Nguyễn Nam
(VNTB) – “Năm 2017, khi còn ở Sở Thông tin và Truyền thông em Quách Duy có phân tích 17 bài viết của Phạm Chí Dũng để chuyển Công an TP.HCM xử lý. Mới đây, Phạm Chí Dũng đã bị bắt giam!”
Đó là đoạn trích trong một bài viết của tài khoản facebook Quách Duy (https://www.facebook.com/qduyvn/posts/455411831842461)
Liệu đó có phải là Herostratus – một cái tên mãi mãi được lưu truyền với hậu thế với biệt danh “kẻ đốt đền” của xứ sở thờ phụng thần Artemis?
Không rõ 17 bài viết mà Quách Duy, hiện là chuyên viên văn phòng ở Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, muốn nói đến là những bài nào, đăng tải ở đâu. Cũng không rõ ý của câu văn “phân tích 17 bài viết” là phân tích điều gì, căn cứ pháp lý ra sao; liệu đó có phải là các nội dung chịu sự điều chỉnh của pháp luật về giám định tư pháp?
“Bắt chước” Quách Duy, thử tìm hiểu dăm bài viết của nhà báo Phạm Chí Dũng được đăng trên trang web/ blog của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, tức VOA. Phân tích này sẽ căn cứ theo cáo buộc vào Điều 117, Bộ Luật hình sự hiện hành của Nhà nước Việt Nam được ghi trên các bản tin tường thuật hôm bắt giam nhà báo Phạm Chí Dũng.
Một số bài viết gần đây nhất trên VOA của nhà báo Phạm Chí Dũng sẽ lần lượt được ‘phân tích’ nhanh để xem phù hợp ra sao với cáo buộc Điều 117, Bộ Luật hình sự.
1. “Thế lực nào bảo kê cho các trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’?”. Phần kết của bài viết đó đã trả lời cho phần tựa bài, như sau: “Và dù Nguyễn Phú Trọng – chẳng mấy quan tâm đến mạng xã hội và lợi ích có được từ những trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’ – nên có thể đã chỉ đạo cho Bộ Thông tin và Truyền thông tìm cách tém dẹp những trang này, vẫn có thật nhiều kẻ khác không muốn mất đi mối lợi của cơ chế ‘truyền thông dọn đường cho đại hội 13’ và xem lệnh của Trọng chẳng ra gì”. (https://www.voatiengviet.com/a/trang-mang-ten-lanh-dao/5173849.html)
Như vậy, nếu quy chụp, thì bài viết này của nhà báo Phạm Chí Dũng có hơi hướm là lên tiếng cảnh báo về các thế lực ngay trong chính ‘triều đình’ đang kình chống nhau. Và điều đó thì khó thể xem là “chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” như cáo buộc của Điều 117, Bộ Luật hình sự.
2. “Trung Quốc đặt Trường Sa trong tầm ngắm?”. Phần kết bài viết này như sau: “Khốn thay, dù được xem là quốc gia có lực lượng quân sự hùng hậu nhất Đông Nam Á, nhưng tư thế cúi rúc của Bộ Chính trị đảng ở Việt Nam còn lâu mới vươn kịp dáng đứng thẳng của nhà nước Philippines khi dám kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế và đã thắng kiện vào năm 2016”. (https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-truong-sa-viet-nam/5170838.html)
Nếu quy chụp, thì đây có thể xem là hành vi ‘chê trách đảng cộng sản’. Hiện tại thì hành vi này chưa phải chịu bất kỳ sự chế tài nào của pháp luật hình sự.
