Việt Nam Thời Báo

VNTB – Lý thuyết Nghị viện của thế giới vì sao lại khó áp dụng ở Việt Nam?

Hiền Lương (lược thuật)

(VNTB) – Ở Việt Nam, ý chí tối cao  là Đảng chứ không phải là dân nên rất có lẽ khó vận dụng các mô hình liên quan về Nghị viện trên thế giới vào hoàn cảnh Việt Nam ở lúc này.

 

Đảng dành không gian chính trị để Quốc hội làm tốt chức năng của mình nghĩa là Đảng đang lãnh đạo để thúc đẩy một nền quản trị quốc gia hiện đại, minh bạch và có trách nhiệm.

Đó là ý kiến đối với thể chế đơn nguyên đảng chính trị ở Việt Nam. Thế nhưng đề xuất ở trên nếu mang so với lý thuyết Nghị viện phổ quát của thế giới, xem ra không dễ áp dụng.

Bàn luận liên quan, xin trích giới thiệu về một khảo cứu của hai tác giả Cao Việt Thăng và Phạm Tuấn Anh thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, góp phần biện giải vấn đề trên.

 

Lạm quyền từ cơ quan lập pháp

Ở một số nước, khi nói về đối trọng quyền lực nhà nước giữa ba nhánh quyền lực, họ cho rằng với tư cách là một chủ thể độc lập có quyền lập hiến và lập pháp, rõ ràng, Nghị viện đã có được những ưu thế của mình. Việc không xây dựng các cơ chế đối trọng ngay trong cơ quan lập pháp cũng tạo ra nguy cơ lạm quyền từ chính cơ quan này.

Về thành phần đại biểu để ứng cử vào cơ quan lập pháp, không phải ngẫu nhiên mà nhiều quốc gia không cho phép những công chức, viên chức đang kiêm nhiệm tại cơ quan nhà nước được phép tham gia ứng cử hoặc được kiêm nhiệm trong Nghị viện.

Vấn đề kiêm nhiệm tại cơ quan lập pháp này đã được nhiều học giả trước đó đề cập và chỉ ra rằng, việc không nên để các thành viên thuộc các cơ quan nhà nước tham gia vào cơ quan lập pháp cũng là lý do để nền lập pháp được dân chủ và độc lập.

Trong tư tưởng lập pháp cổ đại, ngay từ thời La Mã đã ghi nhận, các vị trong hàng thập đại pháp quan La Mã không được phép thông qua đạo luật nào quy định quyền hạn của họ. Họ nói với dân chúng rằng: “Những điều chúng tôi đề nghị chỉ biến thành luật chừng nào dân chúng đồng ý. Hỡi công dân La Mã, các bạn hãy làm ra luật để bảo đảm hạnh phúc của mình” (1).

Về vấn đề sử dụng những người vừa tham gia trong hành pháp, vừa tham gia vào lập pháp, có học giả đã chỉ ra rằng đó là sự mất tự do: “Khi quyền hành pháp ủy thác cho một số người trong cơ quan lập pháp, và như thế sẽ không còn là tự do nữa; vì hai quyền hành pháp và lập pháp nhập làm một, mấy con người ấy có thể nhúng tay vào cả quyền này và quyền kia” (2). Tiếp theo học giả này cũng cho rằng: “Nếu nhà vua tham gia việc lập pháp với chức năng quy định luật sẽ không còn là tự do nữa” (3).

Còn theo Rousseau: “Người chấp pháp không nên có quyền lập pháp và dân chúng dầu muốn cũng không thể trao quyền lập pháp cho người chấp pháp” (4). Và đối với Montesquieu: “Quyền hành pháp chỉ tham gia việc lập pháp bằng chức năng ngăn cản, chứ không chen vào bàn cãi công việc, mà cũng không phải làm các kiến nghị” (5).

Liệu phải chăng ở đây, các nhà tư tưởng đã không có lý khi không trao quyền lập pháp cho hành pháp hoặc tư pháp hay các nhân viên của hành pháp, tư pháp?

 

Quyền lực thực sự của lá phiếu nhân dân?

Có thể thấy rằng, trong hệ thống quyền lực của nhân dân – chủ thể của quyền lực nhà nước, chúng ta thấy có 3 bộ phận quyền lực chủ yếu, đó là quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Ở đây, quyền hành pháp đã được nhân dân trao cho Chính phủ và hệ thống cơ quan hành pháp, bộ phận hành chính tư pháp. Quyền tư pháp đã được trao cho toà án và hệ thống tư pháp. Do đó, trong các bộ phận quyền lực nhà nước, người dân chỉ còn trực tiếp thực hiện duy nhất là quyền lập pháp.

Việc nhân dân đòi hỏi phải có được chủ quyền tuyệt đối hoặc chí ít là áp đảo đối với quyền lực này là yêu cầu hoàn toàn hợp lý và chính đáng. Từ đó cũng thấy rằng, khó có bất cứ lý do chính đáng nào để cho hành pháp hoặc tư pháp lại có ưu thế hơn dân chúng trong cơ quan lập pháp, vì nó sẽ làm mất chủ quyền nhân dân đối với quyền lực nhà nước.

Một vấn đề lý thuyết nữa khi xem xét về tư cách chủ thể quyền lực, một cá nhân đã tham gia vào cơ quan hành pháp, tư pháp nghĩa là họ chấp nhận mình với tư cách là công bộc của nhân dân.

