Việt Nam Thời Báo

VNTB – Luật hóa “dân chủ”

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Dường như lâu nay “dân chủ” vẫn là chuyện mang tính cảm xúc dựa trên cung bậc thời sự của vụ việc nào đó cần đến những yêu cầu tuyên truyền “đánh bóng” chế độ.

Thực hiện dân chủ ở cơ sở: Là thực hiện các quy định nhằm bảo đảm quyền của nhân dân được biết, tham gia ý kiến, quyết định, thực hiện và giám sát việc thực hiện hoạt động của chính quyền cấp xã, bảo đảm trách nhiệm của chính quyền cấp xã đối với việc thực hiện các quyền dân chủ của nhân dân địa phương.

Hình thức thực hiện dân chủ: Là công khai các nội dung, thông tin hoạt động và các hình thức khác để nhân dân được biết, được tham gia ý kiến, được quyết định, được kiểm tra, giám sát nhằm tăng cường sự tham gia của nhân dân vào hoạt động của chính quyền cấp xã” – trích đề cương dự thảo luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, Bộ Nội vụ chấp bút.

Phía chịu trách nhiệm soạn thảo dự luật nói rằng đây là nội dung nhằm đến việc thể chế hóa quan điểm của Đảng về thực hiện dân chủ ở cơ sở, qua đó với những quy định cụ thể hơn để “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở khi được thông qua và được tổ chức thực hiện tốt sẽ không chỉ là kết quả thể chế hóa đường lối của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, pháp điển hóa các văn bản hiện hành về thực hiện dân chủ ở các loại hình cơ sở; mà còn là cơ sở chính trị, pháp lý để thúc đẩy đại đoàn kết toàn dân tộc và tăng cường, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa” – trích nhận xét của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Như vậy có thể thấy rằng từ phía chấp bút soạn thảo cho đến tổ chức được gọi là “tập họp quần chúng, hội đoàn, tôn giáo” là Mặt trận Tổ quốc đều chung cách nhìn về “dân chủ” trong khuôn khổ định hướng của “Đại hội Đảng XIII”, cho thấy ở đây quyền dân chủ chịu sự điều chỉnh của quyền chính trị nên mai này rất dễ đưa đến “quy chụp” khi ai đó cứ ngỡ quyền dân chủ là quyền được nói, được đóng góp ý kiến mà không phải ngại về các lợi ích nhóm đang hiện diện trong bộ máy hành chính của Đảng cầm quyền.

Đơn cử trước khi xảy ra những vụ gọi là “đại án” thì tin tức ngoài xã hội đang “lan” đầy về các nghi vấn mà sau này thành án. Vụ kit xét nghiệm Việt Á, nếu thực hiện dân chủ cơ sở, công khai thông tin Nhà nước phải mua của Việt Á với giá như thế và hải quan cũng công khai thông tin hàng chuyến, hàng tháng Việt Á nhập kit xét nghiệm từ Trung Quốc về bao nhiêu, với giá 0,955 USD/kit, thì chắc chắn không để các địa phương, CDC các tỉnh phải mua với giá Việt Á bán.

Hoặc vụ cựu chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung mua chế phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm nước, nếu công bố công khai cho người dân biết nước hồ này phải xử lý bằng hóa chất này, được mua ở đâu, đơn vị nào cung cấp cho thành phố thì chắc chắn không thể kéo dài từ năm 2016 đến 2020 mới thông báo rằng phát hiện sai phạm.

Tương tự, tất cả các vụ án tham nhũng, từ đặt máy xét nghiệm trong bệnh viện, đấu thầu thiết bị y tế, mua bán tài sản công… đều giống nhau ở chỗ thực hiện rất đúng quy trình, có đầy đủ các cơ quan chức năng tham gia định giá… nhưng cũng đều không minh bạch, không được công khai cho người dân biết. Khi có sai lầm, người dân chỉ nghe thông tin đồn thổi, không chính thống, để rồi đồn thổi lại thành sự thật.

Nếu công khai cho dân biết thì tất cả những vụ này đều có thể được ngăn chặn từ trước. Liệu điều này có được khắc phục bằng chuyện tiếp tục “dân chủ” theo định hướng “Đại hội Đảng XIII” như các tường thuật ở trên?


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Dân chủ ở Việt Nam cũng giống như quyền sở hữu đất đai

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Kích động đình công vì ức chế?

Phan Thanh Hung

VNTB – Trốn thuế: tội danh sẽ thay thế cho các ‘bản án chính trị’?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo