Việt Nam Thời Báo

VNTB – Luật minh bạch tài sản

Nguyễn Phú Trọng

Đỗ Thành Nhân

 

(VNTB) – Đến lúc này không thể ngạo nghễ, đạo đức giả lên giọng “tiền nhiều để làm gì” nữa; mà phải thừa nhận thực tế, nếu không có tiền thì sẽ thua trận trong cuộc chiến chống giặc-dịch Covid-19.

 

1. Chuyện xưa

Hồi nhỏ chưa có TV, buổi tối thường tập trung nghe cụ già kể chuyện, có câu chuyện Tàu như thế này:

Cuối đời Vua cha Càn Long, quốc khố gần như trống rỗng. Vua con Gia Khánh lên ngôi rất lo lắng vì không còn ngân sách để chi tiêu cho quốc gia trong khi thiên tai, dân tình điêu linh ai oán. Trước khi chết Vua cha Thái thượng hoàng Càn Long nói với Vua con Gia Khánh: ngân khố để trong phủ Hòa Khôn.

Hiểu ý, sau khi Vua cha chết được 5 ngày, Vua con cho tịch thu tài sản quan tham Hòa Khôn (Hòa Thân), thu được “Số tài sản nhiều gấp 15 lần ngân khố quốc gia[1]

Vậy là triều đình của Vua con Gia Khánh đạt được nhiều mục đích: (1) Có ngân sách để chi tiêu; (2) Thể hiện là một vị minh quân diệt trừ tham nhũng; (3) Răn đe quan lại triều đình không còn dám tham ô, những nhiễu; (4) Điều quan trọng lấy lại niềm tin của nhân dân vì bị quốc nạn tham nhũng.

Lịch sử ghi nhận: Trong thời gian trị vì của mình, Gia Khánh Đế đã có những hành động nỗ lực khôi phục lại triều Thanh sau một thời gian dài bị lũng đoạn bởi Hòa Thân, một tham quan nổi tiếng dưới thời Càn Long. Một trong những việc nổi tiếng nhất ông làm là hành quyết Hòa Thân, trừ nạn tham nhũng.

(Hình 1. Hòa Thân và biệt phủ không kém Hòa Thân)

2. Chuyện nay

Trong giai đoạn cả nước gồng mình “chống dịch như giặc”, có thể nói như là giai đoạn chiến tranh (nếu xét về số tử vong vì “dịch – giặc hàng ngày”). Vậy mà thông tin từ cuộc họp Chính phủ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 16-9 hàng chục ngàn chiến sĩ, công an đang phòng chống dịch phía Nam đặc biệt tại Bình Dương, Đồng Nai nhưng không còn ngân sách hỗ trợ, giờ chỉ chờ vào tiết kiệm chi, và khoảng 14.620 tỉ[2].

Nếu chiến tranh thực sự, không có tiền chi cho những người lính ở chiến trường nhưng quan chức vẫn nhận đủ là vô cùng nguy hiểm. Với một quốc gia dân số 98 triệu, mà trông chờ vào khoảng tiền 14.620 tỉ đồng, bình quân đầu người chưa được 7 USD để chống “giặc-dịch” là quá thấp. 

Trong khi “ngân sách gần như cạn, nguồn thu giảm do các loại thuế, phí phải giảm hoặc miễn; chi thường xuyên không giảm, nhưng lại phát sinh nhiều khoản chi từ chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

Đến lúc này không thể ngạo nghễ, đạo đức giả lên giọng “tiền nhiều để làm gì” nữa; mà phải thừa nhận thực tế, nếu không có tiền thì sẽ thua trận trong cuộc chiến chống giặc-dịch Covid-19. 

Nhà nước không thể huy động sức dân mãi được, mà sức dân thì có hạn và người dân cũng không sẵn sàng hy sinh khi quá nhiều quan chức sống phè phỡn. Còn với doanh nghiệp khi có doanh thu và lợi nhuận thì mới nộp thuế, khó khăn thì họ rút [3].

