L.T.S (VNTB) Luật sư Lê Quốc Quân đã được thả ra khỏi nhà tù tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam vào ngày 27/6/2015. Nhân sự kiện này, TS. Nguyễn Thanh Giang đã gửi đến Việt Nam Thời Báo một bài viết về sự lũng đoạn pháp luật trong trường hợp áp dụng án đối với vị luật sư nhân quyền này, và cho thấy “lương tri ấy, nghị lực ấy” của LS Lê Quốc Quân.
Bài viết ra đời vào tháng 6/2013, và được rút ra từ tác phẩm “Đêm Dày Lấp Lánh” của TS Nguyễn Thanh Giang.
Xin nhấn mạnh, LS Lê Quốc Quân đã khẳng định, sẽ tiếp tục đấu tranh nhân quyền trong thời gian sắp tới.
VNTB trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết đến quý độc giả.
LS Lê Quốc Quân trong phiên phúc thẩm hồi năm 2014. |
Ngày 9 tháng 7 này người ta sẽ đưa luật sư Lê Quốc Quân ra xử án.
Luật sư Lê Quốc Quân đã bị sách nhiễu, khủng bố, bắt giam … nhiều lần.
Ngày 8 tháng 3 năm 2007, ông bị bắt khi trở về sau một khóa học của tổ chức Hỗ trợ Quốc gia vì Dân chủ (National Endowment for Democracy) ở Mỹ. Luật sư Lê Quốc Quân được mời tham gia khóa tập huấn này do ông là nhà tư vấn cho Ngân hàng Thế giới và Quỹ Phát triển Liên Hiệp Quốc UNDP tại Việt Nam. Hơn 10 ngày sau đó, ngày 19/3/2007 ông bị khởi tố theo điều 79 Bộ Luật Hình sự về tội “Tổ chức hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân”. Ứng cử viên Tổng thống Mỹ lúc đó, ông John McCain và nguyên ngoại trưởng Mỹ, bà Madeline Albright, đã viết thư phản đối. Amnesty International gọi ông là Tù nhân lương tâm.
Ngày 4/4/2011 trên đường đến dự phiên tòa công khai xử sơ thẩm tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ (nhưng không được vào), Lê Quốc Quân lại bị bắt cùng với bác sĩ Phạm Hồng Sơn và bị quy tội “gây rối trật tự công cộng”. Video quay toàn bộ quá trình cùng lời phát biểu của nhiều người chứng kiến được đưa lên mạng đã tố cáo đầy đủ rằng việc bắt bớ này hoàn toàn tùy tiện, phi pháp và có chủ đích đen tối. Một phong trào phản đối đã dấy lên rầm rộ trong và ngoài nứoc. Sau 10 ngày giam giữ, người ta phải thả Lê Quốc Quân nhưng ngoan cố đính kèm cái gọi là “Quyết định cảnh cáo”.
Ngày 27/11/2011 Lê Quốc Quân lại bị nhận “Quyết định cảnh cáo” chỉ vì đã dám đi biểu tình ủng hộ đề nghị phải có luật biểu tình của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Hơn một năm sau, ngày 27/12/2012, Luật sư Lê Quốc Quân bị bắt một lần nữa.
Lần này là cả một chiến dịch “tru di tam tộc” khốc liệt.
Trước khi Lê Quốc Quân bị tống giam, công ty của doanh nhân Lê Đình Quản – em trai Lê Quốc Quân – bị lục soát tanh bành. Lê Đình Quản cùng nhiều người trong công ty mình cũng bị bắt.
Một người em gái, chị Nguyễn thị Oanh, mang thai ở tháng thứ ba đã bị tuột mất đứa con đầu lòng sau mấy tháng giam giữ.
Lần này, quyết định của Tòa án Nhân dân TP Hà Nội ký ngày 10/6 cho biết ông Lê Quốc Quân, sinh năm 1971, Giám đốc Công ty TNHH “Giải pháp Việt Nam”, bị Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội truy tố về tội Trốn thuế theo quy định tại Khoản 3, Điều 161 Bộ Luật Hình sự.
Vụ bắt giữ lần này càng bị dư luận trong nước và thế giới kịch liệt lên án.
Mười hai tổ chức và cơ quan nước ngoài, trong đó có “Phong trào Quốc tế Vì Dân chủ”, “Ký giả Không biên giới”, “Văn bút Anh Quốc”, “Hỗ trợ Quốc gia vì Dân chủ”, “Ngôi nhà Tự do” … đã gửi thư cho ngoại trưởng Mỹ John Kerry nêu yêu cầu:
“Chúng tôi được biết ông sẽ dự Hội nghị ASEAN vào cuối tháng này, và chúng tôi rất mong là ông dùng cơ hội này để trao đổi vụ này với đại diện của chính phủ Việt Nam.
