An Thư tổng hợp
(VNTB) – Việt Nam là một trong những nước bị đưa vào danh sách đen Bậc 3, bậc tệ hại nhất
Trong buổi công bố về tình trạng buôn người tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington DC hôm 19/7, Ngoại trưởng Antony Blinken báo cáo “đánh giá 188 nước và vùng lãnh thổ, bao gồm cả Mỹ, trong việc phòng chống buôn người, bảo vệ nạn nhân và xét xử những kẻ buôn người.” Việt Nam là một trong những nước bị đưa vào danh sách đen Bậc 3, bậc tệ hại nhất. Việt Nam sẽ phải đối mặt với một số biện pháp chế tài. Quốc gia bị đưa vào Hạng 3 về buôn người sẽ bị tác động mạnh mẽ hơn nhiều danh sách các quốc gia bị quan tâm đặc biệt CPC, vì các biện pháp chế tài khá ngặt nghèo kèm theo.”
Theo Ngoại trưởng Mỹ, có 21 quốc gia được nâng cấp một bậc bởi vì chính phủ của những nước này đã có các nỗ lực đáng kể để chống lại nạn buôn người trong nước cũng như cho các công dân của họ ở nước ngoài. Trong khi đó, 18 quốc gia bị đánh hạ một bậc, trong đó có Việt Nam, vì các nước này đã không có được nỗ lực đáng kể nào hoặc tệ hơn là chính phủ những nước đó có chính sách hoặc mô hình buôn người do nhà nước bảo trợ.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Việt Nam, đã giảm các vụ truy tố đối với những người được cho là chịu trách nhiệm về vấn nạn buôn người trong năm 2021.
Báo cáo này đặc biệt nêu ra việc chính phủ Việt Nam “không quy trách nhiệm hình sự hay hành chính đối với hai nhà ngoại giao Việt Nam bị cho là đồng lõa trong việc buôn bán công dân ra nước ngoài” cũng như “không thực hiện đủ nỗ lực để bảo vệ nạn nhân trong những trường hợp này.” Trái lại, theo Bộ Ngoại giao Mỹ, các cơ quan chức năng của Việt Nam “đôi khi còn được cho là đã quấy rối và gây áp lực đối với những người sống sót và gia đình của họ trong nỗ lực bịt miệng cáo buộc chính thức việc đồng lõa của các quan chức.”
Theo báo cáo, một tùy viên về lao động và một cán bộ khác của sứ quán Việt Nam tại Ả Rập Xê Út bị cáo buộc đã trực tiếp tạo điều kiện cho lao động cưỡng bức đối với một số người Việt Nam tại Ả Rập Xê Út. Trong thời gian báo cáo của BNG Mỹ được thực hiện, Hà Nội đang tiến hành cuộc điều tra nhưng các quan chức chính quyền Việt Nam vẫn cho phép quan chức ngoại giao bị cáo buộc tại vị và không tố cáo hình sự hay phạt hành chính đối với họ.
Vẫn theo báo cáo của BNG Mỹ, mặc dù cơ quan chức năng của Việt Nam xử phạt hành chính một số đơn vị tham gia vào việc lừa đảo tuyển dụng hoặc vận chuyển nạn nhân lao động cưỡng bức đến Ả Rập Xê Út nhưng không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những đối tượng này.
Hoa Kỳ đã bổ sung Việt Nam, Campuchia, Brunei và Macau vào danh sách đen buôn người với cáo buộc nỗ lực yếu kém trong việc ngăn chặn hoạt động cưỡng ép mại dâm hay hỗ trợ lao động nhập cư.
Các điều khoản của Luật Bảo vệ Nạn nhân Buôn người hạn chế một số loại viện trợ của Mỹ và một vài phạm vi khác trong tài trợ của Mỹ và tài trợ đa phương dành cho các nước Bậc 3 bắt đầu với Phúc trình Buôn người năm 2003.
Các khoản tài trợ bị hạn chế bao gồm viện trợ không vì mục đích nhân đạo, viện trợ nước ngoài không liên hệ đến thương mại được cho phép chiếu theo Luật Viện trợ Nước ngoài 1961, các hoạt động mua bán và tài trợ được cho phép chiếu theo Luật Kiểm soát Xuất khẩu Vũ khí, tài trợ trao đổi giáo dục-văn hóa, cũng như các khoản cho vay và nguồn quỹ do các ngân hàng phát triển đa phương và Quỹ Tiền tệ Quốc tế cung cấp.
Các quốc gia bị đưa vào danh sách đen – “Bậc 3”, bậc tệ nhất- phải chịu các chế tài của Hoa Kỳ, mặc dù chính quyền Mỹ thường miễn trừng phạt đối với các quốc gia thân thiện hứa hẹn sẽ cải thiện.
Phúc trình đặc biệt nhận thấy Việt Nam sai trái khi (1) chính quyền đã bao che cho 2 giới chức ngoại giao liên can đến các vụ buôn lao động, (2) công an và Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội thay vì bảo vệ cho nạn nhân lại hợp tác với các đường dây buôn người để đe doạ và trả thù các nạn nhân lên tiếng đòi công lý.
“Đây là thành quả đáng kể trong nỗ lực của chúng tôi kéo dài hơn 2 thập niên,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, nhận định. “Lẽ ra Việt Nam đã phải bị đưa vào hạng 3 từ lâu, nhưng họ đã nhiều thoát nạn vì khai thác được những điểm yếu của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.”
Ông giải thích rằng, theo quy tắc ngoại giao, trước khi phân loại một quốc gia vào “danh sách theo dõi” của Hạng 2, hoặc vào Hạng 3 thì Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ luôn luôn báo trước cho quốc gia ấy. Nhờ vậy mà Việt Nam biết trước và đã có động thái giả bộ, mà điển hình là hứa hẹn sẽ thông qua luật mới để gia tăng phòng, chống buôn người.
Cũng vậy, năm 2021, Tổng Thống Biden đã đặc miễn để Việt Nam không bị đưa xuống hạng 3 dựa trên những hứa hẹn cải tổ luật pháp của Việt Nam để phòng, chống buôn người.
“Căn cứ vào các hứa hẹn như vậy, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã tránh không đưa Việt Nam vào Hạng 3,” Ts. Thắng giải thích. “Quyết định như vậy thực ra không chính đáng vì lẽ ra phải dựa vào tình hình thực tế đang diễn ra thay vì những hứa hẹn tương lai.”
Theo Ts. Thắng, lần này BPSOS đã có sách lược để vượt qua trở ngại từ chính Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.
“Thay vì cung cấp cho Bộ Ngoại Giao các hồ sơ buôn người ngay khi xảy ra, chúng tôi thu thập thông tin và can thiệp nhưng không công bố cho đến gần cuối năm 2021 thì mới gom lại và chuyển bộ hồ sơ dày cộm cho Bộ Ngoại Giao,” Ts. Thắng giải thích. “Như thế, Việt Nam sẽ được báo trước nhưng không kịp có những động thái bề ngoài để qua mặt Bộ Ngoại Giao.”
Việc phân hạng về phòng chống buôn người chính yếu dựa vào tình trạng ở mỗi quốc gia trong năm trước. Khi bị phanh phui vào cuối năm, phía Việt Nam trở tay không kịp và một số giới chức Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, dù có muốn gợi ý cho Việt Nam cách tránh né, thì cũng đã quá trễ.
“Đồng thời, chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ với một số báo cáo viên đặc biệt của LHQ chuyên về vấn đề buôn người để lên tiếng một cách độc lập với Việt Nam,” Ts. Thắng nói. “Như thế, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ không thể châm chước cho Việt Nam khi chính các chuyên gia của LHQ tố giác Việt Nam đã bao che cho thủ phạm và dùng nhiều thủ đoạn để bịt miệng nạn nhân.”
Khi bị liệt vào Hạng 3, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một số biện pháp chế tài.
“Nhiều người Việt chỉ biết đến việc phân loại theo dạng quốc gia phải quan tâm đặc biệt do vi phạm tự do tôn giáo một cách nghiêm trọng, còn được biết đến là CPC,” Ts. Thắng nói. “Thực ra bị đưa vào Hạng 3 về buôn người có tác động mạnh mẽ hơn nhiều vì các biện pháp chế tài khá ngặt nghèo kèm theo.”
Theo ông, ngoài các biện pháp chế tài của chính phủ Hoa Kỳ, Việt Nam có thể bị tẩy chay bởi nhiều công ty khi chính các công ty này e ngại mang tiếng là làm ăn với một chính quyền bị liệt vào hạng 3.
____________
Thông tin liên quan:
LHQ: Việt Nam đe dọa các nạn nhân tố cáo tình trạng buôn người trong chương trình xuất khẩu lao động
LHQ công bố thư tố giác tình trạng lao động Việt bị buôn bán sang Ả Rập Xê Út
LHQ tố giác nạn buôn người từ Việt Nam sang Serbia