Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nguy cơ lây bệnh do “thổi ống”

Phương Nguyên

(VNTB) – “Cứ thổi đại trà, không nhậu bị thổi thì không dính nồng độ cồn có khi dính bệnh”

 

Bác sĩ Nguyễn Tiến Đạo nửa đùa, nửa thật với đám bạn cũ ở buổi họp mặt: “Đứa nào lao phổi BK (+) nó phun vô đó, thằng đi sau ăn cho hết”.

Về lý thuyết, thiết bị phễu thổi dùng để kiểm tra nhanh lái xe có sử dụng bia, rượu hay không. Khi phát hiện ra có dấu hiệu sử dụng bia, rượu, cảnh sát giao thông mới sử dụng ống thổi để đo định lượng cụ thể, làm căn cứ ra quyết định xử phạt theo quy định.

“Cứ thổi đại trà, không nhậu bị thổi thì không dính nồng độ cồn có khi dính bệnh” – bác sĩ Tiến Đạo nhận xét và nói rằng chắc mấy ông cảnh sát giao thông thích “thổi chung ống” để tiết kiệm ngân sách quốc gia cho cái vụ “thổi đại trà” này.

Một đồng nghiệp với bác sĩ Tiến Đạo cũng cà rỡn góp chuyện rằng mấy nhà sản xuất dược phẩm rất khoái mấy cái vụ “thổi chung ống” này, ví dụ như với con helicobacter pylori (HP) khiến dạ dày bị loét chẳng hạn. “Người khỏe có thể mắc bệnh HP dạ dày nếu tiếp xúc với nước bọt của người đang nhiễm HP dạ dày. HP dạ dày dương tính còn là nguy cơ đưa đến ung thư dạ dày” – bác sĩ Chu Đức Tuấn cảnh báo.

“Mấy ông cảnh sát giao thông giải thích khi nào đo nồng độ cồn định lượng xác định cụ thể mức vi phạm, người dân mới phải ngậm ống, còn phương pháp đo nồng độ cồn định tính, người dân không phải ngậm ống nên không phải thay.

Cách hiểu cảm tính của mấy ổng là cách của học trò… mẫu giáo, vì hồi bùng dịch Covid người ta nghe ra rả tuyên truyền chuyện buộc phải đeo khẩu trang đề tránh ‘dịch tiết đường hô hấp’ từ bọt li ti qua hơi thở khi tiếp xúc gần. Đàng này là chủ động lấy hơi để thổi, để ống thổi càng xa thì càng phải gắng sức thổi.

Các giọt bắn dịch tiết đường hô hấp từ những người bị nhiễm bệnh cũng có thể rơi và bám vào vào các bề mặt, làm bề mặt bị nhiễm mầm bệnh. Bề mặt nhiễm mầm bệnh đã được ghi nhận trong nhiều báo cáo, một người khi chạm vào các bề mặt nhiễm mầm bệnh này sau đó chạm vào mắt, mũi hoặc miệng trước khi làm sạch tay cũng có thể bị nhiễm bệnh. Như vậy xem ra còn là tội cho mấy đồng chí cảnh sát tự dưng bị lây bệnh khi thi hành công vụ” – điều dưỡng Đặng Thị Bích Thu, góp chuyện bàn luận về vụ thời sự ‘nồng độ cồn’ hổm rày ở TP.HCM.

Bác sĩ Tiến Đạo nhắc nhở về bệnh tăng bạch cầu đơn nhân do vi rút Epstein-Barr (EBV) và vi rút cytomegalovirus (CMV), cũng là những ví dụ về nhiễm trùng lây lan qua đường miệng từ nước bọt chứa vi rút.

Tưởng cũng nên nhắc lại: Ngày 7-2-2020, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) thông báo về việc xử lý vi phạm nồng độ cồn trong thời gian dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (2019-nCoV) gây ra, theo đó tạm thời các tổ tuần tra không sử dụng phễu thổi để đo định tính. Khi ấy các tổ cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ sử dụng máy đo có ống thổi riêng cho từng trường hợp để đo định lượng, bảo đảm tiệt trùng cho thiết bị đo, ống thổi. Mỗi ống thổi sau khi sử dụng xong phải bỏ vào túi ni lông kín để xử lý theo quy định của Bộ Y tế.

“Mấy ông là thầy thuốc nên nhìn đâu cũng méo mó nghề nghiệp. Tui nghe phía công an hướng dẫn rằng khi kiểm tra nồng độ cồn bằng máy đo định lượng, ống thổi này được các đồng chí cảnh sát giao thông mời người dân xé mới từ bao ni lông ra để lấy ống thổi và trực tiếp gắn vào máy. Mấy ông cứ nắm quy định vậy mà làm, nếu các đồng chí thi hành công vụ ‘quên xé bao’, thì mình mạnh miệng phản ứng và dọa tố cáo…” – một nhà báo trong nhóm thân hữu của bác sĩ Tiến Đạo đã ‘mách nước’.

Thế nhưng khi thắc mắc là văn bản pháp lý nào quy định “không chung ống thổi” thì ông nhà báo trên cho rằng: “nghe bên công an nói vậy!”.


Tin bài liên quan:

VNTB – Ngân hàng Nhà nước hút ròng 75.000 tỷ đồng chỉ trong 1 tuần

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Dự thảo Luật công đoàn sửa đổi vẫn còn tránh né?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Bộ trưởng Tài chính xài “tiền xu”?

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo