Nguyễn Nam
(VNTB) – Trong ngày 30-6, Việt Nam Thời Báo có đến 3 bài viết cùng liên quan chủ đề đất đai, và đều cùng biện giải, rằng việc quyền sở hữu đất đai của người dân bị xâm hại có hệ thống lớp lang pháp luật, nên đã đưa đến những huyết án như vụ Đồng Tâm (*).
Tiếp theo đây là những ghi nhận thắc mắc của người dân xoay quanh chủ đề luôn nóng về lãnh vực đất đai.
Xin được nói rõ, đây là ghi nhận ý kiến để tìm hướng giải quyết thích hợp, chứ không phải là tập hợp những nội dung mang tính kích động, đả phá chính sách đất đai. Tháo gỡ được “nút thắt” này, phần nào cũng sẽ giúp tránh được nhiều khiếu kiện kéo dài, và gây bức xúc như đã diễn ra trong thời gian vừa qua:
+ Vì sao việc phê duyệt đồ án 1/2000 cho một chủ đầu tư, cơ quan có thẩm quyền không yêu cầu chủ đầu tư phải chứng minh nguồn tài chính thực hiện dự án trong hai năm, cũng như sự đồng thuận của 80% người dân (tức là người bán) trong khu quy hoạch về giá cả đền bù của dự án?
+ Theo ý kiến của nhiều chuyên gia độc lập và một số đại biểu trên nghị trường Quốc hội, thì tất cả các vấn đề phức tạp từ đất đai hiện nay sẽ không thể giải quyết được nếu vẫn quy định sở hữu toàn dân về đất đai. Các vị trong Bộ Chính trị có thể chia sẻ quan điểm này công khai trên báo chí, và có chấp nhận những phản biện lại các quan điểm đó mà không phải ngại đe dọa của chiếc mũ chống đối?
+ Có ý kiến là cứ việc bảo thủ quan điểm giữ nguyên sở hữu toàn dân về đất đai, nhưng cần coi đó là khái niệm chính trị, chứ không phải là khái niệm kinh tế, và xác định sự sở hữu thực tế là quyền sở hữu chắc chắn của người nắm giữ tài sản. Ý kiến này được đưa vào chương trình nghị sự ra sao trong đại hội Đảng lần thứ 13?
+ Hiến pháp quy định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”. Vậy trường hợp: Một dự án quy hoạch đất chưa được đại đa số nhân dân ủng hộ, thậm chí đa số phản đối, thì luật pháp nên thuận theo ý của nhân dân – chủ thể sở hữu: “sở hữu toàn dân”!, là hủy bỏ (tạm dừng, sửa đổi) dự án? Hay ủng hộ nhà nước – chủ thể sở hữu “quyền quản lý” đất!, tiến hành thu hồi đất?
+ Luật Đất đai không quy định rõ chế tài dành cho người vi phạm các quy định về trình tự thủ tục phê duyệt 1 dự án, hoặc trình tự thủ tục hủy bỏ 1 dự án, các biện pháp bồi thường cho dân có đất thuộc quy hoạch treo quá 5 năm nhưng không được nhận tiền bồi thường?
Cơ quan nào đủ thẩm quyền để xét xử các sai phạm về quy hoạch và bồi thường cho dân. Trên thực tế chưa có tiền lệ về việc dân thắng kiện đối với các sai phạm của các cá nhân đại diện cho UBND, hoặc đại diện cho cho các cơ quan có thẩm quyền về quản lý đất đai?
Liệu hàng loạt vấn đề trên sẽ được giải quyết căn cơ ra sao ở nhiệm kỳ mới của Đảng?
….
__________________
Chú thích:
(*) https://vietnamthoibao.org/vntb-luat-dat-dai-dang-chinh-tri-hoa-ve-quan-he-dan-su/;
https://vietnamthoibao.org/vntb-quy-hoach-dat-dai-chiu-su-chi-phoi-loi-ich-nhom-quyen-luc-chinh-tri/;
https://vietnamthoibao.org/vntb-nhung-bien-toai-doan-van-vuon-can-thi-theu-o-viet-nam/