VNTB – Người lao động Việt Nam đang khốn khổ hơn trước

VNTB – Người lao động Việt Nam đang khốn khổ hơn trước

Phú Nhuận

 

(VNTB) – Lương công nhân tăng 1 thì vật giá chung phi mã gấp chục lần, cuối cùng khốn khổ nhất vẫn thuộc về người lao động.

 

Ai bóc lột mà công nhân lâm cảnh nghèo khó?

Khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam về nhu cầu tăng lương tại doanh nghiệp được thực hiện mới đây trên hơn 2.000 công nhân trong cả nước cho thấy: Nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của công nhân, lao động chỉ ở mức trung bình 4,92 triệu đồng/tháng. Hầu hết những gia đình công nhân vẫn rơi vào khó khăn, túng quẫn ngay cả khi họ không làm thêm giờ.

Bên cạnh đó, có hơn 55% công nhân, lao động cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ trang trải chi phí cơ bản cho cuộc sống. 23% cho biết họ phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ mới đủ và có hơn 13% cho biết thu nhập hiện nay không đủ sống mức sống cơ bản tối thiểu.

12% công nhân lao động cho biết thường xuyên đi vay hàng tháng để chi tiêu, ổn định cuộc sống. 35% số được khảo sát nói thi thoảng phải đi vay, chỉ có hơn 17% nói không phải đi vay tiền để chi tiêu.

Do túng quẫn nên có tới hơn 1/5 số lao động được khảo sát cho biết họ từng đã rút bảo hiểm xã hội 1 lần, chiếm hơn 20%, sau đó lại tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội. Có 5,5% người được hỏi rất ít khi trong bữa cơm của họ có thịt, cá với chỉ 1 tuần/1 lần. Có 33% cho biết thi thoảng 1 tuần/3 lần có mua thịt cá trong bữa ăn. Điều này dẫn tới tình trạng sức khỏe không đảm bảo.

Hơn 54% lao động cho biết lương thấp, không đủ sống là nguyên nhân khiến họ e ngại không muốn lập gia đình. Đến 67% lao động có gia đình, có 2 con cho biết tiền lương không đủ đảm bảo chi phí học hành cho con cái.

Ngoài ra tiền lương thấp cũng khiến nhiều lao động e ngại khi tiếp cận với các chính sách chăm sóc sức khỏe. Hơn 43% lao động cho biết họ không dám đi khám vì không có tiền. Khi ốm đau chỉ tự mua một số loại thuốc cơ bản. Có tới 57% lao động tự mua thuốc về chữa trị và chỉ đến cơ sở y tế khi bệnh trở nặng.

Để bù đắp thu nhập, hơn 44% lao động được khảo sát chọn giải pháp làm thêm để tăng thu nhập…

Liệu tăng lương có thể giải quyết?

Nhìn tổng thể thì câu trả lời ở đây, đó là tiếc thay khi đó cũng chỉ là “muối bỏ biển”. Đơn cử, giữa lúc “dầu sôi lửa bỏng” khi hầu hết nhu yếu phẩm đều tăng giá thì đề xuất tăng học phí của hai sở giáo dục ở Hà Nội và TP.HCM với căn cứ pháp lý theo nghị định của Chính phủ.

Theo đó, Nghị định 81 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kỳ ban hành, quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, có hiệu lực từ ngày 15-10-2021.

Phía lãnh đạo địa phương giải thích do nghị định của Chính phủ quy định về học phí nên UBND các tỉnh thành bắt buộc phải tuân thủ và chỉ có thể đề nghị Hội đồng nhân dân dựa trên tình hình kinh tế địa phương để có gói hỗ trợ học phí cho học sinh, qua việc cấp bù kinh phí cho các trường.

Bà Nguyễn Thu Oanh – vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê – cho biết tác động của việc thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục theo nghị định 81 trong thời gian tới là rất lớn.

Tổng cục Thống kê ước tính giá dịch vụ giáo dục gồm học phí các khoản khác liên quan điều chỉnh sẽ làm cho CPI bình quân cả nước năm 2022 tăng thêm khoảng 0,55 – 1,05%. Bên cạnh đó, việc tăng giá sách giáo khoa cũng làm CPI bình quân cả nước năm 2022 tăng thêm khoảng 0,05%.

“Để đạt được cả hai mục tiêu giữ CPI bình quân khoảng 4% và điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý trong năm nay là điều không hề đơn giản”, bà Oanh nhấn mạnh.

Nôm na nếu lương tăng 1 thì vật giá chung phi mã gấp chục lần, cuối cùng khốn khổ nhất vẫn thuộc về người lao động.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)