Câu hỏi đặt ra là: TIỀN TỪ ĐÂU ?

Câu trả lời: tại sao không vận dụng bài học từ lịch sử !

3. Luật minh bạch tài sản

Chính phủ mới được thành lập vào tháng 7/2021 – giai đoạn đất nước gặp khó khăn, cuộc họp Quốc hội lần đầu phải rút ngắn lại vì lý do dịch [4]. Chẳng biết có phải ngẫu nhiên không mà Chính phủ nhiệm kỳ này là “CHÍNH PHỦ MINH CHÍNH” (“minh chính” là gọi theo tên người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng Phạm Minh Chính; tiếng Việt “minh chính” còn có nghĩa là minh bạch, chính đại).

Để đạt được mục tiêu chống “giặc-dịch” cao nhất, Quốc hội giao cho “Thủ tướng Chính phủ được quyền chủ động quyết định và tổ chức thực hiện các các giải pháp, biện pháp chưa được pháp luật quy định hoặc khác với quy định của một số luật để phòng, chống dịch, bệnh Covid-19.”[5]

Nhờ có đặc quyền được quyết định các giải pháp, biện pháp chưa được pháp luật quy định hoặc khác với quy định của một số luật. Cho nên mặc dù các chỉ thị 15, 16 trái với Hiến pháp và pháp luật, xâm phạm quyền con người, quyền công dân [6] nhưng vẫn được cả hệ thống hành pháp, tư pháp thực hiện; được đa số người dân chấp nhận thi hành.

Nhiệm kỳ Chính phủ mới được 2 tháng nhưng “ngân sách gần như cạn [2], vậy lấy tiền đâu cho công cuộc chống giặc-dịch lâu dài. Cũng không thể tăng thuế vào giai đoạn này được.

Tôi đề xuất với Thủ tướng ban hành “Chỉ thị Minh bạch tài sản”, để lấy tiền chống dịch. Theo đó, tịch thu toàn bộ tài sản của các đối tượng sau:

– Cán bộ phải kê khai và công khai tài sản nhưng không chứng minh được nguồn gốc tài sản: tịch thu tài sản không chứng minh nguồn gốc minh bạch. 

– Những cá nhân, tổ chức kêu gọi từ thiện nhưng không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ từ thiện: tịch thu tài sản không thực hiện từ thiện.

– v.v… (cộng đồng sẽ bổ sung thên các đối tượng khác).

Nếu Thủ tướng ban hành “Chỉ thị Minh bạch tài sản” thì hoàn toàn khả thi và giải quyết nhiều vấn đề lớn trong giai đoạn hiện nay. Cụ thể:

Thứ nhất về pháp lý

Phù hợp với Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và đặc quyền Thủ tướng “thực hiện các các giải pháp, biện pháp chưa được pháp luật quy định hoặc khác với quy định của một số luật để phòng, chống dịch, bệnh Covid-19

Đất nước có chiến tranh (chống giặc), Chính phủ có quyền trưng thu, trương mua tài sản, thì tại sao lại không thể tịch thu tài sản phi pháp để lấy tiền chống giặc-dịch.

Trong khi người dân quá đói, phải mò ra đường kiếm miếng ăn còn bị phạt tiền, thì tịch thu tài sản phi pháp để chống dịch cũng rất hợp pháp, hợp lý và hợp tình.