Như ông có lẽ đã biết, ông Quân hiện đang bị giam giữ một cách tùy tiện chỉ vì ông thực thi quyền tự do ngôn luận của ông, quyền tự do hội họp và lập hội của ông, cũng như những hoạt động bảo vệ nhân quyền của ông. Ông Quân là một luật sư đủ tư cách, đồng thời là một blogger tích cực. Trên trang blog được nhiều người biết đến, ông đã vạch trần những vi phạm nhân quyền thường bị truyền thông nhà nước làm ngơ. Trước khi ông bị tước quyền luật sư, ông Quân đã đứng ra bào chữa cho những vụ án nhân quyền trước tòa. Khi trở về nước sau chuyến đi Hoa Kỳ, ông đã bị bắt vào năm 2007 và bị giam giữ 100 ngày. Vào tháng 4 năm 2011, ông lại bị bắt và cuối cùng được thả mà không bị buộc tội nào cả. Vào tháng 8 năm 2012, ông Quân đã bị thương trầm trọng sau một vụ tấn công hung bạo, mà theo ông là của nhân viên nhà nước”.
Ngày 13 tháng 6 năm 2013 ông Robert F. Kennedy, chủ tịch Trung tâm Vì Công lý và Nhân quỳền (Center for Justice and Human Rights) đã gửi thư cho thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Bức thư viết:
“Thưa ông Nguyễn Tấn Dũng,
Với tư cách Chủ tịch của Trung tâm Robert F. Kennedy cho Công Lý và Nhân Quyền (RFK Center) và Giám đốc Trung Tâm RFK và chương trình Cộng Tác cho Nhân Quyền, chúng tôi quan tâm sâu đậm về sự giam cầm ông Lê Quốc Quân và phiên xử sắp tới của ông ngày 9/7/2013.
Ông Quân, một luật sư nhân quyền và blogger, đã bị nhân viên nhà nước bắt giữ trong lúc ông đưa con đi học ngày 27/12/2012. Ông bị cáo buộc tội trốn thuế, nhưng chúng tôi lo ngại rằng ông Quân bị bắt vì ông thực thi một cách chính đáng quyền hành nghề luật sư và hoạt động bảo vệ nhân quyền của ông. Trước khi bị bắt, ông Quân viết rất nhiều về tự do tôn giáo, quyền dân sự, và chính trị đa nguyên cho một số kênh truyền thông và trên blog của ông.
… Trong khi Việt Nam đã đồng ý ký Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị (ICCPR) vào ngày 24/9/1982, chúng tôi mạn phép được nhắc nhà chức trách Việt Nam về nghĩa vụ phải tuân thủ Điều 9 của ICCPR, trong đó bảo đảm quyền tự do và an toàn của cá nhân, và phủ nhận việc bắt và giam cầm tùy tiện của một cơ phận nhà nước. Thêm nữa, Điều 19 của ICCPR còn bảo đảm “quyền nêu quan điểm mà không bị ngăn cản”, bên cạnh quyền tự do ngôn luận, trong đó bao gồm “quyền tìm hiểu, đón nhận và phổ biến tin tức và sáng kiến dưới mọi thể dạng không giới hạn, qua lời nói, giấy trắng mực đen, qua kỹ thuật, hoặc qua bất kỳ phương tiện tự chọn”.
Ngoài ra, Đại Hội Đồng LHQ nêu rõ trong bản Tuyên ngôn về Quyền hạn và Trách nhiệm của các cá nhân, nhóm, và cơ quan xã hội để cổ xúy và bảo vệ các quyền con người được thế giới công nhận và những quyền tự do căn bản (Tuyên Ngôn LHQ về các nhà bảo vệ nhân quyền), được Đại Hội Đồng LHQ chấp thuận vào ngày 9/12/1998, công nhận rằng mọi người đều có quyền “tự do phổ biến, truyền đạt, phát tán đến người khác ý kiến, thông tin, kiến thức về nhân quyền và các quyền tự do căn bản” và các quốc gia phải “có biện pháp cần thiết để cho các cơ quan thẩm quyền có đủ khả năng bảo vệ tất cả, từng người một hay nhóm, chống lại các mối đe dọa, bạo động, trả thù, phân biệt đối xử tàn tệ theo luật hay trên thực tế, bị áp lực hay những hành vi nào khác chỉ vì việc thực thi quyền hạn chính đáng của họ” theo Tuyên Ngôn.
Việt Nam đang vi phạm những ràng buộc nhân quyền này đối với trường hợp của ông Quân. Giam cầm ông Quân chỉ vì ông viết bài trên blog là một vi phạm rõ rệt quyền tự do ngôn luận của ông. Giam giữ ông Quân vì sự liên hệ của ông với những nhà đối kháng khác là một vi phạm quyền tự do hội họp và quyền tự do lập hội một cách ôn hòa, như có nêu trong ICCPR. Hơn nữa, với việc giam giữ ông Quân chỉ vì những hoạt động nhân quyền, Việt Nam đã không đáp ứng được nghĩa vụ theo Tuyên Ngôn LHQ để bảo vệ quyền hạn của ông Quân trong tư cách một nhà hoạt động nhân quyền.
Trung tâm RFK khẩn kêu gọi nhà chức trách Việt Nam hãy bảo đảm cho ông Quân có một phiên tòa theo các chuẩn mực nhân quyền quốc tế.
Chúng tôi mong đón nhận hồi âm.
Trân trọng,
Kerry Kennedy”