VNTB – Mở cửa đi, chần chừ gì nữa?

VNTB – Mở cửa đi, chần chừ gì nữa?

Nguyễn Nam

 

(VNTB) – Người soạn thảo chính sách liên quan đến doanh nghiệp, dường như chưa từng vận hành một doanh nghiệp

 

Một chủ doanh nghiệp Việt Kiều nổi tiếng ở Trà Vinh, đại ý nói rằng đơn hàng đã ra đi thì cơ hội quay lại là 0%, hay câu khác cũng của ông, đại ý người soạn thảo chính sách liên quan đến doanh nghiệp, dường như chưa từng vận hành một doanh nghiệp.

Dịch bệnh đã thư thư, cầu mong những quyết sách liên quan doanh nghiệp đừng làm họ tổn thương nữa.

Sài Gòn an toàn chưa? Thử xem số liệu của 1 quận “cam” tương đối đông dân, và áp số liệu tiêm chủng chung TP.HCM vô để tham khảo xem sao: Tổng số mẫu thử: 134.000; Tỉ lệ nhiễm 0,92 % (1.231 ca).

Nhóm chưa chích vắc xin, 10% = 1 triệu người Sài Gòn, số chung thành phố, nhiễm cao nhất 424/ 13.400, tức = 3,1 %. Nhóm chích 1 mũi cứ lấy con số thấp nhất là 70% = 7 triệu, nhiễm 605/ 93.800, tức = 0,65 %, nhiễm thấp nhất.

Nhóm chích 2 mũi, lấy tỷ lệ ‘bi quan nhất’ là 20% = 2 triệu người, nhiễm 202/ 26.800, tức  = 0,75 % . Con số này cho thấy có vẻ 2 mũi lại nhiễm nhiều hơn chích 1 mũi? Các số liệu và cách phân tích có thể chưa chính xác.

Vậy thì 1 mũi vắc xin là ô-kê rồi. Mở cửa đi còn chờ gì nữa?.

Bác sĩ Trần Thanh Nhân kể câu chuyện như sau để thấy rằng đâu đó vẫn chống dịch bằng “mệnh lệnh kiểu cũ”: Một gia đình ‘thân chủ’ của phòng mạch bác sĩ Nhân ở Gò Vấp, khi Sài Gòn bắt đầu bùng dịch, các ca nhiễm đầu tiên ở Gò Vấp vào đầu tháng 5 năm nay, gia đình bị ‘lockdown’ theo chỉ thị 16 trước nhất ở Sài Gòn.

Trải qua gần 4 tháng ‘chui rúc’ trong nhà, giữ gìn hết sức cẩn thận vì có mẹ già và cô vợ có bệnh nền, chỉ đi chích ngừa và đi test mà thôi. Đùng cái, trong những ngày cuối của ‘lockdown’ Sài Gòn thì bà ‘dính chưởng’ ả Cô Vi.

Cả gia đình hoảng sợ, bà được đưa đi bệnh viện, còn nhà bị rào hệt như hồi đầu dịch. Như vậy “tư duy chống dịch kiểu cũ” vẫn ăn sâu vào các cán bộ cơ sở Phải chăng, trước hết vì để giữ ghế nên họ sợ ca nhiễm tăng, lên bảng “phong thần mỗi ngày”, sẽ bị khiển trách, ‘mất điểm thi đua’?

Thứ hai, phải chăng cán bộ tiếp tục ‘chủ nghĩa Apartheid’, xem người nhiễm là ghê gớm nên rào chắn quá tay?. Tiếp nữa, để ‘đẹp lòng bề trên’, họ yêu cầu test liên tục để bóc tách F0 nhưng lại chẳng biết đưa F0 đi đâu; và sợ dân gian lận nên họ “ép” dân phải để cho nhân viên y tế chọt mũi, để rồi nguy cơ làm lây nhiễm chéo.

Vậy nên cũng phải thôi khi liên tiếp lãnh đạo TP.HCM đã có văn bản đốc thúc Thủ tướng về “xin riêng cơ chế chống dịch” để còn mở cửa làm ăn, và cơ sở thấp nhất là chính quyền phường phải thay đổi “tư duy” chống dịch thôi.

“Tôi có mấy đề nghị cụ thể: Một, hãy mua test nước bọt cho dân tự test vì quá tổn thương mũi do ngoáy 4 tháng nay.

Hai, quản lý ca nhiễm theo tổ dân phố, khu phố, không nên giăng dây hay dán bảng phản cảm nữa. Ba, phủ đủ vắc xin 2 mũi. Bốn, phát hiện ca nhiễm bằng cách cho dân tự test theo yếu tố nguy cơ, không làm lan tràn…, cung cấp đủ thuốc (gói ABC), nhập viện kịp thời, cấp cứu kịp thời.

Năm, xem người nhiễm là nạn nhân, không phải tội phạm, chấp dứt ngay việc rào chắn như “ở tù”, đối xử ấm áp và tình người.

Mở cửa đi, còn chờ gì nữa” – bác sĩ Trần Thanh Nhân, kêu gọi.

Liên quan đến việc đeo đuổi chọc ngoáy mũi để bóc – tách F0 của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, ý kiến tiếp sau đây rất đáng lưu tâm – theo bác sĩ Bùi Nghĩa Thịnh đang tham gia chữa trị ở bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu Bình Dương, thì dường như cồn có khả năng làm test nhanh kháng nguyên trở nên dương tính.

“Tôi làm thí nghiệm đổ cồn 70 độ rửa tay vào lỗ chỗ mẫu của test nhanh kháng nguyên. Kết quả test dương tính yếu. Tôi không rõ việc này ảnh hưởng thế nào tới quy trình làm test kháng nguyên không? Tôi nghĩ các biện pháp phun khử khuẩn ‘môi trường’ khi đang thực hiện test, hay việc rửa tay đeo găng bằng cồn để lấy mẫu có thể cần cân nhắc kỹ lưỡng…” – bác sĩ Bùi Nghĩa Thịnh dè dặt đặt vấn đề.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)