VNTB – Miền Tây du ký

VNTB – Miền Tây du ký

Hồng Dân

 

(VNTB) – Đường sá tốt hơn nhiều, người miền Tây vẫn hào sảng và… chưa giàu có lên bao nhiêu hết.

 

Trên con đường rong ruổi về miền Tây, ghé qua thăm nhà anh Tư E xứ Đồng Tháp, anh kể nhà có chục công đất do ông bà để lại. Mỗi năm anh canh tác luôn 3 vụ mùa, sau khi khấu trừ tiền phân bón, tiền thuốc trừ sâu, tiền mướn nhân công, tiền vay ngân hàng mỗi đầu vụ, anh sẽ bỏ túi được chừng 30 triệu đồng. Đó là tình huống may mắn, tức không bị thất mùa hay sâu rầy phá hoại. Nếu thất mùa thì anh bị lỗ và nợ ngân hàng sẽ tích lũy thêm.

Tháng 5 là cuối vụ xoài. Ông anh cột chèo của Tư E nói còn khoảng 2 tấn xoài cát Hòa Lộc chờ vớt vát. Xoài tượng xanh thì để tới rụng đầy vườn, đem cho cá ăn, thương lái không mua. Các năm trước xoài cát Hòa Lộc giá luôn ổn định mức 80.000 đồng/kg, hợp tác xã bao tiêu giá 90.000 đồng/kg. “Vụ này hợp tác xã không ngó tới, nông dân tụi tui xoay xở từ lỗ tới lỗ” – ông anh nói.

Trong khi đó thì tin tức trên đài phát thanh tỉnh phát trên loa cho hay các chuyên gia Hà Lan đã làm việc với tỉnh Đồng Tháp. Mấy ông Tây này nhận định xoài là một trong những sản phẩm trái cây nhiệt đới có tiềm năng phát triển mạnh tại thị trường Châu Âu. Song, một trong những vấn đề khó khăn hiện nay khiến cho trái xoài Việt Nam nói chung và xoài Đồng Tháp nói riêng khó vào thị trường này do còn khó khăn về công tác bảo quản sau thu hoạch và cải tiến chất lượng trái xoài.

“Hy vọng lễ hội Xoài Cao Lãnh vào tháng 7 tới đây tụi tui sẽ có đầu ra chứ vừa rồi thu hoạch khoảng 25 tấn, trung bình 4.000 đồng /kg, thua lỗ gần 80 triệu đồng!” – ông anh cột chèo của Tư E, nói.

Rời Đồng Tháp xuôi thẳng luôn xuống Cà Mau ở mùa này hay gặp những cơn mưa chiều tối tăm mặt mũi luôn.

“Tụi tui nằm bờ không phải vì mưa gió, cũng chẳng phải do mùa trăng mà dầu lên quá nên phải chia nhau ra để đi biển” – một ông bạn cũ giờ là ngư phủ ở Sông Đốc, kể.

Bài toán thiệt hơn ở đây tóm tắt vầy: một tàu câu mực từ 110 – 400KW khai thác khoảng 20 ngày, tiêu thụ từ 2.000 – 2.500 lít dầu, khi giá dầu tăng thì chi phí của ngư dân đương nhiên phát sinh thêm nhưng giá bán hàng thủy sản lại không thể tăng tương ứng.

Đối với nghề lưới kéo từ 250KW trở lên, đánh bắt xa bờ khoảng 30 ngày, tiêu thụ khoảng 12.000 – 18.000 lít dầu, chi phí phát sinh từ tăng giá dầu cũng lên con số ngoài sức tưởng tượng. Tương tự, như nghề dịch vụ hậu cần nghề cá từ 250KW trở lên hoạt động 30 ngày tiêu thụ từ 9.000 – 12.000 lít dầu, chi phí phát sinh không hề nhỏ, nhưng giá cả đầu ra khó điều chỉnh tăng theo.

“Bà con mình đang rơi vào cảnh xăng dầu tăng chi phí đội lên, phần lời mỗi chuyến biển coi như xăng dầu ăn hết. Cầm cự được vài chuyến để chờ giá xăng dầu giảm nhưng cuối cùng không giảm, hiện nhiều người cho ghe nằm bờ hoặc hỏi thăm tìm cách bán ghe thôi…” – ông bạn cũ kể trong tâm trạng đầy bi quan.

Ông bạn kể một vài ngư phủ bạn của ông sống ở miền ngoài tình cảnh còn bi đát hơn nhiều, khi một số người không bán được tàu, đành gửi tàu cho người thân trông coi rồi kéo nhau vào Bình Dương làm mướn.

Góp chuyện trong bàn tiệc nhậu hàn huyên, một ông bạn đang là chủ doanh nghiệp cho biết do hàng sản xuất từ Cà Mau, vận chuyển khó khăn, giá xăng dầu tăng khiến chi phí của doanh nghiệp tăng, nhưng ông vẫn gồng suốt từ đầu mùa dịch Covid đến nay.

“Hàng tươi sống, đông lạnh nên tụi tui không thể dùng các gói giao hàng tiết kiệm mà phải giao thẳng, tụi tui phải chia sẻ cước vận chuyển với khách để giữ thị trường” – ông bạn chia sẻ chuyện quản trị thời xăng dầu cứ mãi phi mã.

Buổi nhậu hàn huyên nối tiếp nhau ở xóm Rạch Tàu, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau của những ‘thằng già’ lúc trời xế bóng. Cơn gió biển theo lối sông ve vuốt những cánh rừng ngập mang về hơi muối quyện với mùi cá dễ tạo cho người ta cảm giác rằng chủ của vùng đất này thật sự là những người làm nghề cá…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)