở dĩ ở Việt Nam cán bộ hay tham nhũng vì họ không hề vấp phải sự cạnh tranh quyền lực đảng phái nào trong ghế ở Quốc hội. Chính điều này cho thấy hệ thống giám sát quyền lực dẫu có chặt chẽ đến đâu thì đó cũng là chuyện nội bộ của một đảng cầm quyền duy nhất. Đã vậy ở Việt Nam cho đến hiện tại báo chí cũng “một màu”, tất cả đều phải tuân theo chỉ đạo gọi là “định hướng tuyên truyền” của cơ quan Tuyên giáo trung ương.

Những quan chức ngã ngựa vì được cho là nhúng chàm trong vụ kit test Việt Á, thực ra cũng chỉ là phần nỗi của tảng băng chìm trong chuyện “phân công cán bộ”.

Nếu thực sự có những “phân công” người tài mà không nhìn vào lý lịch có “đảng viên” hay không, thì có lẽ sẽ không có hàng loạt vấn đề sau trong ngành y tế ở lúc dịch giã Covid vừa qua.

Theo nhận xét của cựu phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, dược sĩ Phạm Khánh Phong Lan, thì đã có nhiều hy sinh, mất mát trong cuộc chiến chống dịch vừa qua, khi có hơn 22.000 đồng bào ra đi vì Covid-19, chưa kể nhiều bệnh nhân khác thiệt mạng gián tiếp do chưa được chăm sóc tốt.

Là người từng tham gia quản lý, bà Lan cho rằng, “Cần xem lại thực trạng hệ thống y tế cơ sở, hiện chỉ 30% ngân sách dành cho y tế dự phòng, y tế cơ sở cũng không đáng kể gì đâu so với nhu cầu. Trong khi nhiều địa phương thực hiện việc này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do đó cần có chính sách xuyên suốt, chủ trương quan điểm chỉ đạo của Chính phủ với Bộ Y tế về xây dựng y tế cơ sở”.

Chọn “Người biết làm” hay “người theo ý Đảng”?

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, việc xây dựng y tế cơ sở không chỉ cần tiền mà cần thu hút được nguồn nhân lực có trình độ cao. Bà Lan chỉ ra chính sách hiện nay chắp vá, thay đổi liên tục. Đơn cử như từ trung tâm y tế quận huyện chia làm ba phần bệnh viện, y tế dự phòng, phòng y tế…, dẫn tới bệnh viện chưa phải là bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng què quặt, còn phòng y tế chỉ làm công việc hành chính, đã yếu còn thiếu. Hoặc tại TP.HCM, khi dịch bùng phát, tất cả trung tâm y tế dự phòng và bệnh viện quận huyện thuộc Sở Y tế, nên khó khăn trong điều phối lực lượng.

Về hệ thống điều trị, bà Phạm Khánh Phong Lan cũng cho rằng đây là phép thử để nhìn lại năng lực điều trị, bởi “chỉ một cơn dịch tan tác hết”. Trong khi đó, bệnh viện là các đơn vị sự nghiệp, chưa được chuẩn bị cơ sở về pháp lý, kiến thức cần thiết để đảm bảo cung ứng trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc và đặc biệt là cơ chế tài chính.

“Ta nói Covid-19 thì ngân sách nhà nước lo, nhưng phân công giữa cơ chế bảo hiểm và ngân sách chưa rõ ràng, gây khó khăn trong việc thanh toán. Ví dụ như việc xét nghiệm, nếu rạch ròi giữa bảo hiểm và cơ chế đấu thầu chặt chẽ thì chắc không có tình trạng loạn giá xét nghiệm”, bà Lan nhận định.

Cũng theo bà Lan, trong khi nguồn lực y tế thiếu, yếu thì chính sách lại “bỏ quên” lực lượng y tế tư nhân, chưa được huy động kịp thời và chưa có cơ chế tham gia. Tư tưởng “muốn bao cấp, theo giá nhà nước” khiến y tế tư nhân không tham gia được. Dẫn tới vắc-xin cũng chưa thể triển khai dịch vụ, trong khi đây là hình thức có thể huy động xã hội đóng góp.

Trước những vấn đề trên, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng cần thay đổi quan điểm, bởi “những gì ta phải trả giá” là do chủ trương chính sách chưa đầu tư đủ mạnh cho hệ thống y tế cơ sở. Theo bà, bất cứ ngành nào cũng có tiêu cực, tích cực, nhưng với ngành y tế, mục đích là phục vụ người bệnh, nên phải làm sao tạo điều kiện cho nhân viên y tế, các cán bộ quản lý có cơ hội, môi trường phát triển y đức.

“Không thể để cứ xảy ra chuyện ta lại sử dụng biện pháp hành chính, biện pháp hình sự. Tôi là người trong ngành y tế rất đau lòng và người dân sẽ phải trả giá cho việc đó”, bà Lan nói.

Ở đây thật ra có vấn đề mang tính cốt lõi mà bà Lan tránh đề cập trực tiếp, đó là chuyện chọn lựa “người biết làm”, chứ không nên là “người theo ý Đảng”.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Phải có ai chịu trách nhiệm chứ?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Những chiếc đồng hồ bị “phong ấn”

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Kit test Việt Á hay 2 cuộc chiến thắng 2/1979 và Vị Xuyên 1984-1989 giết nhiều người Việt hơn?

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo