(VNTB) – Những kẻ có quyền mà kém trí tuệ, lại kiêu ngạo thì khi thấy việc có thể mang lại một lợi ích nào đó đã vội vã ban bố văn bản pháp luật bắt mọi người thi hành mà không chịu cân nhắc, suy nghĩ.
Lợi ích là động lực mạnh thúc đẩy người ta hành động. Nhưng trong đó tai họa có thể ẩn nấp, vì vậy Khổng Tử mới nhắc “Kiến lợi tư nghĩa” (Thấy lợi phải nghĩ đến nghĩa), còn trong xã hội Ba Tư cổ có câu được cho là có giá trị nhất trên đời: “Trước khi làm việc gì, ngoài lợi ích mà nó mang lại cần tìm cho hết những tai họa kèm theo”. Hai điều vừa nói là dành cho những người có quyền, có trí tuệ , có đạo đức. Riêng đối với những kẻ có quyền mà kém trí tuệ, lại kiêu ngạo thì khi thấy việc có thể mang lại một lợi ích nào đó đã vội vã ban bố văn bản pháp luật bắt mọi người thi hành mà không chịu cân nhắc, suy nghĩ. Nghị định 168 về xử phạt các lỗi trong giao thông đường bộ là một trường hợp như vậy.
Nghị định vừa có hiệu lực đã làm ách tắc giao thông liên tục ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, gây ra bức xúc, phẫn nộ cho hàng triệu người tham gia giao thông, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng mỗi ngày cho nền kinh tế. Thế nhưng hình như truyền thông nhà nước và những cơ quan có trách nhiệm chưa có phát biểu nào vạch ra, đụng chạm đến. Theo dõi mạng xã hội tôi thấy có vài bài, nhưng ngoài các ý kiến phản ánh tình hình và góp ý thì cho rằng việc ban hành NĐ là cần thiết và có lợi. Phải chăng viết như thế nhằm xoa dịu sự việc (Bài trên Youtube: Nóng, Quốc hội họp bất thường:Nghị định 168 vi phạm luật, yêu cầu tạm đình chỉ (*)
Phạm luật, bị phạt là đúng. Nhưng cần phân biệt hai tình huống phạm luật là cố tình hoặc vô ý. Sự phân biệt này là dễ nhận ra như phóng nhanh, vượt ẩu, đánh võng v.v..và tương đối khó đối với một số lỗi khác. Lúc này cần đến sự nhạy cảm và linh hoạt của người thi hành công vụ.
Để ngăn ngừa sự phạm luật thì chính quyền cần làm được ít nhất ba việc:
1-Làm cho người ta không muốn phạm luật. Điều này tác động vào nhận thức và đạo đức, do nền giáo dục đảm nhiệm.
2-Làm cho người ta quá sợ mà không dám phạm luật. Điều này do luật pháp và bạo hành của cảnh sát khống chế.
3-Làm cho người ta không thể phạm luật. Với giao thông thì đó là có đường xá rộng rãi, có tổ chức và chỉ dẫn rõ ràng. Trong trường hợp có nhiều phương tiện lưu thông, đường sá chật hẹp, tín hiệu đèn không thật chuẩn mà quy định của luật quá khắt khe thì chỉ đẩy người tham gia giao thông vào bế tắc.
Tác động vào nhận thức và đạo đức bằng giáo dục để quản trị xã hội là cách làm văn minh, có hiệu quả, còn cách tạo ra sự sợ hãi quá mức để ép buộc người ta thì chỉ nên xem là biện pháp cực bất đắc dĩ và nhất thời vì cách làm như thế là thất nhân tâm.
Tóm lại, Nghị định 168 chỉ có thể mang lại một chút lợi ích nhỏ xíu mà gây ra tác hại rất lớn. Tôi chưa thể hình dung, ở các nước mà người dân không quá sợ chính quyền, gặp phải trường hợp như NĐ 168 thì họ sẽ phản ứng như thế nào và dư luận các nước khi biết một người lái xe taxi khi vô tình phạm một lỗi nhỏ trên đường bị phạt một số tiền nhiều hơn thu nhập hàng tháng của họ thì người ta sẽ nghĩ như thế nào về ưu việt của một nhà nước lớn tiếng tự xưng là của dân, do dân, vì dân.
Như đã trích dẫn tại (*), đề nghị Quốc hội nhanh chóng cho điều tra và hủy bỏ ngay NĐ 168, đồng thời truy cứu trách nhiệm những cá nhân chủ trương ban hành nghị định đó.