Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ngày Hòa Bình

Ngụy Hữu Tâm

 

(VNTB) – Hãy nghiêm chỉnh nói về một ngày trọng đại trong lịch sử hiện đại Việt Nam, không a dua, không nịnh hót và nhất là không bóp méo lịch sử nhằm để hòa hợp dân tộc. 

Xin đừng cả vú lấp miệng em! Vì vậy chỉ xin nói ngắn gọn thôi.

 

Ngày mai là một ngày lễ quan trọng ở nước Việt Nam ta. Mọi người được nghỉ hai ngày liền, nếu nghỉ “pont-bắc cầu” thì có khi gần cả tuần, ngang với ngày Tết cổ truyền.

Ngày này năm 1975, từ là trước nay đúng 46 năm, non nửa thế kỷ, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói: “Vào ngày này ở nước ta, có triệu người vui thì cũng có triệu kẻ buồn”.

Tại sao khốn khổ vậy?

Đó là bài toán hòa giải mà cho đến ngày hôm nay, 47 năm sau ngày Hòa Bình, chưa giải quyết xong. Bên thắng cuộc gọi là Giải phóng Miền Nam, bên thua cuộc gọi là ngày hận thù. Sau 47 năm, số người vui bên này và số người buồn bên kia đều giảm, nhưng chắc phải chờ cho đến khi số đó ngang nhau mới mong có được hòa giải chăng?

Tôi chẳng phải nhà tiên tri nên không dám đoán trước, nhưng tin chắc rằng ngày đó phải đến, chẳng chóng thì chày!

Người Việt mất bốn triệu mạng người để có ngày này, 30 tháng 4, 1975, hòa bình để sau đó một năm dẫn đến thống nhất đất nước.

Người Đức năm 1989 cũng đạp đổ bức tường để sau đó một năm dẫn đến thống nhất đất nước. Người Đức thông minh và giàu có, giàu có do thông minh mới bền chặt chứ do ăn cướp thì chẳng sớm thì chày cũng đi đến lụn bại mà thôi. 

Tôi không nhớ họ bỏ ra bao nhiêu tỷ DM để quân Nga rút về nước và để đổi ngang bằng Mác Tây và Mác Đông là một ăn một, khi trên thị trường chợ đen đổi một ăn … bẩy. 

Còn ở ta sau chiến thắng 30 tháng 4, với các cuộc di tản, cải tạo (đánh) tư sản ở thành thị, hợp tác hóa ở nông thôn để cho đến hôm nay, mưc sống có đi lên nhưng cái đích là nước công nghiệp tiền tiến thì vẫn còn xa lắc xa lơ, cứ nói năm 2020 rồi nay là 2045 nhưng có gì bảo đảm năm đó đạt cái đích đó? 

Cái đích của các nhà lãnh đạo duy ý chí là khôn lường. 

Viết đến đây thì bỗng nhớ gần đây có nhiều bài trên mạng như các bài: Thổi bùng lại ngọn lửa Phan Chu Trinh của Lê Thân – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, Nhà nước của những phe nhóm quyền lực không phải nhà nước của dân  của Phạm Đình Trọng, Bao giờ có Ngày Hòa giải thống nhất lòng người?  của Lưu Trọng Văn, Tự do ngôn luận ở xứ sở mà chính quyền là ông chủ của Tấn Thành, Chính ‘ta’ thúc đồng bào tin các ‘luận điệu xuyên tạc’ của Trân Văn, Thấy gì qua chuyến đi của ông Phạm Minh Chính đến Jakarta? của Jackhammer Nguyễn,  Việt Nam đối chọi làn sóng dịch covid lần thứ 4 của Mai Lan; Cần tu chỉnh điều luật 117 của bộ luật hình sự…đều là những bài hết sức hay,

nhưng ấn tượng nhất là bài của Song Chi, cũng đúng ý tôi nên xin được nhắc lại:

…Đã 46 năm kể từ khi chiến tranh VN kết thúc. Thời gian dài gần bằng hai thế hệ. 

Người cộng sản luôn tự hào là họ đã kết thúc được cuộc chiến, thống nhất được đất nước! Cứ mỗi dịp này báo chí nhà nước ở VN lại chạy hết công suất để nhắc lại những “chiến công” lừng lẫy trong “cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam”…còn bên kia ở hải ngoại nhắc lại những nỗi đau của “tháng Tư đen”. 

Chỉ vài năm gần đây, những cụm từ như “chế độ ngụy, tay sai bán nước” một thời thường được “bên thắng cuộc” dùng để nói đến chế độ VNCH cũ đã bớt đi, một số bài viết cũng khéo léo dùng chữ “mừng ngày thống nhất đất nước” hơn là “mừng ngày chiến thắng”Ngược lại, theo thời gian ngôn từ căm hận trong những bài viết của “bên thua cuộc” cũng nhẹ bớt. Nhưng tôi thấy vẫn còn đó nỗi đau, sự tiếc nuối cho một chữ “nếu” của lịch sử trớ trêu. 

Cùng với nỗi đau chung cho đất nước là nỗi đau về những mất mát riêng của từng cá nhân, từng gia đình khi một biến cố lịch sử ập đến, đã làm đổi thay bao nhiêu số phận. 

Có cả những câu chuyện của những người thuộc phe chiến thắng nhưng cũng ẩn chứa những nỗi đau khác, có người ngay sau ngày tiếng súng vừa tắt, đã ngồi bên vệ đường Sài Gòn để khóc vì biết mình bị lừa dối, uổng phí cả một thời tuổi trẻ để đi “giải phóng” một quốc gia tự do, nhân bản, văn minh, phồn thịnh hơn quốc gia nơi mình sinh ra và lớn lên, có người nhiều năm sau mới ngậm ngùi nhận ra mặt trái của tấm huân chương…

Cuộc đời của mỗi con người, mỗi gia đình Việt Nam tự nó đã là một cuốn sách, một bộ phim, qua đó người ta có thể hình dung được một phần bức tranh của dân tộc và nếu chỉ cần kể lại một cách trung thực, thì rất nhiều cuộc đời đó còn chân thực hơn gấp bao nhiêu lần những cuốn sách, bộ phim, của người Mỹ hay của người Việt, đã viết, đã thực hiện, về Chiến tranh Việt Nam. 

Cũng như bao nhiêu gia đình người Việt khác, gia đình họ hàng tôi có cả hai phe Nam – Bắc và cuộc sống đã hoàn toàn thay đổi theo chiều ngược nhau sau 30/04. 

Sự ly tán đã có trong thời chiến, thời hậu chiến gặp lại nhau, không ai bảo ai nhưng có một chủ đề chung đều muốn né tránh là chuyện chính trị, chuyện chiến tranh. Họ hàng thì vẫn là họ hàng, một giọt máu đào hơn ao nước lã, nhưng quan điểm chính trị chẳng phải lúc nào cũng đồng thuận, trong một dòng họ đã như thế, nói gì giữa nhà cầm quyền với người dân. 

Rồi hàng chục năm sau, họ hàng tôi lại tiếp tục ly tán, quê hương không còn là nơi đất lành chim đậu nên nhiều người phải bỏ nước ra đi, tản mác khắp bốn phương trời. Nhưng dù đã là công dân của nước khác, đa số người Việt vẫn đau đáu chuyện quê nhà, thì giờ dành để theo dõi, vui buồn theo từng biến cố ở VN nhiều hơn dành cho những sự kiện ở quê hương thứ hai. 

Vì sao không quên được quá khứ?

Chỉ có thế hệ trẻ như con gái tôi, rời nước khi còn ở tuổi thiếu niên, hay những bạn trẻ sinh ra ở nước ngoài là không quan tâm bao nhiêu tới VN, và không hiểu nổi tại sao người Việt không thể quên?

Đó cũng là câu hỏi của rất nhiều người, rằng tại sao người Việt, ở cả hai phe, cứ luôn nhắc hoài về quá khứ? Sao không bỏ qua, cùng nhau nhìn về phía trước để xây dựng đất nước? Tại sao 40, 42, rồi 46 năm trôi qua nhưng hàng chục triệu người Việt, dù có dính líu trực tiếp đến cuộc chiến hay không, vẫn không thể bình an, thậm chí như một nhà thơ từng nói, là bị hội chứng PTSD (post-traumatic stress disorder)?

Câu trả lời thật ra rất đơn giản. Nếu sau chừng ấy năm, Đảng Cộng sản làm cho đất nước trở nên giàu mạnh, bảo vệ được chủ quyền trọn vẹn về lãnh thổ lãnh hải, người dân thực sự được sống trong một xã hội tự do, dân chủ, nhân bản, tiến bộ, Việt Nam có vị thế của mình trên thế giới, thì vết thương của cuộc chiến tranh đã qua, dẫu có tàn nhẫn đến đâu, cũng sẽ tự lành. Cả dân tộc sẽ khép lại quá khứ, chấp nhận thực tại và hào hứng hướng về tương lai. Chính vì đảng cộng sản không làm được như vậy, thậm chí ngược lại, nên nỗi đau vẫn cứ còn mãi, thời gian càng lùi xa, càng đau…

Đẩy nhân dân vào cuộc chiến tương tàn vì lý tưởng XHCH nhưng sau đó Đảng Cộng sản đã phản bội lại chính những lý tưởng, học thuyết, mô hình thể chế chính trị mà họ từng mù quáng tin và bắt nhân dân phải tin theo. Họ đã phản bội lại hàng triệu người dân miền Bắc, trong đó có những người ngã xuống vì tin vào “cuộc chiến tranh thần thánh chống Mỹ, giải phóng miền Nam”, cho một tương lai tốt đẹp hơn! Tất cả những gì họ đã từng hô hào chống lại trước kia giờ đây họ lại làm theo, nhưng tồi tệ hơn!

Không biết cần bao nhiêu thời gian để phục hồi, xây dựng lại là sự tàn phá về thiên nhiên-môi trường, về văn hóa, đạo đức xã hội, và về nhân cách, khí chất, lòng tự tôn của một dân tộc? 

ĐCSVN đã bỏ qua rất nhiều cơ hội “vàng” để hòa giải hòa hợp thực sự với bên thua trận, với nhân dân, và để chuyển hóa thành một thể chế dân chủ đa đảng, hội nhập với xu hướng tiến bộ chung của thế giới. 

Nghiêm trọng nhất là mối quan hệ bất xứng, thiệt thòi và nguy hiểm cho độc lập dân tộc của VN giữa hai Đảng Cộng sản Việt Nam-Trung Quốc trong suốt một thời gian dài, khiến Việt Nam phải liên tiếp trải qua hai cuộc chiến tranh khác là chiến tranh biên giới phía Bắc, chiến tranh biên giới Tây Nam, mất đảo, lãnh thổ, lãnh hải, phụ thuộc nặng nề về kinh tế, chính trị, và luôn luôn đứng trước nguy cơ hiểm họa bành trướng của Trung Quốc. 

Tất cả những điều đó đã làm cho nỗi đau tháng Tư vẫn không thể nguôi vơi trong lòng rất nhiều người dân Việt Nam như tôi.

Nhưng không thể cứ nhìn mãi về quá khứ, về những sai lầm, những cơ hội đã bị bỏ lỡ. 

Một lần nữa, như một sự trớ trêu của lịch sử, Việt Nam lại nằm trong khu vực sẽ trở nên sôi động nhất, “nóng” nhất trong tương lai gần, với sự đối đầu giữa hai phe, một bên là Hoa Kỳ và các nước đồng minh, bên kia là Trung Quốc vừa bắt tay với Nga, và có thể có thêm Iran, Bắc Hàn, cùng cạnh tranh khốc liệt để giành ảnh hưởng, vị trí trên toàn cầu. 

Nhìn lại thời kỳ chiến tranh lạnh giữa hai phe tư bản-cộng sản, Việt Nam có học được bài học lịch sử để một lần nữa, không trở thành con tốt trên bàn cờ chính trị thế giới, hoặc lẻ loi đơn độc và cuối cùng buộc phải ngả vào sự kiềm tỏa của phe Trung-Nga, liệu có là câu hỏi chỉ dành riêng cho nhà cầm quyền, hay cho tất cả người dân?

Từ giữa thập niên 1970, thế giới đã chứng kiến làn sóng thứ ba của quá trình dân chủ hóa lần đầu tiên diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Ban Nha, rồi một số quốc gia trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á như Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, ở Trung Âu và Đông Âu là những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, đã làm sụp đổ cả khối XHCN cũ. 

Chỉ có Việt Nam dường như vẫn đứng ngoài mọi biến động. Điều đáng buồn là người Việt, vốn đã chia rẽ vì nguyên nhân lịch sử, mấy năm vừa qua lại thêm chia rẽ vì bất đồng quan điểm khi nhận định về chính trị Mỹ, cộng với sự đàn áp ngày càng hà khắc của công an Việt Nam, khiến những tiếng nói đối lập, những hành vi phản kháng gần như chìm lắng hẳn. 

Mỗi thế hệ suy cho cùng cũng chỉ có thể chịu trách nhiệm về những gì xảy ra trong thời của mình. Làm sao để Việt Nam không tiếp tục chịu số phận đi sai đường và thường xuyên bị nhỡ tàu, mà có thể hội nhập với thế giới tự do, để mai này đất nước, con người Việt Nam được “giải phóng” khỏi mọi sự kìm hãm và phát triển hết mức có thể; làm sao để 5, 10 năm nữa người Việt có thể thanh thản khi nhìn lại những trang sử cũ, là trách nhiệm của thế hệ hôm nay. 

Không được và không thể đổ lỗi cho quá khứ và những người đi trước. Chỉ nên mạnh dạn tin vào tương lai và thế hệ trẻ 4.0. Chỉ có thế thì mới có hy vọng cho dân tộc này và không để tuột đi một thời cơ hết sức thuận lợi một lần nữa. 

Chỉ có người cộng sản mới có thể tự đứng lên thay đổi chính mình như Gorby năm 1989 từng làm ở Nga thôi. 

Hy vọng sắp tới có một người như vậy ở cái nước khốn khổ này. Nhưng sức ép của dư luận quần chúng cũng có thể rất lớn đấy.

Mong cho bài này có nhiều người hưởng ứng.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Chấm phá đời tôi (20)

Do Van Tien

VNTB – Vài nét chấm phá từ cuộc đời tôi (bis 32) 

Phan Thanh Hung

VNTB – Điểm báo hàng tuần

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo