Long Đức
(VNTB) – “Em ước ông nội của em sống lại!” – “em ước sẽ được sống bên mẹ suốt đời”…
Tại nơi từng là ổ dịch Covid lớn nhất nhì Sài Gòn, nơi có chợ nông hải sản Bình Điền lớn nhất nước, và ở lần ‘chọt mũi’ đầu tiên thôi, đã đến 800 người đã ‘bị bắt’ vào trại cách ly, để rồi sau đó là chết chóc, là hàng ngàn người tiếp theo lại phải chịu cảnh cách ly, và không ít trong số đó đã về nhà trong hủ cốt…
Giờ thì mùa lễ Giáng sinh cận kề, các hàng quán ăn uống, nhậu nhẹt đang sôi nổi những âm thanh cưới nói của các vị khách, và… bỗng đâu đó có 1- 2 trẻ em trên dưới 10 tuổi chạy tới và đứng tại mặt tiền của quán, có khi nơi hành nghề lại là giữa lòng đường.
Chúng bắt đầu dùng giọng nói trong trẻo của trẻ em rồi la thật lớn vài cái để thu hút sự chú ý để mở màn cho buổi biểu diễn xiếc lửa mưu sinh. Bàn tay nhỏ bé cầm một cây đuốc tự chế đã mồi lửa đưa qua đưa lại. Tiếp đến là màn ngậm dầu hôi để phun lửa đầy mạo hiểm, để đổi lấy đồng tiền thưởng tùy tâm của thực khách. Nghề này ở Sài Gòn không rõ ai là ‘ông tổ’, chỉ biết phải hơn chục năm rồi người ta thấy trẻ đường phố chọn nó để kiếm cơm.
Trước lúc dịch bệnh xuất hiện cho đến thời điểm hiện tại, số lượng của những đứa trẻ mưu sinh bằng nghề xiếc lửa có lẽ vẫn được bổ sung ngày càng dày hơn (dĩ nhiên là đến tuổi nào đó, bước sang 17 chẳng hạn, những đứa trẻ này thường chọn nghề khác….).
Ở một cung đường đông đúc quán ăn uống đêm ở quận 8, trong tuần lễ cuối tháng mười hai này, chí ít cũng hơn 20 trẻ đường phố đều đặn mỗi ngày vác trên vai mình gánh nặng kiếm tiền để trang trải cuộc sống. Đó là chưa kể đến những trường hợp mưu sinh bằng nghề buôn bán như vé số, hàng rong…
Dẫu cho mùa lễ Giáng sinh thường được gắn liền với hình ảnh của trẻ em đang hạnh phúc vui chơi cùng gia đình, bạn bè thì nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn khác đang tranh thủ vào những ngày lễ để hy vọng làm ăn được khấm khá hơn. Đối với chúng thì việc đi chơi Noel là vào buổi sáng của ngày 25, khi mà đêm 24 đã dồn hết sức lực để kiếm tiền từ đêm của ngày 24-12.
Đêm ở những ngày này, trẻ đường phố lầm lũi bước đi trong những con đường vắng lặng bao trùm bóng tối cùng với xấp vé số hoặc balo đựng dụng cụ hành nghề xiếc lửa. Cũng bởi không khí Giáng sinh năm nay có vẻ ảm đạm, không còn nhiều những ánh đèn Noel được giăng lên ở nhiều con đường ngõ hẻm. Chỉ những nơi ăn uống, vui chơi hay xóm đạo mới trang trí lấp lánh để thu hút mọi người.
Dọc trên tuyến đường Võ Thị Sáu (quận 3) kéo dài đến đường 3/2 (quận 10) đã tăng lên thêm một số trường hợp những đứa trẻ nhỏ độ khoảng 5 tuổi phải theo phụ huynh kiếm cơm trong đêm của năm. Với những đứa trẻ này xem ra cũng may mắn vì còn đủ đầy sau đại dịch Covid, để rồi chúng có được một mùa Giáng sinh cả nhà cùng quây quần bên nhau, không đèn đóm, tiệc tùng mà chỉ là những hộp cơm, gói bánh từ mạnh thường quân san sẻ.
Những ngày cận kề đêm Thiên chúa giáng trần, với riêng những đứa trẻ hè phố, luôn trông ngóng về một đêm bán được nhiều món hàng hơn từ những cuộc vui của người khác, bởi với chúng, việc bán hàng mưu sinh hằng ngày thực sự là một gánh nặng quá lớn so đôi vai non nớt của lứa tuổi hoa niên.
Nếu ông già Noel là có thật, những đứa trẻ này chỉ mong ước đơn giản là được khỏe mạnh, có cuộc sống tốt đẹp, hoặc đôi khi chỉ là được sống bên ba mẹ suốt đời.