Thứ hai dư tiền chống dịch:

– Số cán bộ, quan chức “Hòa Thân” từ các nhiệm kỳ trước không ít. “Cậu học trò nghèo đốn củi” mà có cung điện hàng trăm triệu USD. Có những người lúc nhỏ không có đèn dầu, phải học bài bằng đèn đom đóm trong vỏ trứng, vỏ cà nhưng vẫn cho con cái học nước ngoài, xây lăng mộ hàng 5-6 hecta đất. Có người, cha liệt sĩ, cả đời là “bộ đội Cụ Hồ” cũng xây được lăng mộ cho mình hơn 2.500 m2 – hơn 300 ngôi mộ dân thường. v.v… (tra Google để có thông tin chi tiết)

– Số tiền các cá nhân, tổ chức mang danh nghĩa cứu trợ, từ thiện đã kêu gọi cộng đồng đóng góp cho thiên tai, dịch bệnh hàng chục tỷ, trăm tỷ nhưng chi ra như thế nào thì không ai kiểm soát được. …

Chỉ cần thu hồi hai khoản tiền tham nhũng và chiếm dụng bất hợp pháp này là Chính phủ thu về nhiều tỷ dollars – bảo đảm dư tiền chống dịch.

Thứ ba các hiệu quả bền vững khác: 

– Thủ tướng ban hành “Chỉ thị Minh bạch tài sản” đồng thời thực hiện được mục tiêu kép là thực sự chống và tiêu diệt được hai loại giặc: giặc nội xâm – tham nhũng và giặc dịch – Covid-19.

– Tịch thu tài sản của quá nhiều cán bộ, quan chức tham nhũng và dẹp được loạn kêu gọi để chiếm dụng tiền cứu trợ, từ thiện thì sẽ có được một Chính phủ liêm chính, minh bạch; từ đó khôi phục lại niềm tin trong nhân dân. Và người dân sẵn sàng đồng hành với Chính phủ trong những điều kiện khó khăn nhất.

– Từ “Chỉ thị Minh bạch tài sản” thực hiện ngay trong giai đoạn chống Covid-19 đặc thù này, sau đó nâng lên thành “Luật Minh bạch tài sản” để Quốc hội thông qua cho phù hợp Hiến pháp, làm cơ sở pháp lý cho công cuộc chống tham nhũng thành công, để có hy vọng nâng Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI) của Việt Nam lên trên trung bình [7] so với thế giới.

Lời kết

Theo dõi các cuộc họp Chính phủ, nghe Thủ tướng hay nói chỉ đạo cấp dưới “phải biến nguy thành cơ[8]. Những công dân có trách nhiệm với đất nước đều thấy rõ 3 mối “NGUY” lớn hiển hiện qua 3 loại giặc: giặc ngoại xâm – trên Biển Đông, giặc nội xâm – tham những trên đất liền, thêm thứ giặc vô hình – dịch Covid-19; tuy nhiên tìm cái “CƠ” một cách căn cơ thì chưa thấy rõ ràng !

(Hình 2. Thủ tướng chỉ đạo: phải biến nguy thành cơ”)

Nhìn lại vụ án Trần Dụ Châu tháng 9 năm 1950 [9], tổng số tiền tham nhũng quy đổi giá hiện nay chưa tới 300.000 USD, nhưng với hai bản án tử hình Trần Dụ Châu và Lê Sĩ Cửu đã hướng lòng dân đến Chính phủ kháng chiến của Hồ Chí Minh, để từ đó tập trung sức người, sức của làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.

Số tiền tham nhũng 300.000 USD thời Trần Dụ Châu, chưa tới 7 tỷ VND không bằng cái nhà nhỏ nhỏ của nhiều quan chức học đèn đom đóm, đốn củi, buôn chổi đót, chạy xe ôm, làm thêm đến thối móng tay, … Quyết cho “đồng chí” Trần Dụ Châu tội chết, trước hết ông Hồ Chí Minh phải liêm khiết, chí công vô tư. Nay, có ai đủ liêm khiết, chí công vô tư để xử các đồng chí bị lộ tham nhũng vào tội chết theo đúng pháp luật ?

Trong cái “NGUYlà tiền từ đâu để chống giặc Covid-19 ? thì cái “cho Thủ tướng là “Chỉ thị Minh bạch tài sản”: tịch thu mọi tài sản chiếm dụng của nhân dân để chống giặc-dịch Covid-19; xây dựng một nhà nước pháp trị, một xã hội minh bạch.

MINH CHÍNH: MINH BẠCH + CHÍNH ĐẠI.

