VNTB – Khi đảng viên chức sắc nhúng chàm, lẽ nào Bí thư ‘bề trên’ phủi tay?

VNTB – Khi đảng viên chức sắc nhúng chàm, lẽ nào Bí thư ‘bề trên’ phủi tay?

Nguyễn Nam

(VNTB) – Trên trang thông tin điện tử của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cho biết, trong hai ngày 27 và 28/4/2020, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 44, và đưa ra đề nghị ‘trảm’ nhiều quan chức cấp cao trong đảng cộng sản. (*)

Vấn đề đặt ra: có phải thượng bất chính nên hạ tất loạn?

Một tin tức liên quan cho câu hỏi ở trên: Trước khi bắt đầu phiên xử phúc thẩm sáng ngày 4-5-2020, bị cáo Trần Văn Minh, cựu Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, đề nghị tòa bổ sung chức danh trong lý lịch: nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương.

Ông Lê Viết Chữ, Bí thư tỉnh Quảng Ngãi người nằm trong danh sách kỷ luật đảng mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa đưa ra, có lý lịch là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12.

“Đồng liêu” ở Quảng Ngãi với ông Chữ cũng bị đề nghị kỷ luật đảng, là ông Trần Ngọc Căng, từng giữ chức vụ Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, nhiệm kỳ 2010-2015, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, đại biểu HĐND tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2011- 2016. Sáng ngày 30/6/2016, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi khóa XII, nhiệm kỳ 2016-2021 đã họp bầu Trần Ngọc Căng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2011 – 2016, tái đắc cử chức vụ Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, nhiệm kỳ 2016-2021, với 54/54 phiếu bầu, đạt tỉ lệ 98,18%.

Trong danh sách đề nghị kỷ luật đảng mới nhất, còn có ông Nguyễn Văn Hiến là một tướng lĩnh về hưu của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông từng là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (2009 – 2016), Tư lệnh Quân chủng Hải quân Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XII Hải Phòng. Ông là người Việt Nam thứ hai được thăng hàm Đô đốc Hải quân, tương đương Thượng tướng, sau Đô đốc Giáp Văn Cương. Trong Đảng Cộng sản Việt Nam, ông là Ủy viên Quân ủy Trung ương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X và khóa XI.

Như vậy, nếu đúng như yêu cầu thường được nhắc nhở ở những lớp bồi dưỡng chính trị định kỳ, về “quán triệt quan điểm Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đề cao, phát huy vai trò trách nhiệm tổ chức và người đứng đầu tổ chức”, thì rõ ràng là vẫn còn khoảng trống trách nhiệm về quyền lực của chuyện “thành tích thì nhận về người đứng đầu, còn thiếu sót, khuyết điểm thuộc về tập thể”.

Nói một cách khác, người đứng đầu Bộ Chính trị, tức ‘bề trên’ tối cao của đảng chính trị, cần phải chịu mọi trách nhiệm về vấn đề xảy ra với chuỗi sai phạm mang tính hệ thống, của rất nhiều quan chức đảng viên như trong bảng ‘phong thần’ mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa công bố tại kỳ họp vào cuối tháng 4-2020.

Ghi nhận đến hiện tại, qua hệ thống văn kiện của đảng chính trị và cả quy định pháp luật, cho thấy quan hệ giữa trách nhiệm của người đứng đầu với trách nhiệm tập thể – bao gồm trách nhiệm tập thể lãnh đạo, cấp ủy và chính quyền, là mối quan hệ đan xen, khó xác định rõ ràng thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn, dẫn đến khó xác định trách nhiệm của người đứng đầu cũng như cơ sở để xem xét, xác định trách nhiệm, nên khó làm rõ ai sẽ chịu hậu quả và trách nhiệm.

Việc ‘trảm’ những quan chức trong đảng chính trị, ở bối cảnh không có sự cạnh tranh giữa các đảng phái, dễ đưa đến ngờ vực về thanh trừng nội bộ, củng cố thế lực phe nhóm; và lại tiếp tục là câu chuyện của diễn biến sắp tới đây cho ‘phò thịnh, không phò suy’ (!?).

_______________

Chú thích:

(*) http://ubkttw.vn/tin-tuc-thoi-su/-/asset_publisher/bHGXXiPdpxRC/content/thong-cao-bao-chi-ky-hop-44-cua-uy-ban-kiem-tra-trung-uong

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)