3. “Vì sao EU vội vã và dễ dãi ký kết EVFTA và IPA?”. Tác giả bài viết không đưa ra được câu trả lời nào trong bài, nên kết bài bằng một yêu cầu cho thấy không liên quan cái gọi là ‘chống Nhà nước’: “Tháng 11 năm 2019, một lần nữa nhiều tổ chức xã hội dân sự quốc tế và Việt Nam đã gửi Thư ngỏ cho Chủ tịch quốc hội châu Âu và các cơ quan thuộc quốc hội này, đề nghị Nghị viện châu Âu hoãn việc phê chuẩn EVFTA và IPA cho đến khi các yêu cầu về nhân quyền đề ra được chính quyền Việt Nam đáp ứng”. (https://www.voatiengviet.com/a/eu-evfta-ipa-viet-nam/5168016.html)
4. “Trump cử Wilbur Ross đến Việt Nam để ‘cân bằng và đối ứng’?”. Phần kết của bài là loạt nghi vấn: “Rất có thể Trump đã cử Wilbur Ross đến Việt Nam không chỉ nhằm ‘phát triển quan hệ thương mại’ mà còn để ‘cân bằng và đối ứng’ – đòi hỏi mà đang khiến giới chóp bu Hà Nội hồi hộp và lo lắng hơn là một cảm giác hớn hở thường có khi nhìn thấy tiền viện trợ từ trên trời rơi xuống.
Nguyễn Phú Trọng và những đồng đảng của ông ta sẽ làm thế nào để gỡ khó từ phương trình ‘công bằng và đối ứng’ của Trump?
Nhưng phương trình trên lại chứa đựng quá nhiều ẩn số, mà bất kỳ ẩn số nào cũng rất dễ chạm vào nỗi đau không thể nói ra về tiềm lực kinh tế và ngoại thương của đảng CSVN, khi từ ‘HẾT TIỀN’ đang trở thành biển hiệu đặc trưng cho dòng chảy chủ nghĩa xã hội theo vết xe đổ của người anh em Venezuela”. (https://www.voatiengviet.com/a/wilbur-ross-thuong-mai-can-bang-doi-ung/5165998.html)
Pháp luật hình sự của Nhà nước Việt Nam hiện chưa có điều luật nào cấm người dân chê trách đảng cộng sản, mà ngược lại còn có vẻ khuyến khích người dân nếu ‘chê đúng’ (bài ‘Quyền tuyển và “đuổi đầy tớ” của dân’ http://tks.edu.vn/thong-tin-khoa-hoc/chi-tiet/119/615)
5. “Dầu cạn kiệt đếm ngược tuổi thọ chế độ”. Tựa bài viết này quả là rất sốc, ít nhiều mang tính thách thức, nhưng đó cũng là một cảnh báo thiết thực trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc quá nhiều vào Trung Cộng.
Bài viết đó có đoạn kết như sau: “Nổi lên trên bức tranh khốn quẫn ấy, dầu thô – nguồn tài nguyên gần như duy nhất để nuôi đảng – đang biến thành kim đồng hồ đếm ngược tuổi thọ của chế độ độc tài ở Việt Nam theo đúng quy luật của Mác ‘kinh tế quyết định chính trị’.
Nhưng những năm tuổi còn lại ấy thậm chí còn khó có thể trôi dạt và ăn bám như kế hoạch giảm dần sản lượng dầu khai thác của PVN, với lý do là khi PVN lên kế hoạch này thì chưa xảy ra vụ Trung Quốc quyết liệt cho tàu khống chế khu vực Bãi Tư Chính và đòi Việt Nam phải ‘cùng hợp tác khai thác dầu khí’ – mà về thực chất là ép Bộ Chính trị ‘đảng em’ phải mời kẻ cướp vào nhà để chia bôi tài sản với tỷ lệ có thể đến 60% dành cho Bắc Kinh.
Cũng bởi thế, cái kim đồng hồ đếm ngược không biết có còn cơ hội để chạm mốc 2025 hay sẽ ‘deadline’ trước đó”. (https://www.voatiengviet.com/a/dau-can-kiet-dem-nguoc-tuoi-che-do/5162964.html).
Tuy nhiên cũng như các bài viết kể trên, Điều 117 – Bộ Luật hình sự lại không có dòng nào chế tài về hành vi ‘nói xấu Bộ Chính trị’ hay ‘chống phá đảng cộng sản’.