Nếu Thủ tướng Phạm Minh Chính xây dựng được một Chính phủ đúng tên của mình “Chính phủ minh chính” thì nhiều khó khăn, nguy cơ của đất nước sẽ được hóa giải.

___________

Ghi chú:

[1] Số tài sản nhiều gấp 15 lần ngân khố quốc gia của vị quan nổi tiếng Hòa Thân gồm những gì? https://kenh14.vn/so-tai-san-nhieu-gap-15-lan-ngan-kho-quoc-gia-cua-vi-quan-noi-tieng-hoa-than-gom-nhung-gi-201803261757593.chn

[2] Ngân sách trung ương rất khó khăn, chờ tiết kiệm chi 14.600 tỉ https://tuoitre.vn/ngan-sach-trung-uong-rat-kho-khan-cho-tiet-kiem-chi-14-600-ti-20210916220949865.htm 

[3] Lo vốn ngoại rời đi nếu TP HCM kéo dài giãn cách https://vnexpress.net/lo-von-ngoai-roi-di-neu-tp-hcm-keo-dai-gian-cach-4343635.html 

[4] Quốc hội rút ngắn thời gian họp 3 ngày, bế mạc ngày 28-7 https://tuoitre.vn/quoc-hoi-rut-ngan-thoi-gian-hop-3-ngay-be-mac-ngay-28-7-20210724150337475.htm

[5] Vì sao Quốc hội trao một số quyền cho Chính phủ và Thủ tướng để chống Covid-19? https://vov.vn/chinh-tri/vi-sao-quoc-hoi-trao-mot-so-quyen-cho-chinh-phu-va-thu-tuong-de-chong-covid-19-876965.vov 

[6] 

Chỉ thị số 15/CT-TTg, ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Chi-thi-15-CT-TTg-2020-quyet-liet-thuc-hien-dot-cao-diem-phong-chong-dich-COVID-19-438342.aspx

Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Chi-thi-16-CT-TTg-2020-thuc-hien-bien-phap-cap-bach-phong-chong-dich-COVID-19-438648.aspx 

Chỉ thị phòng chống COVID-19 của Chính phủ Việt Nam có trái Hiến pháp và pháp luật? https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/is-covid-19-order-by-the-vn-gov-against-the-laws-07132021103449.html

[7] Chỉ số CPI 2020: Cần tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng quyết liệt để đạt hiệu quả hơn ở Việt Nam https://noichinh.vn/cong-tac-phong-chong-tham-nhung/202102/chi-so-cpi-2020-can-tiep-tuc-day-manh-phong-chong-tham-nhung-quyet-liet-de-dat-hieu-qua-hon-o-viet-nam-309154/

[8] Thủ tướng Chính phủ: “Phải biến nguy thành cơ” https://www.baodongthap.vn/chinh-tri/thu-tuong-chinh-phu-phai-bien-nguy-thanh-co–100502.aspx 

[9] 55 năm nhìn lại vụ án Trần Dụ Châu https://cand.com.vn/Khoa-hoc-Quan-su/55-nam-nhin-lai-vu-an-Tran-Du-Chau-i10537/


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Nửa tháng không có đề đóm

Phan Thanh Hung

VNTB – Ông Phúc có tài tiên tri?

Phan Thanh Hung

VNTB – 80% gia đình ở TP.HCM đang chờ được ‘đi chợ hộ’

Phan Thanh Hung

1 comment

Anonymous 18.09.2021 3:08 at 15:08

Noi dung bai viet rat chuan, chac chan Toan dan VN deu nhat tri? Tuy nhien, TT PM Chinh lieu co dam lam khong? hang loat Quan chuc gom da ve vuon va duong nhiem, khi co dieu kien deu da dop can duoc rat nhieu Tai San Cong? Bay gio ma thuc thi MBTS thi kha nang cuoc doi chinh tri cua o. PMC se bien ngay lap tuc? Chac chan vay.

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo