Stephen S. Roach
Phạm Nguyên Trường dịch
(VNTB) – Cuộc “tấn công” mới của Trung Quốc trên toàn cầu thậm chí còn phi lý hơn. Nó chống lại cuộc phản công chống toàn cầu hóa của những người dân túy đang vùng lên ở nhiều nước đã phát triển…
Tương lai của Trung Quốc?
Tôi từng giảng học phần được nhiều người ưa thích ở Yale gọi là “Nuớc Trung Quốc trong tương lai” trong suốt bảy năm qua. Ngay từ đầu, trọng tâm của khóa học này là những bước chuyển tiếp của nền kinh tế Trung Quốc hiện đại – cụ thể là chuyển đổi từ mô hình nhà sản xuất thành công trong thời gian dài sang nền kinh tế được thúc đẩy bởi việc tiêu dung ngày càng gia tăng của các gia đình ở trong nước. Tôi đã dành khá nhiều thời gian để nói về những rủi ro và cơ hội của quá trình tái cân bằng này – và những hậu quả đối với sự phát triển bền vững của Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu nói chung.
Mặc dù nhiều thành tố quan trọng của quá trình chuyển tiếp của Trung Quốc đã được xây dựng – đặc biệt là tốc độ gia tăng nhanh chóng trong lĩnh vực dịch vụ và đô thị hóa – nhưng đang xảy ra một bước ngoặt mới và quan trọng, không thể lầm lẫn được: Hiện nay, dường như Trung Quốc đang chuyển từ người tìm cách thích nghi thành người điều khiển quá trình toàn cầu hóa. Trên thực tế, nước Trung Quốc tương lai đang đặt cược vào mối liên kết của họ với thế giới ngày càng hội nhập nhiều hơn – và gây ra ra một loạt những rủi ro và cơ hội mới.
Tín hiệu đã xuất hiện cách đây mấy năm. Sự thay đổi mang tính chiến lược này thể hiện rõ sánh kiến của chính Chủ tịch Tập Cận Bình – cụ thể là, “Giấc mơ Trung Hoa” của ông ta. Khởi thủy, giấc mơ là một câu thần chú mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa: Khôi phục sức mạnh, nhờ đó, nước Trung Quốc sẽ giành lại được vị trí trước đây của mình trên toàn cầu, tương xứng với địa vị của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Nhưng hiện nay, Giấc mơ Trung Hoa đã có hình thức của một kế hoạch hành động cụ thể, mà trung tâm của nó là Một vành đai, Một con đường (OBOR). Sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng đầy tham vọng này kết hợp sự giúp đỡ về kinh tế với việc phô trương sức mạnh địa-chiến-lược, được hỗ trợ bởi một tập hợp các định chế tài chính lấy-Trung Quốc-làm-trung-tâm vừa mới được dựng lên – Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB), Ngân hàng Phát triển BRICS (BRICS, gồm các nước Barazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – ND) và Quỹ Con đường tơ lụa.
Đối với những người đang nghiên cứu về quá trình chuyển đổi nền kinh tế của Trung Quốc, đây không phải là sự phát triển thông thường. Trong khi quá trình dịch chuyển vẫn đang diễn ra, tôi muốn nhấn mạnh ba ý.
Thứ nhất, Trung Quốc chưa quay hẳn được 1800. Là nhà kinh tế học, tôi có xu hướng chú ý thật nhiều vào các mô hình và giả thuyết rằng các nhà hoạch định chính sách có thể nhảy từ mô hình này sang mô hình khác. Nhưng, không phải là từ đen thành trắng – đối với Trung Quốc cũng như bất kỳ nước nào khác.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, vì những mục đích thực tế, hiện nay đã thừa nhận rằng chiến lược tăng trưởng dựa trên tiêu dùng khó thực hiện hơn là người ta nghĩ lúc ban đầu. Từ năm 2010, tỷ lệ dành cho tiêu dùng trong GDP chỉ tăng có 2,5% – thua xa gia tăng thu nhập cá nhân, được dự đóan là 7,5% trong lĩnh vực dịch vụ và gia tăng tỷ lệ dân số đô thị có thu nhập cao là 7,3%, trong cùng thời kì này.
Sự cách biệt như thế là do mạng lưới an sinh xã hội còn nhiều khiếm khuyết, tiếp tục khuyến khích người ta tiết kiệm để phòng ngừa rủi ro, cản trở phát triển tiêu dùng một cách linh họat. Trong khi vẫn cam kết với quá trình đô thị hóa và phát triển lĩnh vực dịch vụ, Trung Quốc đã dựa vào nguồn tăng trưởng mới ở bên ngoài nhằm bù đắp cho nhu cầu nội bộ.
Thứ hai, “cuộc tấn công” trên toàn cầu này mang nhiều đặc điểm của mô hình của nhà sản xuất cũ. Nó tạo điều kiện chuyển sư dư thừa càng đáng lo ngại về năng lực sản xuất ở trong nước sang những đòi hỏi về cơ sở hạ tầng của Một vành đai, Một con đường. Và, dựa vào các doanh nghiệp nhà nước (SOE) nhằm thúc đẩy đầu tư, trong khi cản trở những cuộc cải cách đã chin muồi từ lâu trong lĩnh vực công nghiệp quá to lớn này của Trung Quốc.
Mặt trái của sự hỗ trợ mới xuất hiện này đối với mô hình nhà sản xuất là làm mất ưu thế của tăng trưởng dựa vào tiêu dùng. Trong Báo cáo công tác hàng năm của Thủ tướng Lý Khắc Cường – tuyên bố chính thức về chính sách kinh tế – đã nhấn mạnh rằng việc chuyển đổi cơ cấu sang mô hình tăng trưởng dựa trên tiêu dùng đã giảm trong suốt hai năm qua (xếp hạng ưu tiên thứ ba trong cả hai năm 2016 và năm 2017, sau những biện pháp gọi là những sáng kiến cung-cầu, là những biện pháp được ưu tiên hơn).
Thứ ba, biện pháp tiếp cận toàn cầu mới của Trung Quốc phản ánh sự thay đổi trong nền quản trị quốc gia. Việc củng cố quyền lực của Tập ở trong nước chỉ là một phần của toàn bộ câu chuyện. Việc di chuyển quá trình ra quyết định về kinh tế từ Ủy ban Cải cách và Phát triển đất nước (NDRC) của Hội đồng Nhà nước sang Nhóm lãnh đạo nhỏ của Đảng, cũng như chiến dịch chống tham nhũng, tăng cường kiểm duyệt Internet và các quy định mới về các tổ chức phi chính phủ là đặc biệt quan trọng.
Sự phi lý của việc tập trung quyền lực là rõ ràng. Nói cho cùng, ban đầu Tập đã hứa là sẽ phá vỡ các khối quyền lực đã ăn sâu bén rễ, và những cuộc cải cách được tuyên bố trong Hội nghị III vào tháng 11 năm 2013 nhấn mạnh khuyến khích dành cho thị trường vai trò quyết định hơn nữa.
Nhưng cuộc “tấn công” mới của Trung Quốc trên toàn cầu thậm chí còn phi lý hơn. Nó chống lại cuộc phản công chống toàn cầu hóa của những người dân túy đang vùng lên ở nhiều nước đã phát triển. Là nền kinh tế hướng vào sản xuất, từ lâu, Trung Quốc đã là người được lợi nhất từ quá trình toàn cầu hoá – cả từ tăng trưởng do xuất khẩu và giảm nghèo do người lao động dư thừa đã tìm được việc làm. Cách tiếp cận này đã rơi vào ngõ cụt, do sự mất cân đối trong nội bộ nền kinh tế Trung Quốc, suy giảm thương mại sau khủng hoảng toàn cầu và gia tăng những biện pháp bảo hộ nhắm vào Trung Quốc. Kết quả là, những nỗ lực mới của Trung Quốc nhằm đạt được tăng trưởng từ toàn cầu hóa đã gặp những thách thức nghiêm trọng.
Sự xuất hiện nước Trung Quốc toàn cầu hóa hơn cũng có những hậu quả nghiêm trọng đối với chính sách đối ngoại của nước này. Những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông đã hiện rõ, nhưng sự hiện diện của Trung Quốc ở châu Phi và Mỹ Latin cũng đang được người ta chú ý. Chiến lược mới này có lẽ là vấn đề lớn nhất – liệu Trung Quốc lấp đầy khoảng trống do quan niệm “Mỹ trước hết” của Tổng thống Mỹ, Donald Trump, tạo ra hay không.
Tóm lại, Trung Quốc trong tương lai sẽ hướng mạnh hơn ra bên ngoài, quyết đoán hơn và tập trung quyền lực hơn là tôi tưởng tượng khi tôi bắt đầu giảng dạy môn học này vào năm 2010. Đồng thời, dường như nước này không còn cam kết mạnh mẽ với chương trình cải cách thị trường, với đặc điểm là tiêu dùng cá nhân và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước như trước đây nữa. Thật khó biết liệu cách làm này có làm thay đổi kết quả của quá trình tái cân bằng của Trung Quốc hay là không. Tôi hi vọng là không. Nhưng nhờ những tình tiết như thế mà người ta sẽ thích dạy khóa học ứng dụng, ở đấy người ta sẽ phải thường xuyên chú ý vào mục tiêu đang di chuyển.
———————-
Stephen S. Roach, cựu chủ tịch và kinh tế trưởng của Morgan Stanley Asia, hiện là cộng tác viên cao cấp của Yale University’s Jackson Institute of Global Affairs và giảng viên cao cấp ở Yale’s School of Management. Ông là tác giả cuốn Unbalanced: The Codependency of America and China.
Nguồn https://www.project-syndicate.org/commentary/global-china-risks-and-opportunities-by-stephen-s–roach-2017-05