Việt Nam Thời Báo

VNTB – Những con đường Thủ Đức thuở mực tím ngày xưa

saigon

[tds_note]

Sài Gòn bao dung

Chủ đề về Sài Gòn là nguồn cảm hứng bất tận của tất cả những ai đã từng đến, ở hoặc chỉ ngang qua đây như một sự tình cờ.

Sài Gòn không còn tên trong các thứ giấy tờ hành chánh của nhà nước hôm nay, nhưng còn ký ức. Không chỉ là ký ức của những người sanh ra, lớn lên ở Sài Gòn, mà còn của những ai một thời ở Sài Gòn, đang ở Sài Gòn, thậm chí chỉ một lần ghé chơi Sài Gòn mà có chút gì xao động…

Sài Gòn đâu của riêng ai, phải thế không?

Trang Việt Nam Thời Báo xin được mở chuyên mục “Sài Gòn bao dung” như trang nhật ký của những chuyến tàu về lại miền quá khứ và cả hôm nay của Sài Gòn nghĩa tình.

Kính mời sự cộng tác của quý độc giả trang Việt Nam Thời Báo viết về Sài Gòn ngày tháng cũ, và cả ở hiện tại…Bài viết xin gửi về địa chỉ: banbientap@ijavn.org

[/tds_note]

***

Tân Võ

 

(VNTB) – Hơn 100 năm trước, con đường đã từng in đậm dấu hờn tủi của tàn binh Việt.

 

Một chiều, chạy xe loanh hoanh Thủ Đức, trời chợt đổ mưa như trút, nhìn xuống phố cảm thấy chơi vơi như trên dòng sông chảy xiết. Tấp vội vào một quán cà phê và những kỷ niệm xa xưa hiện về.

Ngày xưa, ba chở tôi đi Biên Hòa là ghé qua Thủ Đức, đoạn Dốc Gà Quay, ăn tô phở và vài miếng nem. Thủ Đức đã từng nổi tiếng với “Làng Nem” mà nay đã mai một đến không còn lại một dấu vết gì. Có thể cách thưởng thức hương vị của con người đã thay đổi theo năm tháng nhưng đối với tôi cái vị chua ngọt mà nồng ấm không thể phôi pha sau gần 50 năm dài.

Thời vua Minh Mạng, Thủ Đức là huyện Ngãi An thuộc tỉnh Phước Tuy, về sau nhập về tỉnh Gia Định. Một người Hoa (Minh hương), tên Tạ Dương Minh (còn gọi là Tạ Huy), tự bỏ tiền xây một cái chợ đặt tên là danh hiệu của mình, Thủ Đức. Từ đó “Chợ Thủ Đức” dần dần lấn át Ngãi An. Ngày nay, Thủ Đức như một vùng đất lành, bao thế hệ con người tứ phương, ngay cả các thế hệ sinh viên các trường học đóng trên địa bàn Thủ Đức, đã đến và lập nghiệp dài lâu.

Con đường từ Bình Triệu đến Biên Hòa (mà đoạn thuộc Thủ Đức nay là Kha Vạn Cân) là một con đường đặc biệt vì nó có hai tên, vừa là Quốc lộ 1 thời đó vừa là đường Nguyễn Tri Phương mà hơn 100 năm trước in đậm dấu hờn tủi của tàn binh Việt.

Thành Chí Hòa (nay gọi là Kỳ Hòa, quận 10, TP.HCM) kiên cố, kiêu hãnh thách thức sự xâm lăng của người Pháp dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương chỉ đứng vững trọn một ngày.

Tối ngày 25/2/1861 thành Kỳ Hòa thất thủ với vài ngàn quân Việt đã hy sinh, trong khi người Pháp chỉ mất 12 tên lính. Nguyễn Tri Phương kéo tàn binh còn lại vượt qua hỏa lực của người Pháp về thành Biên Hòa. Như để tưởng niệm một trận chiến không cân sức, con đường tháo chạy này được mang tên Nguyễn Tri Phương.

Sau đó, Nguyễn Tri Phương ra Bắc và mất trong lần tử thủ thành Hà Nội lần thứ nhất, ngày 20/12/1873. Một vị tướng khác mà lịch sử cũng đã có một thời gắn liền với Thủ Đức là Hoàng Diệu. Ông đã tự vẫn trong lần thất thủ thành Hà Nội lần thứ hai, ngày 25/4/1882.

Ai trong số chúng ta có thể nghĩ rằng Thủ Đức đã từng là một nơi lưu danh hai vị tướng cam đảm, uy danh mà số phận lại nghiệt ngã với hai con đường lớn nhất được đặt tên lúc bấy giờ và giao nhau tại trung tâm thị trấn? Hôm nay, Võ Văn Ngân đã thay tên Hoàng Diệu và Kha Vạn Cân thay thế Nguyễn Tri Phương.

Làng Đại Học đã từng mang một ý nghĩa văn hóa rất đặc biệt cho cả Sài Gòn trong những năm 1950 – 1960. Tiếc thay, đến nay, nó chỉ còn là những con đường đẹp nhất Thủ Đức với cách đặt tên rất ấn tượng. Đường nằm ngang là tên các danh nhân văn hóa như Einstein, Tagore,…, đường dọc là tên những ước mơ của nhân loại như Công Lý, Dân Chủ, Bác Ái. Lại không hiểu tại sao Tự Do lại thay thế bởi tên đường Nguyễn Văn Bá?

Có thể nói rằng số lượng các trường trung học không thay đổi là mấy sau mấy chục năm mặc dù dân số Thủ Đức tăng lên không biết bao lần. Thủ Đức đã từng nổi tiếng với trường trung học Thủ Đức, sau đổi tên thành Hoàng Đạo và bây giờ là trường Nguyễn Hữu Huân. Trong khi đó, trường Trung học Thủ Đức bây giờ thì ngày trước có tên là trường Đức Minh.

Không thể nói hết những gì đã thay đổi trong vỏn vẹn một trang giấy. Tuy nhiên, đôi khi, những cái đã mất vẫn khiến lòng người luyến tiếc. Sự thay đổi luôn là tất yếu và vẫn mong Thủ Đức sẽ đẹp hơn.

Tin bài liên quan:

VNTB – Sài Gòn rau muống

Phan Thanh Hung

VNTB – Thủ Đức, trường cũ những ngày xưa

Phan Thanh Hung

VNTB – Sài Gòn bao dung: Có một Sài Gòn… im ắng

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.