Tư Hoài Lang
(VNTB) – Nhà dột từ nóc, là giải thích dễ hiểu nhất ở đây.
Sáng ngày 28-9, Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 – 2025, khai mạc tại Hà Nội. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo đại hội.
Tham dự Đại hội còn có cựu Tổng bí thư Nông Đức Mạnh; cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Trương Tấn Sang; cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng.
Cùng dự có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch… và các ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng. Có 450 đại biểu ưu tú đại diện cho hơn 26 vạn đảng viên trong Đảng bộ Quân đội tham dự Đại hội.
Kết quả của Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 – 2025, có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào sự thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ 11 diễn ra đến hết ngày 30-9.
Tin tức báo chí cho biết, trong phát biểu chỉ đạo về nhiệm vụ nhiệm kỳ tới, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Báo cáo chính trị tại Đại hội đã xác định rất đúng, rất trúng phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu nhiệm kỳ 2020 – 2025. “Vấn đề quan trọng nhất là lãnh đạo tổ chức thực hiện như thế nào để đạt kết quả tốt nhất, cao nhất”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói.
Để thực hiện các mục tiêu đề ra, Tổng bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu, “cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc những yếu tố hết sức thuận lợi, những ưu thế và vị trí, vai trò đặc biệt của quân đội, của Đảng bộ Quân đội, đó là: quân đội ta là quân đội nhân dân, quân đội của dân, do dân, vì dân và được đặt dưới sự lãnh đạo “tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt” của Đảng; do vậy, quân đội phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, gắn bó máu thịt với nhân dân”.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu Đảng bộ Quân đội thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; một số quân, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu từ năm 2030, xây dựng quân đội hiện đại. Tiếp tục điều chỉnh tổ chức biên chế, bảo đảm “tinh, gọn, mạnh” hơn nữa.
Bên cạnh đó, cần phát huy hiệu quả hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng; quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp quân đội, quản lý, sử dụng chặt chẽ đất quốc phòng vào hoạt động kinh tế.
“Chú trọng rút kinh nghiệm công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng thời gian qua, tới đây quân đội cần phải làm chặt chẽ hơn, không được để sơ hở, sai sót, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự Bộ đội Cụ Hồ”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Toàn bộ nội dung trích dẫn ở trên cho thấy, dường như ở đây là sự tái hiện của một nhân vật Châu Bá Thông đã bước ra từ trang tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình của Kim Dung. Nhân vật này trong thời gian bị giam lỏng ở Đào Hoa đảo, ông đã chế ra bộ võ công mang tên Song Thủ Hỗ Bác, dùng chiêu thức bằng tay trái để đối phó với một chiêu thức võ công khác nữa được thi triển bằng tay phải. Hai tay tự đấu với nhau bằng hai môn võ khác nhau.
Khi mang ứng dụng thực chiến, Song Thủ Hỗ Bác dễ gây đối phương lúng túng ngay thời gian đầu…
Sở dĩ so sánh Tổng bí thư, Chủ tịch nước với Lão Ngoan Đồng Châu Bá Thông, vì ông Nguyễn Phú Trọng vừa là người giữ quyền lực cao nhất của Đảng; đồng thời ông cũng là Bí thư Quân ủy Trung ương. Ông Nguyễn Phú Trọng cũng đồng thời là thống lĩnh các lực lượng vũ trang, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Như vậy trong mối quan hệ được yêu cầu là “quân đội ta là quân đội nhân dân, quân đội của dân, do dân, vì dân và được đặt dưới sự lãnh đạo “tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt” của Đảng; do vậy, quân đội phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, gắn bó máu thịt với nhân dân”, cho thấy Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lãnh đạo “tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt” với Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng. Do đó nếu sắp tới đây phía Bộ Quốc Phòng có sai phạm gì đó về mặt pháp luật, thì trách nhiệm cuối cùng ở đây không ai khác, ngoài ông Nguyễn Phú Trọng.