Xuất phát từ vị trí này, chắc cá nhân đó sẽ khó đủ điều kiện chủ thể để làm đại diện cho nhân dân trong cơ quan lập pháp được nữa. Nhiều quốc gia cho rằng, những người công bộc của nhân dân – công chức, viên chức nhà nước không đủ điều kiện để tham gia vào cơ quan lập pháp vì họ đang là công bộc chứ không phải là chủ thể đầy đủ để đại diện cho quyền lực nhân dân.

 

Do đó, khi người chủ – nhân dân không cho phép (bằng quy định pháp lý) hoặc từ lý thuyết thông thường về địa vị xã hội thì chắc chắn họ không đủ tư cách tham gia vào cơ quan lập pháp.

Tuy nhiên, cũng sẽ có những thắc mắc về thành phần các đại biểu được bổ nhiệm giữ chức vụ Thủ tướng và các Bộ trưởng trong các nội các. Ở một số quốc gia, chức danh này chỉ có được sau khi Nghị viện khoá mới đã bầu xong nhân sự ,và các đại biểu trong Nghị viện bầu ra chức danh đó chứ trước đó người đó chưa được bổ nhiệm vào hành pháp hoặc tư pháp.

 

Ở Việt Nam, Đảng có trách nhiệm phân công

Qua quan sát từ đời sống chính trị Nghị viện, có thể hiểu rằng, quyền lực nhân dân yêu cầu cá nhân đó chuyển sang lãnh đạo hành pháp, tư pháp chứ không phải từ hành pháp, tư pháp được chuyển vào lập pháp.

Chính vì vậy, trong các trường hợp này pháp luật các nước coi các chức danh đó là chức danh dân sự chứ không phải là công chức, viên chức để tránh việc nhầm lẫn về thành phần của hành pháp, tư pháp trong lập pháp.

Cho dù các chức danh đó vẫn phải chịu trách nhiệm chính trị về công việc mà mình thực hiện. Vì họ cho rằng, bộ máy của hệ thống vẫn hoạt động một cách bình thường nếu chưa có Thủ tướng, các Bộ trưởng, chỉ có điều khi thay thế các vị trí đứng đầu thì định hướng và khả năng hoạt động có khác nhau do năng lực và cách thức điều hành của người đứng đầu đó mà thôi.

Ví dụ quy định: “Thủ tướng và các Bộ trưởng có tính cách dân sự. Nội các trong quyền hành pháp, liên đới chịu trách nhiệm trước Quốc hội” (6).

Từ một số góc độ lý thuyết như vậy, có thể thấy phạm vi quyền lập pháp là thuộc về chủ quyền nhân dân, chính vì vậy, chỉ có những chủ thể không bị hạn chế quyền năng mới có đủ tư cách để tham gia thực hiện quyền này.

Những công chức, viên chức nhà nước muốn có được thẩm quyền này buộc phải thay đổi thân phận công bộc của mình bằng cách từ bỏ vai trò công chức để được tham gia ứng cử vào cơ quan lập pháp – đại diện cho nhân dân hay phải được sự chấp thuận, uỷ quyền bằng các quy định pháp lý của những người chủ đích thực.

Tuy nhiên, trong trường hợp có được sự ủy quyền của nhân dân cũng chỉ nên hạn chế đối tượng này ở một số trường hợp nhất định và một số lượng nhất định, nếu không chủ quyền của những người chủ vô hình trung lại tập trung hết vào tay những công bộc của mình. Điều này sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường về việc thay đổi lợi ích và thân phận giữa người chủ và công bộc.

Ở Việt Nam, trong mọi trường hợp liên quan đến vấn đề “bầu chọn” đều phải thực hiện theo danh sách “Đảng cử – Đảng phân công”, do vậy, ý chí tối cao ở đây là Đảng chứ không phải là dân. Bởi lẽ đó nên rất khó trong vận dụng các mô hình liên quan về Nghị viện trên thế giới vào hoàn cảnh Việt Nam ở lúc này.

Ba mươi chưa phải là Tết. Có lẽ mọi sự thay đổi phù hợp hơn trong chuyện Nghị viện, đành kỳ vọng vào nhiệm kỳ mới của Đảng trong lần đại hội thứ 13 sắp tới đây…

_______________

Chú thích:

(1) Jean – Jacques Rousseau, Bàn về khế ước xã hội, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 1992, trang 73, Thanh Đạm dịch.

(2) Montesquieu ,Tinh thần pháp luật, trang 107, Nxb. Giáo dục, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Khoa Luật, Hà Nội, 1996.

(3) Montesquieu, Tinh thần pháp luật, trang 110, Nxb. Giáo dục, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Khoa Luật, Hà Nội, 1996.

(4) Jean – Jacques Rousseau, Bàn về khế ước xã hội, đã dẫn, trang 73.

(5) Montesquieu, Tinh thần pháp luật, đã dẫn, trang 105.

(6) Điều 66 Hiến pháp 1946, Nhật Bản.

Tin bài liên quan:

VNTB – Hợp pháp hóa kinh doanh tình dục?

Do Van Tien

VNTB – Đà Nẵng phủ nhận là nguồn lây cho bà chủ quán bánh canh cá lóc ở Sài Gòn

Phan Thanh Hung

VNTB – Việt Nam ở đâu trong tiến trình dân chủ hóa?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.